Sự đa dạng về thực vật phù du trong ao sẽ làm giảm khả năng nở hoa của vi khuẩn lam.
Tôm càng xanh là loài tôm nước ngọt được nuôi thương phẩm và đang phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới, nhất là ở Trung Quốc, Ấn Độ, Tailand, Việt Nam và Bangladesh. Nuôi tôm càng xanh khá dễ dàng và tỷ lệ thành công cao. Năm 2017, sản lượng nuôi đạt 137.300 tấn tại Trung Quốc, chiếm khoảng 50% sản lượng tôm càng xanh trên toàn cầu.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm càng xanh đã bị ảnh hưởng bởi một số vấn đề quan trọng, chẳng hạn như chậm tốc độ tăng trưởng, sự thay đổi kích thước khi thu hoạch, dịch bệnh và sự xấu đi của môi trường nuôi.
Môi trường bền vững là một trong những mối quan tâm lâu dài của nghề nuôi tôm. Các nước nuôi tôm ở châu Á gần đây bị sụt giảm đáng kể về sản lượng do dịch bệnh và suy thoái môi trường gây ra. Tảo nở hoa là vấn đề môi trường lớn thường gặp nhất khi nuôi tôm càng xanh.
Để tạo “nước xanh” khi nuôi tôm, người ta bón phân bón hữu cơ hoặc vô cơ, để thúc đẩy sự phát triển của thực vật phù du, điều này thường dẫn đến sự xuất hiện của vi khuẩn lam. Chúng tạo ra nhiều loại độc tố và làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước, có thể điều này đã góp phần làm dịch bệnh trên tôm càng xanh diễn ra thường xuyên hơn. Ngoài ra, sự nở hoa của vi khuẩn lam có thể tác động bất lợi đến mùi vị thịt tôm càng xanh, càng làm giảm giá bán và lợi nhuận của người nuôi.
Phương pháp phun hóa chất thường được sử dụng để kiểm soát sự bùng phát vi khuẩn lam trong ao, nhưng phương pháp này không lý tưởng về mặt hiệu quả, chi phí, gây ô nhiễm môi trường và độc tính đối với thủy sản. Một phương pháp hiệu quả và thân thiện với môi trường để cải thiện môi trường nuôi trồng thủy sản này là rất cần thiết.
Có thể sự đa dạng về thực vật phù du trong ao sẽ làm giảm khả năng nở hoa của vi khuẩn lam. Do đó, việc xem xét sự tăng trưởng của thực vật phù du và các thông số chất lượng nước, điều chỉnh cấu trúc ao và tối ưu hóa các phương pháp nuôi sẽ tìm hiểu được nguyên nhân chính của sự bùng phát vi khuẩn lam trong ao.
Phương thức nuôi ảnh hưởng đến thực vật phù du
Sự phong phú của thực vật phù du thấp hơn khi nuôi quảng canh. Ngoài ra, nếu có thay đổi thành phần, chủ yếu là vi khuẩn lam chiếm ưu thế, những nhóm khác không đáng kể. Vi khuẩn lam thích nghi với môi trường và cạnh tranh hơn so với các loại tảo khác. Khi môi trường thuận lợi để tảo nở hoa, vi khuẩn lam sẽ chiếm ưu thế, trong khi các loại tảo khác bị ức chế. Độ sâu của ao là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát vi khuẩn lam.
Khi độ sâu nhỏ hơn 1m, sự nở hoa của vi khuẩn lam có thể xảy ra nhiều hơn. Tăng độ sâu của của ao còn mở rộng không gian có sẵn cho tảo phát triển, có lợi cho việc cải thiện sự đa dạng của thực vật phù du. Do đó, tăng độ sâu của ao có thể là một cách hiệu quả để ngăn chặn sự bùng phát của vi khuẩn lam.
Hơn nữa, khi mức độ dinh dưỡng trong nước thấp, sự phát triển của vi khuẩn lam sẽ giảm. Cụ thể, hạn chế thức ăn thừa làm giảm hiện tượng phú dưỡng nước, từ đó làm giảm sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn lam. Sục khí đáy thường hiệu quả hơn sục khí bề mặt trong việc cải thiện mức DO, điều này có lợi cho sự phát triển của tảo có lợi như Bacillariophyta và Chlorophyta, cải thiện sự đa dạng của tảo.
