Để giữ vững vị trí top đầu xuất khẩu tôm trên thế giới thì tôm giống tốt, đạt chuẩn là đầu vào quyết định thành công của người nuôi bên cạnh thức ăn, vật tư…
Nâng cao tỉ lệ thành công cho người nuôi tôm
Ngày 24/5, Hiệp hội Chế biến biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP ) tổ chức tọa đàm “Vì một ngành tôm phát triển bền vững”, qua đó nhằm thẳng thắn mổ xẻ các vấn đề trong chuỗi giá trị con tôm.
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung cho rằng, hiện nay căn cơ của ngành tôm vì nhiều cái thiếu, vì nhiều cái giấu, vì nhiều cái chưa nên chúng ta nuôi tôm chưa thành công.
Vì vậy, buổi tọa đàm cần thảo luận cởi mở, thẳng thắn, minh bạch, rõ ràng. "Cố gắng “banh ra” tất cả sự thật để tìm giải pháp làm sao nâng cao tỉ lệ thành công cho người nuôi tôm, phát triển ngành tôm trong tương lai", ông Hoàng Anh nói.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, năm 2023 ngành tôm nói riêng và thủy sản nói chung đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Mục tiêu năm 2023 đạt 10 tỷ USD khó có thể đạt được. Bởi thực tế, hiện nay nhiều người nuôi đang không muốn nuôi, không có nhu cầu thả nuôi, nhiều hộ nuôi tôm buộc lòng phải bán tôm tươi sống sang Campuchia thay vì tôm xuất khẩu. Đây là một thực tế mà ngành tôm cần nhìn nhận.
Muốn giữ vững vị trí top đầu về xuất khẩu tôm trên thế giới, theo ông Hòe, tôm giống tốt, đạt chuẩn là yếu tố đầu vào quyết định thành công của người nuôi bên cạnh thức ăn, vật tư…
Mặt khác, thống kê hiện nay có hơn 2.000 cơ sở nuôi, sản xuất giống, tuy nhiên mới chỉ có hơn 1.200 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Điều đó cho thấy, vẫn còn một tỷ lệ rất lớn tôm giống đưa vào lưu hành có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất của người nuôi tôm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, có 3 vấn đề đặt ra của ngành tôm lúc này là: làm sao để nâng cao tỉ lệ thành công trong nuôi tôm với thực trạng như hiện nay; kiểm soát tốt chất lượng, giá thành sản phẩm trong nuôi tôm; quản lý và kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị tôm Việt Nam.
"Kiến nghị ban lãnh đạo VASEP, tiên phong xem như lấy con giống làm mục tiêu đầu tiên phải chỉnh sửa", ông Hoàng Anh nói.
Nói về tôm giống, ông Hoàng Anh cho biết, hiện nay báo cáo về tôm giống của Việt Nam chưa đúng, thống kê chưa đúng, dẫn đến ai cũng nhìn trên mây. Chúng ta quá trìu tượng với con tôm giống sinh lời. Thực tế, tỷ lệ giá trị của tôm giống chỉ chiếm từ 5-7% giá thành trong một vụ nuôi thành công, nhưng nó lại quyết định nhiều chục % trong cấu thành thành công của một vụ nuôi.
Cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh ngành tôm
"Chỗ nào cũng nói sản xuất con giống chủ động tốt nhưng tại sao ngành tôm không tốt? Đấy là câu hỏi đặt ra, chúng ta sai từ số lượng tôm giống, đến việc nhận định sản xuất tôm giống. Từ đó, chuyển tải quy hoạch chưa đúng, quy hoạch tràn lan", Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận nêu.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Hòe cũng nhìn nhận, vấn đề số liệu và thống kê hiện nay về ngành tôm còn đang khập khiễng. Nhiều cơ sở nuôi tôm giống lớn làm rất tốt, nhưng vẫn có những cơ sở chưa tốt, nếu không có cơ sở dữ liệu đầy đủ chi tiết và minh bạch, sẽ bị đánh đồng "tốt cũng như chưa tốt".
"Nếu làm tốt cơ sở dữ liệu thì người nuôi tôm sẽ tiếp cận được thông tin về con giống tốt, mức độ thành công sẽ tốt hơn. Đã đến lúc phải suy nghĩ đến một “liên minh tôm bền vững”… Từ đó, đưa ra nguồn thông tin tin cậy trên cơ sở nguồn dữ liệu liên thông với nhau.
Hiệp hội sẽ làm việc với Bộ NN-PTNT để bàn về những quy định cụ thể hơn, chúng ta phải tiếp cận với những tiêu chuẩn của thế giới. Vì vậy, VASEP mong muốn nhận được sự hợp tác của các cơ sở sản xuất tôm giống, cung cấp cho VASEP thông tin để minh bạch. Từ đó, xây dựng được cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, minh bạch để thông tin một cách kịp thời hơn cho các hộ nuôi, cũng như có khuyến cáo đầy đủ, những quyết định trong vấn đề sản xuất, chế biến, xuất khẩu một cách hợp lý hơn, qua đó giúp ngành tôm ổn định và phát triển trong thời gian tới", Tổng Thư ký VASEP nói.
Phải giảm giá thành tôm bằng Ấn Độ, Ecuador
Theo ông Lê Văn Quang, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, làm sao giảm giá thành tôm bằng Ấn Độ, Ecuador thì chuỗi nuôi tôm mới phát triển và bền vững được.
"Không còn con đường nào khác là phải có giải pháp để giảm giá thành", ông Quang nói và cho biết thêm, muốn giảm giá thành nuôi, theo ông Quang phải có quy trình nuôi, khu nuôi tập trung (bình quân cả nước chỉ 1-3ha/hộ, nuôi nhỏ lẻ) không có kênh cấp, thoát nước riêng, mà làm cùng kênh dẫn đến dịch bệnh lây tràn lan. Do đó, cần phải xây dựng những khu sản xuất nuôi tôm tập trung lớn và công nghệ nuôi phù hợp với từng mô hình nuôi, từng vùng nuôi…
Ông Quang cũng cho biết, Minh Phú đã đàm phán và quyết tâm làm Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam.
"Chúng tôi đã thuê người viết Đề án và mong muốn cộng tác với tất cả doanh nghiệp, làm đề án này. Đề án này gồm: muốn sản xuất giá thành thấp, tôm giống, tôm bố mẹ, gia hóa con tôm để làm sao khả năng chống chịu với dịch bệnh, môi trường tốt hơn; sản xuất con giống chất lượng cao và phải có khu sản xuất tôm giống đạt chuẩn; và có thức ăn tôm bố mẹ sạch", ông Quang nói.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung cho biết, buổi họp đạt được nhiều giải pháp chung, nhiều sự phối hợp của các bên. Trong tương lai gần, sẽ có những giải pháp cụ thể, hướng đến các bên trong chuỗi giá trị, sẽ tạo được nhiều đột phá, mang lại lợi ích chung cho tất cả các thành tố cũng như sự phát triển của ngành tôm trong thời gian tới.