Hướng dẫn quy trình nuôi thương phẩm cá chạch sụn

Chạch sụn có thịt thơm ngon, xương mềm, giá trị dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả ổn định. Mô hình nuôi cá chạch sụn đang ngày càng trở thành phương thức sản xuất tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Chuẩn bị ao, bể nuôi

Có thể nuôi cá chạch sụn ở ao đất, bể xi măng, bể lót bạt, tùy theo điều kiện đầu tư để quyết định diện tích nuôi. Nên thiết kế bể có diện tích vừa phải từ 5 – 10 m2 để thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý, thu hoạch. Ao, bể chủ động nước, cống lấy nước vào, tháo ra đối diện nhau là tốt nhất, đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Ao đất có kích thước từ 200 – 2.000 m2, độ sâu không được vượt quá 1,5 m, mực nước tốt nhất trong khoảng 0,8 – 1 m, lượng bùn đáy ao không quá 10 – 15 cm. Nếu mực nước thấp (50 – 60 cm) thì ao phải được che mát để giữ nhiệt độ nước trong ao nuôi luôn ổn định, có thể thả bèo tây hoặc bèo tổ ong để tạo chỗ trú ẩn cho cá tránh nóng, tránh rét và làm sạch môi trường nước.

chach

Ảnh: Truyền hình Nghệ An

Môi trường nước khi thả giống tốt nhất phải đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng sau đây: Nhiệt độ nước từ 27 – 320C; độ pH trong khoảng từ 6,5 – 8,5; hàm lượng ôxy hòa tan ≤5 mg/l.

Chọn giống

Giống khai thác tự nhiên: Bắt bằng đơm đó, không mua giống đánh bắt bằng điện. Giống phải đồng đều 4 – 6 cm.

Giống nhân tạo: Khi ép đẻ cá chạch sụn, khó khăn nhất là thời gian nuôi từ trứng ra con giống dài từ vài mm đến 3 cm. Chạch sụn sau khi được 3 cm sẽ sống khỏe, nuôi dễ dàng. Nên chọn cỡ giống 1,5 – 2 g/con.

Chọn cá giống khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ, hoạt động nhanh nhẹn, màu sắc tươi sáng, không có dấu hiệu bệnh tật, không bị lật bụng, không xây xát, mất nhớt.

Mật độ thả nuôi: 40 – 60 con/m2, kích cỡ cá giống 3 – 4 cm (cỡ 1 – 2 g/con).

Thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, trước khi thả xuống ao nuôi nên tắm cho cá để sát trùng, phòng bệnh cho cá bằng dung dịch muối có nồng độ 2 – 3% trong thời gian 5 – 10 phút hoặc thuốc tím 10 – 15 ppm trong 15 – 30 phút để loại trừ ngoại ký sinh và sát trùng vết thương do xây xát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển.

Vận chuyển cá giống: Cá giống được áp dụng phương pháp vận chuyển kín hoặc vận chuyển hở: Vận chuyển kín trong túi bóng, bơm ôxy cho vào thùng xốp. Mật độ vận chuyển 3 – 4 kg/thùng. Vận chuyển hở bằng bể composite có bố trí sục khí.

Kỹ thuật cho ăn

Có thể nuôi cá chạch bằng thức ăn công nghiệp hoặc tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như khô đậu, cám gạo, nhộng tằm, thức, cá tạp, ốc xay. Thức ăn cho cá chạch phải đảm bảo hàm lượng đạm từ 30 – 35%. Lượng thức ăn: 5 – 8% trọng lượng cá chạch trong bể. Cá chạch ăn ít nên phải cho ăn 2 – 4 lần/ ngày. Cụ thể:

Trong 20 ngày đầu cho cá ăn 4 lần/ngày

Ngày thứ 21 đến 2 tháng cho cá ăn 3 lần/ngày

Từ 2 tháng đến khi xuất bán cho ăn 2 lần/ngày.

Người nuôi có thể tham khảo cách làm máng ăn nuôi cá chạch sụn thương phẩm của anhVũ Đức Thiện (ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đạt giải Ba Cuộc thi “Sáng tạo Kỹ thuật nhà nông” toàn quốc lần thứ IX. Anh Thiện đã sáng chế ra máng cho cá chạch sụn thương phẩm ăn từ những vật liệu khá đơn giản như thùng phi nhựa dung tích 120 lít, các ống phi 75, 110, miếng xốp, van điều chỉnh chi phí không cao, dễ chế tạo và sử dụng. Sau khi lắp đặt máng ăn đã được gia công trong ao nuôi, người nuôi cho thức ăn công nghiệp vào thùng phi 120 lít. Thức ăn cho cá sẽ di chuyển xuống ống phi 75, bên ngoài ống phi 75 có ống phi 110 dùng để che nắng, mưa cho ống phía trong. Đoạn nối thùng phi với ống phi 75 được chế tạo đột ngột nhỏ lại nên thức ăn sẽ di chuyển chậm xuống phía dưới. Bên ngoài ống phi 75 phía dưới được lồng với ống phi 90, phía dưới ống phi 90 được gắn miếng xốp có thể tự động nâng lên, hạ xuống theo mực nước và có thể điều chỉnh lượng thức ăn.

Sử dụng máng cho ăn khi nuôi thương phẩm cá chạch sụn sẽ giúp đàn cá trong ao ăn no đều, khi thu hoạch tỷ lệ cá loại một đạt cao (trên 85%), giúp mô hình nuôi tăng hiệu quả kinh tế khoảng 20% so với sử dụng phương thức cho ăn cũ. Ngoài ra, khi sử dụng máng cho ăn thì không có hiện tượng thức ăn dư thừa, nên hệ số thức ăn qua các vụ nuôi đạt 1.35 (hệ số thức ăn khi sử dụng phương thức cũ là 1.6), công lao động của ao nuôi sử dụng máng cho ăn giảm 15% so với ao không sử dụng.

Quản lý và chăm sóc

Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường. Cần kiểm tra, theo dõi chặt chẽ chất lượng nước ao nuôi, định kỳ 7 – 10 ngày thay 30 – 50% lượng nước trong ao, nhằm đảm bảo môi trường ao nuôi luôn trong sạch.

Cho cá ăn đầy đủ thức ăn, đúng giờ, sử dụng thức ăn có hàm lượng protein đảm bảo, không ẩm mốc. Thực hiện tốt công tác quản lý thức ăn nhằm tránh thừa, thiếu thức ăn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cá.

Thực hiện tốt chế độ phòng bệnh cho cá, thường xuyên sử dụng Vitamin C, khoáng và thuốc bổ gan trộn hàng ngày vào thức ăn cho cá với liều lượng sử dụng 3 – 5 g Vitamin C, khoáng và 5 ml thuốc bổ gan cho 1 kg thức ăn để tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trưởng tốt.

Thu hoạch

Sau 5 tháng nuôi cá đạt cỡ 30 – 40 g/con thì tiến hành thu hoạch, không nên nuôi quá lâu vì tỷ lệ cá xương sụn sẽ bị giảm. Có thể thu một phần trong ao hoặc thu tất cả tùy theo nhu cầu thị trường. Thu toàn bộ cá trong ao bằng cách tháo cạn nước.

Bích Hòa

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận