Kết quả ấn tượng ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 – 3,5%; trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 53 – 54 tỷ USD. Với kết quả 9 tháng, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 38,48 tỷ USD, trong 3 tháng còn lại của năm, nếu mỗi tháng đạt 5 tỷ USD thì cả năm ngành nông nghiệp sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Những con số khả quan

9 tháng năm 2023, toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, 9 tháng qua, toàn ngành đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt con số ấn tượng.

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 68,92 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu 38,48 tỷ USD, nhập khẩu 30,44 tỷ USD, xuất siêu 8,04 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

che-bien-TS14545439769938331782

Nếu không có biến động và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh, xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể đạt kim ngạch 9,2 – 9,3 tỷ USD. Ảnh: Vũ Mưa

Với cơ cấu thị trường, 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%; Mỹ chiếm 20,7%; Nhật Bản chiếm 7,6%; Philippines 4,4%; Hàn Quốc 4,1%; châu Âu và các thị trường khác là 41,7%. Trong đó, riêng với thị trường Trung Quốc, chúng ta đang có lợi thế và tiềm năng rất lớn.

Về lĩnh vực thủy sản, sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2023 ước đạt 6.796,7 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: Cá đạt 4.859 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 957,4 nghìn tấn, tăng 4,2%; thủy sản khác đạt 980,4 nghìn tấn, tăng 1,6%. 

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước đạt 3.792,5 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.510,3 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 852,1 nghìn tấn, tăng 4,7%; thủy sản khác đạt 430,1 nghìn tấn, tăng 4%. 

Sản lượng thủy sản khai thác tính chung 9 tháng ước đạt 3.004,2 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.348,7 nghìn tấn, tăng 0,5%; tôm đạt 105,3 nghìn tấn, tăng 0,2%, thủy sản khác đạt 550,2 nghìn tấn, giảm 0,3%. 

Sản lượng thủy sản khai thác biển 9 tháng năm 2023 đạt 2.857,3 nghìn tấn, tăng 0,25% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Cá đạt 2.251,5 nghìn tấn, tăng 0,5%; tôm đạt 98,6 nghìn tấn, giảm 0,1%.

Theo VASEP, tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tới hết quý III/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường, tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản sang 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Mỹ vẫn giữ vị thế số một với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đạt 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%; Nhật Bản cũng đạt gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so cùng kỳ năm 2022.

Chuẩn bị kế hoạch cho đường về đích

Trong tháng 9, một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm khác như mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ từ 6 – 12%.

Tính tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu, xuất khẩu thủy sản sang các nước này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, nhiệm vụ cho những tháng cuối năm, toàn ngành sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm để có thể về đích cả về tỷ lệ tăng trưởng và giá trị xuất khẩu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã yêu cầu các đơn vị phối hợp tốt trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, nỗ lực xúc tiến mở rộng thêm các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch khác; đồng thời đảm bảo dự báo thị trường phục vụ tốt cho nông dân, tránh dư thừa không tiêu thụ được.

Cùng với đó, Bộ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Liên minh kinh tế Á – Âu… Song song đó, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là CPTPP và EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Vân Anh

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận