Sáng 2/8, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại TP Hải Phòng.
Chuyển biến chậm
Kiểm tra thực tế tại cảng cá Ngọc Hải, đoàn công tác đánh giá, so với những lần trước, việc ghi chép số lượng tàu cập và rời bến có tiến bộ, nhưng chưa đúng mẫu; chất lượng ghi nhật ký khai thác rất thấp, gây khó khăn cho truy xuất nguồn gốc thủy hải sản.
Đáng lưu ý, tàu mất liên lạc còn nhiều, việc xử lý tàu cá vi phạm còn hạn chế, chưa đảm bảo tính răn đe. Trình độ chuyên môn của cán bộ tại cảng cá còn hạn chế nhưng khi Bộ NN-PTNT tổ chức tập huấn nhiều nhiều về giám sát tàu cá, phân loại và giám sát sản lượng thì lực lượng này của Hải Phòng lại không tham gia. Việc tàu cá ra vào cảng, cán bộ nắm quy trình chắc, tuy nhiên việc xử lý các lỗi vi phạm chưa đạt được yêu cầu.
Làm việc với UBND TP Hải Phòng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá công tác chống khai thác IUU của Hải Phòng thời gian qua có chuyển biến, tuy nhiên còn chậm.
Thứ trưởng nhấn mạnh, mỗi lần kiểm tra đều rất cụ thể, chi tiết, chỉ ra những hạn chế bất cập, những nội dung cần khắc phục nhưng việc thực hiện sau đó chưa được như kỳ vọng.
Đơn cử như việc ghi nhật ký khai thác còn đối phó, dù đầy đủ chức năng nhiệm vụ, có tới 5 lực lượng thực thi pháp luật nhưng nhiều sai phạm không bị xử lý khi bị phát hiện. Hiện tại, hệ thống văn bản, quy định pháp luật có đầy đủ căn cứ để xử lý, quản lý trong việc chống khai thác IUU. Hải Phòng cần có giải pháp sát thực hơn, phải có chuyên đề để thực hiện.
“Việc chống khai thác IUU không chỉ giúp gỡ “thẻ vàng” của EC mà còn góp phần quan trọng để chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hội nhập quốc tế. Nói để khắc phục, để làm, tất cả vì ngành thủy sản 9 triệu tấn/năm, vì 11 tỷ USD của ngành thủy sản”, Thứ trưởng khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Thọ – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thẳng thắn tiếp thu những góp ý của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và đoàn công tác. Ông Thọ thừa nhận những hạn chế, tồn tại vừa qua trong công tác chống IUU là do cơ quan chuyên môn chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
TP Hải Phòng sẽ chỉ đạo quyết liệt và các cơ quan chuyên môn liên quan sẽ ngồi lại để nhìn nhận thẳng thắn, tìm giải pháp để khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế nói trên.
Tập trung 5 nhiệm vụ
Hải Phòng là 1 trong 5 Trung tâm nghề cá lớn của cả nước, thị trường tiêu thụ và chế biến sản phẩm thủy sản lớn, có nhiều cơ hội, tiềm năng mở rộng.
Thời gian qua, các cơ quan đơn vị tích cực vào cuộc, các địa phương đã kiện toàn và thành lập các Tổ chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (do Phó Chủ tịch UBND huyện, quận làm Tổ trưởng), phân công trách nhiệm cho các ngành, UBND các xã, phường quản lý giám sát các tàu cá không tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Cơ quan chức năng cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên địa bàn. Thông qua đó, nhận thức của người dân về chống khai thác hải sản bất hợp pháp ngày càng nâng cao, số lượng tàu cá vi phạm khai thác IUU giảm rõ rệt.
Ngư dân bước đầu đã hình thành thói quen thực hiện việc ghi chép hồ sơ, nhật ký, báo cáo khai thác, bật giám sát hành trình 24/24 giờ khi đi hoạt động trên biển và thực hiện trình báo với cơ quan chức năng khi đưa tàu xuất, rời cảng theo quy định.
Dù vậy, công tác chống khai thác IUU còn một số tồn tại như: Việc kiểm soát sản lượng khai thác thủy sản, thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, báo cáo thu mua chưa đáp ứng theo quy định. Hiện tại, vẫn còn tình trạng mất kết nối do một số nguyên nhân như: chất lượng thiết bị chưa đảm bảo, phải sửa chữa, bảo hành, nhà cung cấp chưa kịp thời bảo hành.
Một số tàu cá làm nghề lồng bẫy hoạt động ở ngư trường truyền thống là vùng lộng, tuy nhiên vì chiều dài lớn nhất của tàu lớn hơn 15m nên hoạt động sai vùng theo quy định dẫn đến khó khăn trong công tác chống khai thác IUU.
Kết quả xử lý vi phạm hành chính còn thấp, đặc biệt xử phạt tàu mất kết nối không đạt chỉ tiêu 100% theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT. Nguyên nhân là do việc xác minh hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá thiếu chặt chẽ, không đủ căn cứ pháp lý, tàu cá mất kết nối giám sát hành trình không về địa phương.
Dự kiến tháng 10/2023, EC sẽ tiếp tục có đoàn thanh tra sang nước ta làm việc liên quan đến chống khai thác IUU, ông Nguyễn Quang Hùng – Cục trưởng Cục Kiểm ngư đề nghị UBND TP Hải Phòng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 5 việc.
Thứ nhất, địa phương nhanh chóng thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về việc đề nghị 28 tỉnh, thành ven biển tổng kiểm tra việc chống khai thác IUU, trong đó tập trung cho việc kiểm đếm số lượng và tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình, nếu chưa có thì lập danh sách riêng cập nhật vào dữ liệu quốc gia để giám sát và khai thác, đảm bảo 100% tàu cá không ra vào cảng nếu không lắp thiết bị giám sát hành trình.
Thứ 2 là kiểm soát nghề cá tại cảng, kiểm tra hàng tháng, kiểm soát hoạt động của văn phòng, sản lượng, nhật ký khai thác. Thứ 3 là tăng cường kiểm soát nghề cá trên biển. Thứ 4 là tập trung cho việc xử lý vi phạm, số lượng vi phạm khá nhiều nhưng xử lý còn khiêm tốn. Thứ 5, dồn tiềm lực để giải quyết các hạn chế, bất cập, đến tháng 10 sẽ thu gọn hết các tồn tại.
Đến ngày 2/8, trên địa bàn TP Hải Phòng có 890 tàu cá đang còn hoạt động và đã được đăng ký trên hệ thống VNFishbase, gồm 321 tàu có chiều dài từ 6 – 12m; 238 tàu có chiều dài từ 12 – 15m; 311 tàu dài trên 15m.
Phân theo nhóm nghề khai thác: lưới kéo có 198 tàu, lưới rê có 256 tàu, nghề câu có 12 tàu, nghề lưới chụp có 191 tàu, hậu cần có 106 tàu và nghề khác là127 tàu.
Số lao động tham gia khai thác khoảng 4.970 người. Sản lượng khai thác thủy sản tháng 7/2023 ước đạt gần 9.600 tấn, lũy kế 7 tháng ước đạt gần 42.400 tấn