Bình Định ‘tầm sư’ học nghề trồng rong biển
Trước nhiệm vụ do UBND tỉnh Bình Định giao, ngành chức năng đang thực hiện trồng thử nghiệm rong biển thương phẩm tại Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn), mở ra nhiều kỳ vọng…
Rong biển, mối quan tâm của lãnh đạo Bình Định
Đầu tháng 4/2023, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt danh mục 4 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh thực hiện trong năm 2023, trong đó có 1 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Đó là đề tài nghiên cứu, phát triển và chế biến sâu một số sản phẩm từ rong biển theo hướng nâng cao chất lượng, phát triển thành chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đề tài này được ngành chức năng giao cho Trung tâm Khuyến nông Bình Định thực hiện. Đây là tiền đề để phát triển nghề trồng rong biển sau này.
Đơn vị được giao nhiệm vụ sẽ điều tra sản lượng, mùa vụ khai thác các loại rong biển tại Bình Định. Nghiên cứu, phát triển một số loài rong biển phù hợp với điều kiện tại địa phương kết hợp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý sau thu hoạch, sơ chế và chế biến một số sản phẩm có giá trị gia tăng từ rong biển đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, theo hướng nâng cao chất lượng và phát triển thành chuỗi giá trị.
“Chúng tôi được giao nghiên cứu quy trình sản xuất 3 giống rong là rong sụn, rong câu rễ tre và rong nho trên vùng biển Bình Định bằng phương pháp sinh sản dinh dưỡng; nghiên cứu quy trình nuôi trồng thương phẩm 3 loài rong được chọn nói trên đạt năng suất 30 – 40 tấn tươi/ha để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Nghiên cứu qui trình công nghệ hoàn thiện xử lý sau thu hoạch và chế biến thành bột dinh dưỡng rong biển, rong nho tươi hút chân không, nước rong biển đóng chai; xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm từ rong biển đạt các chỉ tiêu kỹ thuật, đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Thiết kế và xây dựng bộ nhãn mác cho các sản phẩm từ rong biển, xây dựng mô hình liên kết chuỗi tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ rong biển”, ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông bình Định cho biết.
Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trồng rong biển ở những vùng biển ven bờ là điều kiện đảm bảo sinh kế cho ngư dân các làng biển, rong biển cũng là sản phẩm có tính thương mại cao nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Thuận lợi của nghề trồng rong biển đối với ngư dân các làng chài là kỹ thuật nuôi khá đơn giản, không cần lao động trình độ cao, người trồng rong biển chỉ cần chuyên cần là làm được.
“Nuôi trồng rong biển không cần cho ăn hoặc bón phân, bơm thuốc như nuôi con gà con vịt hay trồng cây cam cây bưởi trên bờ. Người trồng rong biển chỉ cần hàng ngày đi thăm, làm vệ sinh cho sạch những vật dụng như bao, bì bám vào rong để tránh làm cho cây rong bị gãy, tạo vùng nuôi thông thoáng để cây rong hấp thụ ánh sáng, dưỡng khí để phát triển. Khi nuôi trồng rong biển người nuôi sẽ có trách nhiệm bảo vệ vùng nước nuôi, không cho tàu thuyền đánh bắt thủy sản gần bờ vào hoạt động, nên sẽ bảo vệ được môi trường sinh thái vùng biển ấy”, ông Trần Văn Vinh chia sẻ.
Còn theo ông Phan Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn (Bình Định), ngành nông nghiệp tỉnh đang xây dựng mô hình trồng thử nghiệm rong biển thương phẩm tại xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn), nếu mô hình này thành công, ngành chức năng thành phố sẽ nhân rộng ra 3 địa phương ven biển khác là xã Nhơn Lý, xã Nhơn Châu và phường Gềnh Ráng, nhưng chủ yếu vẫn là phát triển mạnh tại xã Nhơn Hải.
“Vùng biển có khả năng trồng rong biển ở Nhơn Hải khá hạn chế, vùng trồng được chủ yếu là tại Hòn Khô lớn và Hòn Khô nhỏ, những diện tích mặt nước biển khác bị chồng lấn với khu vực đã giao cho doanh nghiệp khai thác du lịch và chồng lấn với khu vực bảo vệ rạn san hô”, ông Phan Tuấn chia sẻ.
Từ mô hình thử nghiệm rút ra quy trình
Khởi động cho công cuộc phát triển nghề nuôi biển ở Bình Định, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn), tiên phong trồng thử nghiệm 12.000 cây giống rong biển. Theo anh Sáng, 12.000 cây giống rong biển này do Công ty DBLP (Phú Yên) hỗ trợ để sản xuất thử nghiệm.
Số rong giống nói trên được đưa về Bình Định đúng vào thời điểm biển động, thêm vào đó, khi ấy chưa có kỹ thuật buộc giống rong vào dây và cũng chưa có bè để treo dây rong nên chưa thể đưa rong giống ra biển được, phải nuôi trong bờ hơn 2 tháng. Đến đầu tháng 2/2023, số rong giống nói trên mới được buộc hết vào dây và anh Sáng cũng đã mua được bè nên mới đưa được rong giống ra biển, khi ấy chỉ còn lại 10.000 cây.
“Ban đầu, 10.000 cây rong giống tôi nuôi trồng trong hơn 10 ô, mỗi ô có diện tích 5m2. Sau khi thả giống xuống biển khoảng 20 ngày sau là tôi chiết cây rong để nhân rộng. Thời gian đầu tôi bao lưới quanh các ô trồng rong để ngăn cá vào ăn rong non, lưới bao là loại lưới mành trũ, mắt lưới khoảng 1 – 1,5cm để ngăn được cá nhỏ. Khi rong đã trưởng thành, không còn sợ cá ăn, tôi tháo lưới thả những dây rong ra tự nhiên.
Dây rong được bố trí dây cách dây khoảng từ 0,5 – 1m, chừa khoảng trống để cho rong phát triển. 1 chùm rong giống buộc khoảng 100gr, chùm này cách chùm kia khoảng 20cm. Dây rong được bố trí cách mặt nước khoảng 5 – 6cm, nếu vùng nước trồng rong bị nhiễm ngọt, hoặc nhiệt độ trên mặt nước nóng quá, cần cho những dây rong chìm sâu xuống cách mặt nước khoảng 30 – 40cm để rong khỏi chết”, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng cho hay.
Theo anh Sáng, thời tiết biển ở Bình Định có 6 tháng biển êm và 6 tháng biển động , trong đó có 3 tháng mùa mưa bão là biển dậy sóng dữ dội, trồng rong biển cần tránh 3 tháng này. Qua thực tế, anh Sáng rút ra kinh nghiệm là ở Bình Định muốn trồng rong biển phải mua giống rong đã trưởng thành, dài khoảng 15 – 20cm về trồng mới hiệu quả. Thời điểm đưa rong giống ra biển là trước Tết Nguyên đán, nuôi đến tháng 8 âm lịch năm sau thu hoạch là tránh được mùa mưa bão.
“Nếu mua giống nhỏ dài mới chỉ 2 – 3cm về trồng thời gian sinh trưởng sẽ kéo dài, thời điểm thu hoạch không kịp tránh mùa mưa bão, người trồng sẽ bị thất thu vì sóng gió sẽ làm rong gãy rụng. Trong thời gian tới đây tôi sẽ đưa về 100kg rong giống trưởng thành, dài khoảng 15 – 20cm, trồng trong ô 30m2, khoảng 1 – 2 tuần sau chiết ra lấy giống nhân rộng, nuôi đến mùa mưa năm 2023 thu hoạch để đánh giá sản lượng”, anh Sáng chia sẻ thêm.
Ở Nhơn Hải dưới đáy biển có cả rừng rong mơ, chứng tỏ vùng biển này phù hợp để rong phát triển nên trồng rong chắc chắn sẽ hiệu quả. Giá rong sụn thương phẩm hiện đứng ở mức 3.000 – 4.000 đồng/kg tươi mua tại nơi sản xuất, quy ra khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg khô. Mùa đông do rong không còn cho sản lượng nên giá tăng cao đến 40.000 – 50.000 đồng/kg khô. Anh Sáng tính toán, rong thương phẩm được Công ty DBLP bao tiêu nên không lo đầu ra. Mỗi năm 1ha cho 30 tấn rong/năm, giá rong tươi bình quân 4.000 đồng/kg, vị chi người trồng có doanh thu 120 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí giống khoảng 20 triệu đồng, người trồng còn lãi 100 triệu đồng, 1 khoản thu không nhỏ của người dân làng chài.
“Khi nghề trồng rong cho hiệu quả kinh tế cao, ngư dân đánh bắt thủy sản gần bờ ở Nhơn Hải sẽ chuyển sang nghề trồng rong. Đến khi ấy, mỗi hộ chuyển đổi nghề ít nhất phải được cấp 2ha mặt nước để trồng rong. Ở Nhơn Hải, nếu tránh những vùng sóng, những khu vực đã giao cho doanh nghiệp khai thác du lịch và những khu vực bảo vệ rạn san hô thì diện tích mặt nước biển có khả năng trồng rong chỉ đủ cấp cho khoảng 30 hộ dân, do vậy ngành chức năng cần khảo sát, quy hoạch thêm những vùng biển mới”, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng kiến nghị.