Từ 2 tấn vào năm 2004, khối lượng xuất khẩu cá chình giống Mỹ (Anguilla rostrata) sang châu Á đạt kỷ lục 157 tấn năm 2022, đẩy loài thủy sản này tiến gần bờ vực tuyệt chủng.
Theo một báo cáo trên Suisan Keizai Shimbun ngày 5/12/2023, Hiromi Shiraishi, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Đại học Chuo đã cảnh báo số lượng nhập khẩu cá chình Mỹ (Anguilla rostrata) dưới dạng con giống nuôi thương phẩm vào thị trường Đông Á đang tăng vọt và đạt kỷ lục 157 tấn vào năm 2022.
Cá chình Mỹ Anguilla rostrata được xuất khẩu sang châu Á để nuôi thương phẩm Ảnh: Steve Droter
Trước đó, Hiromi Shiraishi và các cộng sự đã phân tích số liệu thống kê từ Hải quan Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Theo nhóm chuyên gia, nguồn tài nguyên cá chình Mỹ có thể bị suy kiệt giống như cá chình Nhật Bản (Anguilla japonica), loài có nguy cơ tuyệt chủng trong sách đỏ của Tổ chức bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Tính toán trong báo cáo dựa trên số liệu thống kê hải quan của từng quốc gia và khu vực, giả định rằng tất cả cá chình non (bao gồm cá chình non có kích cỡ lớn hơn cá chình thủy tinh) được xuất khẩu sang Đông Á đều là cá chình Mỹ. Số lượng xuất khẩu cá chình non tăng từ 2 tấn vào năm 2004 tới 157 tấn vào năm 2022, tốc độ quá nhanh so với mức trung bình 29,1 ±14,3 tấn trong giai đoạn 2009 – 2021 khi cá chình châu Âu được liệt kê trong Phụ lục II của CITES và mọi hoạt động thương mại quốc tế đều cần chứng nhận xuất khẩu. Khối lượng xuất khẩu cá chình Mỹ trong năm 2022 đã gấp 5 lần khối lượng của các năm trước đó.
Khoảng 96% trong tổng số 157 tấn cá chình non được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông. Số còn lại được xuất khẩu sang Haiti (100,6 tấn), Canada (43,4 tấn) và Dominica (0,2 tấn). Nhà nghiên cứu Shiraishi và các cộng sự giải thích rằng khối lượng nhập khẩu 157 tấn cá chình non chỉ trong năm 2022 là con số thống kê kinh ngạc về mức tiêu thụ loài hải sản này. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, cần có hành động khẩn cấp để tránh làm suy kiệt nguồn lợi cá chình Mỹ, loài đang có nguy cơ tuyệt chủng trong sách đỏ của IUCN. Bà Shiraishi cũng kêu gọi nhà chức trách Nhật Bản, một trong những thị trường dẫn đầu về tiêu thụ lươn và cá chình, cần chủ động thực hiện giải pháp bền vững để bảo vệ các loài lươn, gồm cả cá chình Mỹ.
Tuấn Minh
(Theo Seafoodnews)