Mưa, lũ sẽ khiến môi trường ao nuôi trồng thủy sản có nhiều biến động. Thực hiện tốt các biện pháp khắc phục sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.
Đối với ao nuôi
Tiến hành xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao; đồng thời chạy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh.
Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, pH bị giảm đột ngột nên rải vôi xung quanh bờ ao (khoảng 10 kg/100 m2), kết hợp bón vôi cho ao nuôi để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao:
+ Đối với ao nuôi thủy sản nước ngọt: Lượng vôi bón 0,7 – 1 kg/100 m3 nước;
+ Đối với ao nuôi thủy sản nước mặn lợ: Lượng vôi bón 2 – 3 kg/100 m3 nước;
Tăng cường quản lý ao nuôi, kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường, để có biện pháp xử lý kịp thời.
Sau mỗi đợt mưa bão, cần tiến hành thu dọn kịp thời cành, lá cây trong ao.
Đối với lồng, bè
Kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi đảm bảo trong ngưỡng cho phép. Có thể thu hoạch nếu đạt cỡ thương phẩm. Trường hợp vị trí lồng, bè không phù hợp cần di chuyển đến nơi nước sạch và có độ mặn ổn định hoặc di chuyển cá vào ao nuôi có đầy đủ thiết bị sục, đảo khí.
Kiểm tra, vệ sinh hệ thống dây neo, phao lồng, lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường.
Đối với các lồng đã thu hết sản phẩm hoặc bị lũ tàn phá trôi hết sản phẩm: Thực hiện tu sửa, gia cố lại lồng nuôi. Kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi đảm bảo nằm trong ngưỡng cho phép. Thực hiện vệ sinh làm sạch khu vực nuôi, khử trùng nguồn nước mới tiến hành thả giống nuôi; thực hiện nuôi theo đúng quy trình và các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
Đối với nuôi ngao bãi triều
Khi nước thủy triều xuống, tiến hành kiểm tra, tu sửa đăng, chắn.
Sau mưa bão, ngao thường tập trung vào các góc đăng, chắn. Cần tiến hành san đều ra toàn bãi.
Kiểm soát sức khỏe thủy sản
Thực hiện phun khử trùng bờ ao nuôi bằng hóa chất khử trùng. Bổ sung Vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
Đối với các ao nuôi cá biển thường sử dụng thức ăn tươi sống, tuy nhiên, trong những ngày mưa và sau bão nên hạn chế thức ăn tươi sống. Chủ động phòng chống hiện tượng úng lụt, vệ sinh khu vực cho cá ăn.
Sử dụng thuốc Vicato rải trực tiếp xuống ao với lượng từ 400 – 500 g/1.000 m3 để tiêu độc khử trùng và phòng bệnh ngoại ký sinh trùng cho ao nuôi cá.
Hạn chế dịch bệnh thủy sản bằng cách cho vôi và muối vào túi vải treo ở 4 góc nơi cho cá ăn và nên bắt đầu treo khi cho cá ăn (mỗi loại một túi cho mỗi góc). Nuôi bè và đăng quầng sử dụng hàm lượng như sau: vôi 2 – 5 kg/túi, muối 10 – 20 kg/túi, độ sâu của túi vôi hoặc túi thuốc treo bằng 1/3 – 1/2 độ sâu mực nước trong lồng nuôi. Nuôi ao sử dụng vôi 1 – 2 kg/túi, muối 10 kg/túi. Liều lượng trên có thể thay đổi trong phạm vi cho phép tùy theo quy mô, diện tích nuôi và thể tích nước. Định kỳ 10 – 15 ngày thực hiện một lần.
Nếu phát hiện đàn cá nuôi có biểu hiện giảm ăn, trên da và mang có nhiều nhớt và có cá chết với số lượng ít thì thực hiện việc treo vôi và muối trong 3 ngày liên tục (trong mô hình nuôi ao thì mỗi ngày thay 10 – 15% thể tích nước ao). Đồng thời báo cáo kịp thời với cán bộ thú y ở khu vực hoặc mang mẫu cá bệnh đến phòng chuẩn đoán gần nhất.
Đối với tôm nuôi, cần tranh thủ những giờ tạnh mưa cho tôm ăn thức ăn công nghiệp có chất lượng tốt, lượng thức ăn trong những ngày trời mưa nên giảm từ 20 – 25% so với hàng ngày. Theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi và kịp thời bổ sung các khoáng chất để ổn định môi trường, tránh hiện tượng tôm mềm vỏ. Tuyệt đối không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn.