Các mô hình nuôi cá lóc hiện nay, bà con thường thả nuôi mật độ rất cao theo hướng thâm canh. Hay chọn cỡ cá giống thả nuôi size từ 300 – 400 con/kg, mật độ thả nuôi trung bình từ 100 – 120 con/mét vuông tuỳ vào điều kiện môi trường, nguồn nước, khả năng vận hành kỹ thuật nuôi, điều kiện tài chánh…
Hơn nữa, thức ăn công nghiệp, có hàm lượng đạm cao, từ 42 – 45% là nguồn dinh dưỡng chính, cung cấp trong quá trình nuôi cá. Sau thời gian nuôi từ 5 – 5,5 tháng hoặc 6 tháng, tuỳ theo size cá giống thả ban đầu, tuỳ thuộc nhu cầu thị trường thu mua cá thương phẩm từng vùng, bà con tiến hành thu hoạch, xuất bán, khi cá đạt trọng lượng thân từ 500 – ≥ 700 gr/con hoặc 800 gr – ≥ 1,0 kg/con, theo nhu cầu thị trường mỗi vùng nuôi.
Với size cỡ cá giống thả nuôi, thời gian nuôi và trọng lượng cá thu hoạch như trên, hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) dao động từ 1.2 – 1.5 tuỳ thuộc mùa vụ nuôi, chất lượng con giống, chất lượng thức ăn và hàm lượng đạm sử dụng, môi trường nước, khí hậu, thời tiết và kinh nghiệm kỹ thuật của mỗi bà con.
Cùng với các thông số trên, tỷ lệ sống của cá, sau thời gian nuôi dao động 60 – 75 %. Hiệu quả mô hình nuôi cá lóc thâm canh hiện nay chưa có tính ổn định cao, cần thiết phải cải thiện, nâng cao hiệu quả.
Chất lượng và nguồn gốc cá giống, đã được chúng tôi đề cập nhiều chuyên đề trước. Vấn đề di truyền, lai gần, cận huyết, trùng huyết gây ra hiện tượng dị hình, dị tật, chậm lớn, phân đàn, dễ cảm nhiễm dịch bệnh, đề kháng kém…là minh chứng rõ ràng, cho thấy ảnh hưởng xấu trầm trọng đến chất lượng cá giống, liên quan sức đề kháng kém, dễ cảm nhiễm dịch bệnh, phát triển, tăng trưởng cá nuôi kém….
Lựa chọn nguồn cá lóc chất lượng là yếu tố quan trọng
Với cỡ cá giống size nuôi đã đề cập trên, thông thường bà con thả trực tiếp ra ao nuôi, nuôi đến khi xuất bán. Cá giống giai đoạn này rất nhạy cảm với biến động các thông số môi trường, thay đổi thời tiết, khí hậu. Quá trình cải tạo, sên vét bùn đáy ao, xử lý vôi, phơi ao, lấy nước qua ao lọc, lắng, xử lý nước, diệt trừ mầm bệnh… trước khi lấy nước vào ao nuôi.
Nếu quá trình này thực hiện không triệt để, khi thả cá giống, tỷ lệ cá hao hụt giai đoạn này rất lớn, cá phát triển kém khi nuôi. Thả cá giống trực tiếp ra môi trường ao nuôi rộng lớn, tạo áp lực lớn cho cá giống luôn đối diện thụ động những biến động thời tiết, khí hậu, thông số môi trường nước, không phải là lựa chọn tối ưu. Mật độ thả cá nuôi phụ thuộc vào điều kiện ao hồ, thông số môi trường nước, mùa vụ nuôi, chất lượng cá giống, khả năng đầu tư, kinh nghiệm nuôi cá của mỗi bà con.
Quan niệm thả nuôi mật độ dày, thu hoạch năng suất cao, hoàn toàn sai lầm. Thả mật độ dày, khó quản lý, chăm sóc, cá dễ phân đàn, tăng trưởng chậm, cá dễ nhiễm bệnh, cỡ cá thu hoạch nhỏ, nuôi thời gian dài, tốn nhiều chi phí xử lý, hệ số chuyển hoá thức ăn FCR cao.
Thức ăn
Mặt khác, loại thức ăn, chất lượng thức ăn, hàm lượng đạm và thành phần dinh dưỡng trong thức ăn. Cũng như định lượng thức ăn, cách cho cá ăn giai đoạn 15 – 20 ngày ương thêm, cùng những dinh dưỡng bổ xung kèm theo… quyết định tỷ lệ sống, chất lượng cá giống trong quá trình nuôi.
Phòng bệnh chủ động cho cá giống thông qua bổ xung dinh dưỡng, cải thiện môi trường chủ động, nâng cao sức khoẻ, đề kháng cá nuôi…chưa được người nuôi quan tâm, thực hiện đồng bộ, cũng là những nguyên nhân làm kết quả ương, nuôi, cá lóc hiện nay chưa mang lại hiệu quả ổn định, lợi nhuận cao.