Sục khí đáy thường hiệu quả hơn sục khí bề mặt trong việc cải thiện mức DO. Ảnh: Wikipedia
Phương thức nuôi ảnh hưởng đến chất lượng nước
Khi nuôi quảng canh, độ trong cao, COD thấp hơn so với phương thức thâm canh, điều này có thể là do ao quảng canh sâu hơn. Nước sâu còn tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho sự kết tủa tự nhiên của chất rắn lơ lửng, tạo điều kiện để tăng độ trong. Tuy nhiên, nước sâu hơn thì hàm lượng oxy dưới đáy ao lại thấp. Nên cần sục khí đáy để tăng DO đáy ao, giảm hàm lượng nitơ amoniac và tăng hàm lượng nitơ nitrit và nitrat.
Sự kết tủa nhanh của các chất lơ lửng do ao sâu hơn cũng có thể là một lý do quan trọng khiến lượng phốt pho giảm nhiều hơn so với lượng nitơ, điều này gián tiếp dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ N/P trong nước. Đây là một chỉ số quan trọng của môi trường và có ảnh hưởng lớn đến các cộng đồng thủy sinh.
Mối tương quan giữa quần xã thực vật phù du và chất lượng môi trường nước
Tổng số sinh vật phù du và tảo lam có liên quan chặt chẽ tới COD, hàm lượng N và P trong nước và sự phát triển của tảo. Việc kiểm soát hàm lượng nitơ sẽ ức chế sự nở hoa của tảo trong ao. Thực vật phù du và vi khuẩn lam làm tăng COD, do tiết ra một lượng lớn chất hữu cơ. COD cao ức chế các loại tảo khác, gia tăng mật độ vi khuẩn lam. Khi độ trong cao, ánh sáng truyền qua nước tốt hơn, tảo có nhiều cơ hội phát triển, tăng sự cạnh tranh giữa các loại tảo khác nhau. Từ đó, cải thiện sự đa dạng của thực vật phù du.
DO cũng liên quan đến sự đa dạng của thực vật phù du. Việc tăng hàm lượng oxy trên mặt nước có lợi cho sự cạnh tranh giữa vi khuẩn lam và các loại tảo khác, do đó cải thiện sự đa dạng của thực vật phù du. COD có thể được giảm bằng cách tăng oxy, tác động tích cực đến sự phát triển của thực vật phù du. Tỷ lệ N/P cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của vi khuẩn lam. Mật độ vi khuẩn lam trong các ao có tỷ lệ N/P cao vẫn thấp hơn nhiều so với các ao có tỷ lệ N/P thấp.
Tảo nở hoa của vi khuẩn lam đã làm xuống cấp chất lượng thịt tôm càng xanh
Sự thân thiện với môi trường nuôi tôm càng xanh
Sự nở hoa của vi khuẩn lam đã làm xuống cấp chất lượng thịt tôm càng xanh. Độc tố dễ dàng tích tụ, ảnh hưởng đến mùi vị và chất lượng của tôm, đồng thời khiến người tiêu dùng có thể gặp rủi ro tiềm ẩn.
Việc cải tạo ao và giải quyết nguyên nhân bùng phát vi khuẩn lam và dường như đã đạt được kết quả tốt. Có ba ưu điểm chính:
(1) Dễ vận hành và quản lý đơn giản.
(2) Không cần tăng đầu vào và không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của tôm.
(3) Chi phí thấp và không cần thêm diện tích.
Chế độ sinh thái này đã ức chế sự phú dưỡng của tảo lam và tăng sự phong phú của các loài tảo khác bao gồm Chlorophyta, Bacillariophyta, Cryptophyta và Chrysophyta. Tất cả các ao nuôi thử nghiệm đều chứa nhiều loài tảo hơn và đa dạng hơn so với các ao nuôi truyền thống.