Bệnh trên cá tầm và biện pháp phòng trị

Thực hiện tốt các biện pháp phòng và trị bệnh sẽ giảm thiểu được việc sử dụng thuốc và hóa chất, tạo sản phẩm cá tầm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bệnh do nấm gây ra

Nguyên nhân: Bệnh do một số loài nấm thuộc các giống Achlya, Saprolegnia, Leptolegnia… gây ra.  Đây là các nấm dạng sợi, thuộc nhóm nấm bậc thấp, cấu tạo sợi nấm đa bào nhưng không có các vách ngăn. Bệnh nấm xảy ra ở hầu hết các loài cá nước ngọt.

Dấu hiệu: Bệnh xảy ra khi cá bị xây xát do vận chuyển. Cá bị bệnh có biểu hiện bơi chậm, kém ăn, xuất hiện lở loét ở phần đuôi và có búi sợi màu trắng.

Phòng và trị bệnh: Nuôi cá với mật độ thích hợp, cỡ cá thả đồng đều và tránh những tác động cơ học hoặc do ký sinh trùng làm cá bị thương tổn, tạo điều kiện cho bào tử nấm xâm nhập và gây bệnh. Thao tác nhẹ nhàng khi vận chuyển cá. Tắm cá bằng nước muối 20 – 30‰ trong 10 – 15 phút. Theo Nguyễn Ngọc Phước và cs (2021), Formalin và NaCl đều có khả năng kháng nấm trong điều kiện in vitro. Theo đó, Formalin với liều lượng 75 – 150 ppm và NaCl với nồng độ 2 – 2,5% có khả năng ức chế sự phát triển của một số chủng nấm nghiên cứu khi ngâm sau 1 giờ.

Ca-Tam-Viet-1111

Người nuôi cá tầm cần chú trọng đến các giải pháp phòng bệnh tổng hợp cho cá. Ảnh: Long Nguyễn

Bệnh đường ruột

Nguyên nhân: Do vi khuẩn đơn bào gây ra.

Dấu hiệu bệnh: Thời kỳ đầu phát bệnh, bề ngoài cá bị bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Cá bơi lờ đờ, bỏ ăn, bụng căng phồng, hậu môn sưng đỏ. Có dịch màu vàng chảy ra từ hậu môn khi ấn tay nhẹ vào phần bụng cá.

Trị bệnh: Khử trùng nước ao, bể nuôi bằng TCCA 90% liều lượng 25 ppm. Bổ sung thêm Vitamin C, Vitamin E vào khẩu phần ăn của cá để tăng sức đề kháng.

Bệnh do virus

Nguyên nhân: Do Iridovirus là một thành viên thuộc họ Iridoviridae. Virus nhân bản bên trong của da và mang cá và từ đó phát tán trực tiếp vào nước. Bệnh gây chết tới 95% cho cá tầm con dưới 1 tuổi. Hầu hết bệnh dịch xảy ra ở nhiệt độ nước từ 17 – 190C; nhưng sự lây nhiễm có thể sảy ra ở trong khoảng nhiệt độ 10 – 230C. Việc thả nuôi với mật độ cao được cho là một trong những nhân tố góp phần làm cho dịch bệnh trở nên nghiêm trọng.

Dấu hiệu của bệnh: Cá bị nhiễm bệnh có xu hướng giảm ăn, giảm trọng lượng do các biểu mô cảm giác trong cơ quan khứu giác của cá bị nhiễm trùng. Mang của cá bị nhiễm bệnh nhìn có vẻ bị sưng và màu nhạt đi so với màu mang của cá bình thường. Kiểm tra kỹ có thể nhìn thấy những khu vực bị hoại tử riêng biệt.

Phòng và trị bệnh: Hiện chưa biện pháp nào kiểm soát và điều trị bệnh hữu hiệu. Do đó, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp để giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh.

Bệnh rận cá

Nguyên nhân: Bệnh này do một số loài giáp xác thuộc giống Argulus gây nên. Trùng có chiều dài từ 4 – 8 mm. Màu sắc giống ký chủ hình dạng giống con rận nên còn gọi là rận cá.

Dấu hiệu bệnh: Miệng cá, mang và hốc mang, hậu môn, gốc vây bị sưng đỏ, đầu to, mình gầy, da cá chuyển màu xám, cá mất phương hướng.

Phòng và trị bệnh: Cách ly cá bị bệnh ngay lập tức. Cho cá bệnh tắm trong nước muối 20 – 30‰ đến khi rận cá rụng xuống đáy bể/chậu.

Phòng bệnh tổng hợp

Con giống cần phải đảm bảo chất lượng. Cá giống phải đồng đều, khỏe mạnh và không dị hình. Khi thả vào chậu nước, chúng bơi tản đều trong chậu, không tập trung vào một chỗ là cá khỏe.

Cá tầm là loài chỉ sống được ở nguồn nước sạch. Chính vì vậy nên chọn địa điểm nuôi cá tầm ở những nơi có nguồn nước không bị ô nhiễm hóa chất công nghiệp hay nông nghiệp. Đối với lồng nuôi cần định kỳ 1 lần/tháng vệ sinh, kiểm tra lồng lưới hay đáy lồng xem có bám thức ăn thừa hay dị vật gì hay không. Thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng lồng nuôi.

Hàng ngày cần kiểm tra tình trạng sức khỏe và theo dõi hoạt động của cá. Nếu cá bơi mạnh, tập trung thành đàn, màu sắc rõ ràng, không bị thương tức cá đang khỏe mạnh. Nếu cá bơi chậm, màu nhạt dần, không tập trung tức cá đang có dấu hiệu lạ. Trong trường hợp này, người nuôi cần bắt cá kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cá tầm là loài sống đáy nhưng yêu cầu môi trường trong sạch và nhiều ôxy. Vì vậy, ở bất kỳ hình thức nuôi nào thì người nuôi cần luôn luôn theo dõi, kiểm tra môi trường nước đều đặn hàng ngày để đảm bảo cho cá sinh trưởng tốt. Đo hàm lượng ôxy hòa tan, nhiệt độ 2 lần/ngày lúc 8h sáng và 16h chiều. Khi hàm lượng ôxy <4 mg/l, cần sục khí. Hàng ngày đo pH, NH3, đảm bảo các chỉ tiêu nằm trong khoảng cho phép sinh trưởng với cá. Thường xuyên kiểm tra mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh.

Trong quá trình nuôi, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho cá. Bổ sung đủ lượng và chất cho cá tầm, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Khi trời mưa cần cho cá ăn ít lại. Nên nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp để hạn chế tình trạng bẩn nước. Hàng ngày phải xiphong thức ăn thừa và phân cá.

Lê Loan

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận