Bức xúc quy hoạch, giao mặt nước biển cho nuôi trồng thủy sản

Ngày 25/11/2023, tại hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức ở tỉnh Khánh Hòa nổi lên vấn đề bức xúc về công tác quy hoạch, giao mặt nước biển cho nuôi trồng thủy sản.

quy-hoach-giao-muc-nuoc-bien_1703490624
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trao đổi với ngư dân về khai thác thuỷ sản. Ảnh: kinhtedothi.vn

Việc giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản thực hiện theo quy định về giao đất có mặt nước ven biển, giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản của Luật Thủy sản năm 2003 và Luật Đất đai năm 2003. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng mã số vùng nuôi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản. 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, ông Lê Bền chia sẻ những bức xúc ở vấn đề giao diện tích mặt nước, điểm xuất phát xây dựng chuỗi sản phẩm. Các thị trường nhập khẩu yêu cầu ngày càng cao với sản phẩm truy xuất nguồn gốc, trong đó có cả việc kê khai carbon để bảo vệ môi trường. Điều này đặt ra vấn đề cân đối giữa sinh kế và bảo vệ môi trường, phải xây dựng các cụm công nghiệp nuôi trồng trên biển, tạo tiền đề cho nuôi biển xa bờ, giải quyết vấn đề môi trường. “Muốn thực hiện cần giải quyết vấn đề gốc rễ là giao diện tích mặt nước, đang rất cần tháo gỡ”, ông Lê Bền nói. 

quy-hoach-giao-muc-nuoc-bien-_170349016913551432086550267565Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung Nhân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam cho biết, tỉnh có trên 97.000 lồng nuôi trên biển với sản lượng hàng năm khoảng 18.000 tấn, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động. Ở tỉnh Khánh Hòa, nuôi trên biển các loại cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm và là 1 trong 3 địa phương (cùng với Quảng Ninh, Kiên Giang) có tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi biển hàng đầu ở nước ta. Trong đó, tôm hùm là sản phẩm nổi tiếng của Khánh Hòa, có giá trị kinh tế cao được khách du lịch và các thị trường nước ngoài ưa thích. “Nuôi biển của Khánh Hòa đang chủ yếu gần bờ, quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường. Nhất là đang chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao, tôm hùm cũng như các loại thủy sản khác chưa truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu của thị trường. Khánh Hòa mong được hỗ trợ tháo gỡ”, Phó chủ tịch Nam nói. 

Ông Nguyễn Thanh Huyên ở Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đại diện Bộ TN&MT cho biết, báo cáo của các địa phương đến hết tháng 12/2022 chưa giao được khu vực biển nào để nuôi trồng thủy sản. Tình hình đến nay vẫn chưa chuyển biến. Trong lúc, các địa phương ven biển phát triển nuôi trồng thủy sản có nhu cầu được giao mặt nước rất lớn. Đơn cử ở tỉnh Quảng Ninh có 1.354 tổ chức/cá nhân, tỉnh Khánh Hòa có 1.467 tổ chức/cá nhân, tỉnh Ninh Thuận có 105 tổ chức/cá nhân đã sử dụng khu vực biển nhưng chưa được giao mặt nước biển theo quy định của pháp luật. Thực trạng đó ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm và khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về biển, hải đảo. 

phat-bieu-trong-hoi-nghi-1_17034905034952249866784179846Các đại biểu tham gia trong hội nghị. Ảnh: thuysanvietnam.com.vn 

Ông Huyên kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu cho Quốc hội phê duyệt “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050” làm cơ sở pháp lý cho các địa phương quy hoạch chi tiết và giao vùng mặt nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Từ đó, tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, quy mô công nghiệp. 

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nước ta có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nuôi biển. Kế hoạch đến năm 2030 phấn đấu đạt sản lượng 1,45 triệu tấn, tuy nhiên phải tháo gỡ những khó khăn, thách thức đã nhận diện gửi được. Trước hết là vấn đề quy hoạch, Thứ trưởng Tiến cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Trong đó, ông đề xuất Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT và các ngành liên quan giảm bớt thủ tục hành chính, đưa các quy định đến với người dân. Các địa phương ven biển quan tâm công tác xây dựng quy hoạch và tổ chức thực thi tại địa phương.  

Đăng ngày 25/12/2023
Sáu Nghệ
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận