Bình Định đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 296.205 tấn trong năm 2024

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, tổng sản lượng thủy sản trong năm 2023 của tỉnh ước đạt hơn 286.000 tấn, tăng 3,12% so cùng kỳ, giá trị tăng thêm 2,15%. Trong đó, riêng sản lượng thủy sản khai thác đạt 273.000 tấn, tăng 3,17%.

van-chuyen-ca_1704427609
Khai thác thủy sản đóng góp sản lượng lớn cho ngành thủy sản Bình Định. Ảnh: NTN

Trong năm 2023, thời tiết tương đối thuận lợi, ít mưa bão, tạo điều kiện cho tàu cá của ngư dân Bình Định vươn khơi đánh bắt. Thêm vào đó, giá một số sản phẩm thủy sản tăng cao nên ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển sản xuất. Sản lượng một số loài thủy sản đánh bắt tăng cao so cùng kỳ như cá ngừ tăng 15,05%, cá bạc má tăng 13,2%, cá hố tăng 16,4%.

Mục tiêu trong năm 2024, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 296.205 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 281.525 tấn (cá ngừ đại dương đạt 14.270 tấn), sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 14.680 tấn (tôm nuôi đạt 10.800 tấn).

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, để hoàn thành các mục tiêu trong năm 2024, cần thực hiện tốt các giải pháp sau: 

– Tiếp tục tăng cường triển khai thực thi có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017 và chống khai thác bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định (IUU); với mục tiêu không còn tàu thuyền đánh bắt cá của tỉnh vi phạm vùng lãnh hải nước ngoài.

– Duy trì thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho ngư dân khai thác hải sản xa bờ; xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Bình Định để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo của nguồn lợi thủy sản.

– Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn thực hiện tốt công tác chăm sóc quản lý ao nuôi, bảo vệ môi trường nuôi, phòng ngừa dịch bệnh; triển khai Kế hoạch chuyển đổi diện tích nuôi tôm thâm canh/bán thâm canh sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả sang nuôi nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao.

– Phối hợp các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi tập trung thâm canh, bán thâm canh, tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất.

Đăng ngày 05/01/2024
NTN
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận