Artemia từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong các trại giống và là thức ăn không thể thay thế cho hầu hết ấu trùng tôm cá trong giai đoạn đầu, nhất là tôm cá nước lợ vì chúng là loại thức ăn tươi sống, có giá trị dinh dưỡng cao và có kích thước phù hợp.
Artemia có sinh cảnh sống đặc trưng là vùng nước mặn, chỉ được nuôi vào mùa khô (từ tháng 11 âm lịch đến tháng 5 âm lịch năm sau), có độ mặn cao như trên ruộng muối. Do đó, việc mở rộng vùng nuôi rất hạn chế. Ngoài trứng bào xác, nhu cầu về Artemiasinh khối cũng ngày càng tăng vì nhiều kích cỡ khác nhau, phù hợp cho nhiều cỡ miệng của các loài thủy sản.
Hai mô hình nuôi Artemia được bố trí trên ruộng muối ở thịxã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng trên các ao nuôi diện tích 2.000 m2 (2 ao cho mỗi mô hình). Mật độ thả lần lượt là 200 con/L đối với mô hình nuôi sinh khối và 100 con/L đối với mô hình thu trứng.
Kết quả cho thấy về yếu tố môi trường nuôi tương tự nhau ở hai mô hình. Mật độ quần thể cao nhất ở mô hình sinh khối là 366 con/L và mô hình thu trứng là 237con/L.
Mô hình nuôi sinh khối: Sức sinh sản cyst trung bình dao động từ 76 đến 104 phôi/con cái cao nhất ở là 104±39 phôi/con cái và thấp nhất là 70±25 phôi/con cái. Sức sinh sản nauplius cao nhất là 40±25 phôi/con cái ở tuần 6 và rất thấp ở tuần 2, 3, và 4. Trong mô hình nuôi sinh khối, ở tuần 2 và 3, tỷ lệ đẻ con rất thấp <20% sau đó tăng nhanh ở các tuần tiếp theo từ 8% lên 50% ở tuần 6.
Mô hình thu trứng: Ngược lại với mô hình thu sinh khối thì ở mô hình thu trứng không áp dụng việc thu tỉa do đó sức sinh sản cyst, sức sinh sản nauplii, tỷ lệ đẻ con không có biến động lớn và dao động lần lượt là 72-78 phôi/con cái, 16-20 phôi/con cái và 15-21%.
Số lượng trung bình phôi cysts và phôi nauplius (phôi/con cái/lần), tỷ lệ đẻ con của mô hình nuôi sinh khối (a; n=455) và mô hình thu trứng (b; n=599)
Biến động năng suất sinh khối và cyst ở mô hình nuôi sinh khối (a) và năng suất cyst ở mô hình thu trứng (b)
Kết quả cho thấy năng suất sinh khối ở mô hình nuôi sinh khối là 3.037,6±265,2 kg/ha/vụ cao hơn so với năng suất sinh khối ở mô hình nuôi thu trứng (520,1±11,5 kg/ha/vụ). Ngược lại thì năng suất cyst ở mô hình nuôi thu trứng (71,5±8,5 kg/ha/vụ) cao hơn so với năng suất cyst ở mô hình nuôi sinh khối (14,6±8,1 kg/ha/vụ).
Mô hình nuôi sinh khối: Năng suất sinh khối trung bình từ 187,5 đến 488,75 kg/ha/6 tuần. Năng suất sinh khối đạt 375 kg/ha ở tuần thức 2, giảm dần từ tuần 2 đến tuần 4, sau đó tăng lên và đạt cao nhất ở tuần thứ 5. Sự biến động năng suất sinh khối phụ thuộc lớn vào việc thu tỉa sinh khối. Điều đó cho thấy rằng khi nuôi Artemia ở độ mặn thấp (60%) nếu quản lý tốt việc thu tỉa thì có thể điều chỉnh được phương thức sinh sản từ đó có thể điều chỉnh được thành phần quần thể nhằm đạt năng suất cao nhất (cyst hoặc sinh khối). Bên cạnh sinh khối thì ao nuôi sinh khối ở độ mặn thấp còn thu được trứng cyst như là sản phẩm phụ của mô hình (dao động 0-7,3 kg/ha/6 tuần), góp phần nâng cao lợi nhuận của mô hình.
Diễn giải | Đơn vị | Tổng năng suất sinh khối | Tổng năng suất trứng |
Mô hình sinh khối | kg/ha/vụ | 3.037,6+-265,2 | 14,6+-8,1 |
Mô hình thu trứng | kg/ha/vụ | 520,1+-11,50 | 71,5+-8,5 |
Tổng năng suất thu hoạch trứng và sinh khối của hai mô hình nuo
Qua nghiên cứu cho thấy khi nuôi Artemia ở độ mặn thấp (60%) thì nuôi Artemia sinh khối có hiệu quả hơn so với nuôi thu trứng và quản lý việc thu tỉa sinh khối có vai trò quan trọng trong việc quản lý quần thể Artemia nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, kết quả này có thể giúp người nuôi Artemia lựa chọn mô hình nuôi phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng hết sức phức tạp.
Ví dụ khi thời tiết không thích hợp cho việc nuôi thu trứng (chưa đủ độ mặn hay độ mặn thấp) thì người nuôi có thể chuyển sang nuôi sinh khối. Bên cạnh đó, đến cuối vụ nuôi khi độ mặn giảm (đầu mùa mưa), người nuôi Artemia có thể kéo dài thời gian nuôi bằng cách chuyển qua nuôi thu sinh khối nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho mô hình nuôi.
Kết quả từ thí nghiệm có thể đưa ra các khuyến cáo cho hộ nuôi trong vùng lựa chọn mô hình nuôi phù hợp với tình hình thị trường và điều kiện của nông hộ để thu lại lợi nhuận cao nhất.
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