Tại Hội nghị Thượng đỉnh Thủy sản có trách nhiệm của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA) tổ chức tại thành phố Saint John, tỉnh New Brunswick, Canada đầu tháng 10, chuyên gia phân tích thủy sản của Rabobank – ông Gorjan Nikolik dự đoán năm 2024 sản lượng tôm sú toàn cầu đạt 600.000 tấn, tăng 7% so với năm 2023.
Ông Nikolik cho rằng ngành thủy sản châu Á đang xoay sở tăng lợi nhuận bằng việc tập trung sản xuất tôm sú, đặc biệt Trung Quốc đã gia tăng sản xuất và đạt được năng suất ấn tượng. Theo dữ liệu của GSA, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia nuôi trồng tôm sú lớn nhất thế giới, trung bình mỗi nước sản xuất khoảng 150.000 tấn.
Dự kiến, trong năm 2023, sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng của Trung Quốc có thể vượt mức 1 triệu tấn. Trong khi Việt Nam được dự đoán sản xuất tôm sú giữ mức ổn định, còn tôm thẻ chân trắng sẽ giảm 15% xuống khoảng 630.000 tấn.
Đối với Ấn Độ, ông Nikolik cho rằng sản xuất tôm thẻ chân trắng tăng đáng kể trong năm nay, nhưng bước qua năm sau người dân sẽ chuyển đổi sang nuôi tôm sú. Dù con số cụ thể không được đưa ra nhưng quan điểm của ông trùng khớp với những gì ông Ravi Kuma Yellanki, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Ấn Độ dự báo tại Triển lãm Thủy sản Quốc tế Ấn Độ hồi tháng 2 năm nay. Tại thời điểm đó, ông Kuma Yellanki cho rằng sản lượng tôm sú của Ấn Độ sẽ đạt 70.000 tấn trong năm 2023.
Tại Diễn đàn Tôm Toàn cầu tổ chức tại Utrecht, Hà Lan, ông Sheraz Anwar, giám đốc công ty xuất khẩu Ấn Độ Abad Overseas cho biết tôm sú đang nằm trong kế hoạch phát triển kinh doanh của công ty, do giá tôm thẻ chân trắng đã xuống đáy.
Với Bangladesh – quốc gia sản xuất tôm sú lớn thứ 3 thế giới, ông Nikolik dự đoán sản lượng tôm sú trong năm 2023 có thể tăng 10% so với năm ngoái lên mức 140.000 tấn, sau đó bước sang năm 2024 sẽ đạt mức cao kỷ lục của năm 2021. Theo đó, dự đoán sản lượng tôm sú năm 2024 sẽ khoảng 160.000 tấn, tăng 14%.
Sau khi chính phủ chấp thuận kế hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng, Bangladesh dự kiến sản xuất 30.000 tấn tôm thẻ chân trắng trong 3 năm tới để đưa loài tôm này trở thành đối tượng kinh doanh nội địa chủ lực. Lý do Bangladesh muốn nuôi tôm thẻ chân trắng trong khi thế giới đang dư cung, giá chạm đáy, là bởi hiện nay một nửa trong tổng sản lượng 70.000 tấn tôm sú của Bangladesh được tiêu thụ trong nước, do đó Chính phủ muốn chia bớt thị phần cho tôm sú, để lượng tôm sú dư ra được chuyển vào các nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu.
An Vy
(Theo Undercurrentnews)