Câu chuyện về rác thải tích tụ dưới đại dương sau những hoạt động du lịch, khám phá biển từ lâu đã không còn quá xa lạ.
Nhận thức được nguy cơ gây hại đến từ rác thải bao gồm chai nhựa, bao nilon, vật dụng sinh hoạt,… hiện nay đã có rất nhiều nhóm, tổ chức nỗ lực “giải cứu” đại dương. Cũng từ đó, họ phát hiện ra một dạng rác có tác động hết sức lớn đến môi biển trường biển, đó là những chiếc lưới đánh cá “ma”.
Thực trạng “bỏ quên” lưới đánh cá ngày càng phổ biến
Được biết, những tấm lưới đánh cá sau khi không còn khả năng sử dụng (thường là từ một đến vài năm), người dân sẽ phải tìm cách xử lý chúng và thay thế bằng loại ngư cụ khác. Trong đó, có một biện pháp khá nhanh gọn nhưng đã để lại hậu quả nặng nề cho đại dương đó là vứt những tấm lưới cũ kỳ đó xuống biển.
Thực tế đó đã dẫn đến con số khủng khiếp là 640.000 tấn lưới đánh bắt bị vứt ở đại dương mỗi năm trên thế giới. Tác hại mà nó để lại là có đến 380.000 sinh vật biển bị đe dọa đến tính mạng và chết.
Mỗi năm có hàng trăm nghìn sinh vật biển bị giết hại bởi “lưới ma”. Ảnh: toquoc.vn
Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam dần triển khai và mở rộng mô hình tìm kiếm và trục vớt những loại rác thải khác nhau tồn động dưới lòng đại dương. Điều gây kinh ngạc là chúng ta đã phát hiện ra hàng tá tấm lưới đánh cá bị người dân “bỏ quên” dưới đáy biển và vô tình trở thành những ngư cụ có khả năng đánh bắt sinh vật biển “tự động”. Bởi dù không được sử dụng nhưng chúng vẫn có thể khiến những loài cá nhỏ, giáp xác lẫn rùa, cá voi, chim biển và thậm chí là san hô mắc bẫy tùy thuộc vào kích cỡ ô của từng loại lưới.
Cái tên “lưới ma” cũng từ đó mà ra đời, vì chúng đa phần được làm từ nilon hay sợi tổng hợp nên khả năng phân hủy lên đến nhiều thập kỷ.
Những tác hại không ai lường trước được
Ở nước ta, cụ thể là khu vực Phú Quốc từng được ghi nhận có đến 300 tấm lưới “ma” chỉ ở phạm vi 1km2 trong một lần thực hiện khảo sát. Rõ ràng, không có nhiều người thực sự hiểu được tác hại to lớn của việc vứt bỏ lưới đánh cá dưới đại dương.
Hiện tại đã có nhiều hoạt động thu gom rác thải nói chung, “lưới ma” nói riêng và họ đều đồng thuận gọi lưới đánh cá “ma” là thảm họa sinh thái.
“Lưới ma” là kẻ gây ra thảm họa sinh thái. Ảnh: afamily.vn
Tác hại dễ thấy nhất của hành động trên là làm gia tăng số lượng rác thải mà đại dương phải gánh chịu hàng năm. Hơn hết, khi “lưới ma” kẹt lại đâu đó hay trôi nổi trên biển thì chúng còn mắc vào những rạn san hô và khiến chúng bị biến dạng hay gãy.
Vấn đề ở đây là để hồi sinh những phần san hô bị tổn thương đó phải mất đến vài chục nghìn đô. Nhưng đó chỉ là con số ước tính trong trường hợp có thể khôi phục được, còn hệ lụy lâu dài là làm cho nơi trú ẩn và sinh sản của nhiều loài cá sẽ không còn nữa. Như vậy, từ hành động có phần “vô tư” ban đầu đã gây ra sự mất mát không gì đắp bù được cho hệ sinh thái biển.
Không chỉ trở thành chiếc bẫy nơi đại dương khiến các sinh vật biển bị mắc bẫy, ngay cả khi trong giai đoạn phân hủy “lưới ma” vẫn đe dọa nghiêm trọng trực tiếp đến những cá thể sinh vật biển và tác động gián tiếp đến sức khỏe con người. Khi phân hủy thành các mảnh nhỏ trôi nổi trong môi trường nước, nhiều loài vật sẽ nhầm tưởng đó là thức ăn và nuốt phải những hạt nilon, vi nhựa đó vào cơ thể.
Trên thực tế, ngay cả các ngư dân cũng không lường trước được hệ quả từ hành động vứt những tấm lưới không còn khả năng sử dụng của mình xuống biển. Đến nay, khi số lượng rác thải từ “lưới ma” ngày càng gia tăng thì việc thu gom triệt để những tấm “lưới ma” dường như là điều bất khả thi.
Như vậy, chúng ta cần có những giải pháp tối ưu để giảm thiểu tình trạng này. Chẳng hạn, tìm cách tái chế những tấm lưới cũ thành những vật dụng khác hay ban hành những quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ số lượng lưới được đưa vào sử dụng cũng như đã qua sử dụng để có biện pháp quản lý và xử lý đúng quy cách.
Nhưng tốt hơn hết, khi thực hiện những hoạt động giải trí hay canh tác thủy hải sản, chúng ta tuyệt đối không vứt bất kỳ loại rác nào xuống đại dương để vừa bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái biển, vừa đảm bảo sức khỏe cho con người.