Ngành chăn nuôi dịch chuyển
Từ một tỉnh chủ yếu chăn nuôi nhỏ, Bình Phước đang phát triển nhanh chăn nuôi công nghiệp và hướng tới thành một trung tâm xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Phát triển vượt bậc
Trong những năm gần đây, đã có sự phát triển vượt bậc về chăn nuôi ở tỉnh Bình Phước . Theo Cục Thống kê Bình Phước, năm 2020, tổng đàn heo trên địa bàn là 1,08 triệu con, tổng số con xuất chuồng là hơn 1,4 triệu con.
Đến năm 2022, tổng đàn heo ở Bình Phước đã lên tới 1,7 triệu con, tổng số lợn xuất chuồng ước đạt gần 2,2 triệu con. Năm 2020, tổng đàn gia cầm ở Bình Phước là gần 7,6 triệu con, đến năm 2022 tăng lên gần 14 triệu con. Với những số liệu này, Bình Phước đã trở thành một trong những tỉnh có ngành chăn nuôi lớn ở Đông Nam Bộ .
Sự phát triển nhanh chóng của chăn nuôi Bình Phước, chủ yếu nhờ trong những năm gần đây, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư chăn nuôi quy mô lớn. Điển hình như Tổ hợp CPV Food của C.P. Việt Nam, vốn đầu tư 250 triệu USD, gồm 1 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 5 trại gà giống bố mẹ, 1 nhà máy ấp trứng, 24 trại gà thịt và 1 nhà máy giết mổ và chế biến thịt gà. Công suất thiết kế của Tổ hợp lên đến 100 triệu con gà/năm, trong đó, ở giai đoạn 1 là 50 triệu con/năm.
Ngoài C.P. Việt Nam, nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành chăn nuôi như Japfa Comfeed Việt Nam, New Hope, CJ Vina Agri, Sunjin Vina, Emivest, Hòa Phước, Dabaco, BaF … cũng đã đến đầu tư ở Bình Phước với nhiều dự án quy mô lớn. Đến nay, Bình Phước đã tiếp nhận 278 dự án chăn nuôi với tổng vốn đầu tư khoảng 24 ngàn tỉ đồng.
Không phải ngẫu nhiên mà Bình Phước nổi lên thành địa điểm hấp dẫn, lý tưởng thu hút các nhà đầu tư hàng đầu lĩnh vực chăn nuôi. Bình Phước có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn.
Trước hết, Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lại là tỉnh có diện tích lớn nhất khu vực miền Đông Nam Bộ với diện tích gần 6.900km2, đây là lợi thế vô cùng quan trọng về không gian phát triển. Bình Phước cũng được xem là cửa ngõ kết nối với Tây Nguyên, TP.HCM và Campuchia.
Đặc biệt, nhắc đến Bình Phước người ta nghĩ ngay đến đây là thủ phủ cây công nghiệp cả nước, trong đó, cây điều và cao su hiện diện rộng khắp từ khu vực thành thị đến nông thôn. Theo Sở NN-PTNT Bình Phước, hiện tổng diện tích hai loại cây này lên đến 400.000ha. Diện tích cây công nghiệp lớn không chỉ là thế mạnh của Bình Phước trong lĩnh vực trồng trọt mà còn tạo không gian, khoảng cách an toàn cho các dự án chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn, phát triển các chuỗi sản phẩm chăn nuôi an toàn.
Ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam, chia sẻ, khi quyết định đầu tư Tổ hợp CPV Food, công ty chọn tỉnh Bình Phước vì ngành nông nghiệp Bình Phước chủ yếu là trồng trọt, trong đó cao su chiếm diện tích lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.
Hướng tới trung tâm xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi
Với những thế mạnh như trên và được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, từ lâu, Bình Phước đã có chủ chương phát triển vùng chăn nuôi trọng điểm đạt các yêu cầu xuất khẩu.
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết, từ 2008, tỉnh đã quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, phát triển liên kết chuỗi sản phẩm chăn nuôi an toàn, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ.
Đồng thời, tỉnh ban hành chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư trong phát triển các dự án chăn nuôi hiện đại. Bình Phước cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó có các dự án chăn nuôi; hỗ trợ giải quyết thủ tục đầu tư nhanh chóng, thuận lợi; đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, vì doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bình Phước rất quan tâm xây dựng, triển khai tốt chương trình, kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB). Đến nay, 86% trang trại gia súc, gia cầm ở Bình Phước đạt ATDB; 6 huyện đạt ADTB đối với gia cầm.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Bình Phước đã tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho doanh nghiệp.
Tỉnh Bình Phước cũng thực hiện hiệu quả phương châm “2 nhanh, 3 tốt”. Ðó là: Giải phóng mặt bằng nhanh, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh; chính sách tốt, hạ tầng tốt và tình cảm tốt. Phương châm này nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm cơ hội làm ăn, sản xuất, kinh doanh.
Đối với ngành chăn nuôi, định hướng của tỉnh là ưu tiên phát triển các dự án chăn nuôi công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, đảm bảo môi trường; đồng thời hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.
Trong thời gian tới, Bình Phước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chăn nuôi đầu tư xây dựng, phát triển các trang trại chăn nuôi heo, gà quy mô lớn để cung cấp nguồn giống, sản phẩm chất lượng cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y, đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi lưu thông trên thị trường và đáp ứng điều kiện xuất khẩu.
Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025. tổng đàn chăn nuôi lợn trên 2,7 triệu con, đàn gia cầm trên 18 triệu con, đàn trâu, bò trên 60.000 con; Năm 2030 đàn heo trên 3,2 triệu con, đàn gia cầm trên 27 triệu con, đàn trâu bò trên 70.000 con.
Nhận thấy lĩnh vực chăn nuôi rất nhạy cảm với vấn nạn ô nhiễm môi trường, Bình Phước cũng đã có chủ trương không đánh đổi môi trưởng để lấy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, chủ trương nhất quán của tỉnh Bình Phước với các dự án chăn nuôi đầu tư tại địa bàn là phải đảm bảo “3 an toàn”, đó là an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Cụ thể, chăn nuôi phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo pháp luật chăn nuôi và mật độ chăn nuôi trên địa bàn; thực hiện đầy đù các yêu cầu trong quá trình đầu tư và đi vào hoạt động: đảm bảo khoảng cách an toàn; đánh giá tác động môi trường; thực hiện các cam kết môi trường; tuân thủ chủ trương đầu tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, môi trường; có hệ thống xử lý thải; đảm bảo điều kiện chăn nuôi khi vào hoạt động. Đồng thời, yêu cầu chủ dự án phải tổ chức vận hành, bảo trì, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, nước thải trong quá trình hoạt động; khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ mới trong xử lý thải.
Song song đó, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những cơ sở chăn nuôi không đảm bảo điều kiện chăn nuôi, không tuân thủ cam kết về môi trường, gây ô nhiễm môi trường; tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng, phát hiện, tố giác các hành vi xả thải trái phép trong chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường đến cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
Bà Trần Tuệ Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước:
Bình Phước đang hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải và phụ phẩm nông nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang cụ thể hóa trong xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn xử lý chất thải và phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, khép kín, đa giá trị; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện thu gom, lưu trữ và vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất phát tán ra môi trường.