Thức ăn với hàm lượng phù hợp
Xử lý nước
Cải thiện, nâng cao hiệu quả ương nuôi cá lóc thâm canh bắt đầu từ khâu xử lý nước tiệt để trước khi nuôi. Đây là yếu tố then chốt, quyết định hiệu quả mô hình nuôi sau này. Bà con sên kỹ bùn đáy, lấp các hốc, lỗ mọi, gia cố bờ. Dùng vôi bột CaO hoặc vôi tôi, vôi cục Ca(OH)2, bón xuống ao, liều 25 – 30 kg/100 m2 ao, sau đó phơi nắng 3 – 5 ngày. Trước khi lấy nước vào ao nuôi theo yêu cầu, bà con nên cho nước qua ao lắng, lọc, xử lý nước trước khi cấp cho ao nuôi.
Nếu lấy nước trực tiếp vào nuôi, nên dùng túi lọc nước, túi làm bằng vải, chồng 2 – 4 lớp. Tuỳ theo mục đích nuôi, nếu nuôi thương phẩm, khi mới thả cá giống, mức nước ban đầu ở mức 0, – 0,8 m, sau 15 – 20 ngày nuôi, dâng nước ao từ từ lên 1,2 – 1,8 m. Tiến hành xử lý nước bằng Sulfat đồng (CuSO4) liều 3 – 5 g/m3 nước, hoặc oxy già (H2O2), liều 3 – 5 lít/1.000 m3 nước. Sau đó, bà con dùng Chlorin Ca(ClO)2, hoặc Trichlorocyanuric axit – TCCA (C3N3O3Cl3)…liều lượng sử dụng theo nhà sản xuất sản phẩm hướng dẫn trên bao bì. Nước sau 2 ngày xử lý bằng các hoá chất, có thể sử dụng để nuôi cá.
Dùng lưới cước mắt nhỏ hơn mình cá, quây 1/2 diện tích ao làm nơi ương cá, ương cá trong khu vực này, không thả cá ra ao lớn. Dùng thức ăn công nghiệp dạng mảnh hoặc 0,8 – 1.0 mm, hàm lượng đạm 42 ≤ 45 %. Tỷ lệ cho cá ăn chiếm 8 – 10 % so trọng lượng thân cá, cho cá ăn 5 – 6 lần/ngày. Sau 15 – 20 ngày ương, bỏ lưới, cho cá ra môi trường trực tiếp ao nuôi. Dùng thức ăn công nghiệp dạng viên cỡ size 1.5 – 10 mm cho cá ăn, điều chỉnh size thức ăn theo thời gian nuôi, kích cỡ cá. Khi cá nuôi đạt trọng lượng thân ≥ 50 gr/con, điều chỉnh hàm lượng đạm trong thức ăn xuống ≤ 42 %, tỷ lệ cho cá ăn chiếm 4 – 2 % so trọng lượng thân cá, số lần cho cá ăn trong ngày từ 3 – 2 lần/ngày.
Cá lóc thương phẩm. Ảnh: ngonaz.com
Khi thời gian ương, nuôi cá được 1 tháng, bà con tiến hành sổ ký sinh trùng cho cá. Bà con dùng Praziquantel, Ivermectin, Albendazole, Fenbendazole… sổ ký sinh trùng cho cá, liều lượng theo hướng dẫn của công ty sản xuất các sản phẩm sổ trên. Sau khi sổ cần diệt khuẩn nước, tập trung tăng cường sức khoẻ cho cá, tăng đề kháng, giúp cá tăng trưởng tốt. Phòng bệnh chủ động thông qua việc bổ xung vào thức ăn các chất hỗ trợ gan như Sorbitol, Methionine, Choline, Inositol, Beta glucan, B12, Premix, Acid hữu cơ, Acid amine thiết yếu, khoáng chất, vi sinh đường ruột có lợi như Lactobacillus, Bacillus sp, Bacillus subtilis, Sacharomyces, Streptococcus sp …các Enzyme tiêu hoá như Amyllase, Cellulose, Protease, lipase, Phytase, chế phẩm sinh học Probiotic, Prebiotic…
Hạn chế sử dụng kháng sinh
Bà con hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, trong trường hợp bất đắc dĩ phải sử dụng, bà con nên sử dụng không quá 5 ngày, tốt nhất 3 ngày, sau đó ngưng thuốc, tập trung giải độc gan, bổ sung Premix, B12, tăng cường sức khoẻ, nâng cao đề kháng cho cá. Ban đêm đánh bổ xung Cao hoặc Ca(OH)2, liều 2 – 3 kg/100 m2 ao, cải thiện nền đáy. Ban ngày đánh CaCO3 liều 4 – 5 kg/100 m2 ao, kết hợp đánh vi sinh EM ủ. Bà con nên kết hợp sử dụng thêm Yucca, Zeolite, chế phẩm vi sinh có thành phần Nitrosomonas, Nitrobacter, Rhodobacter sp, Rhodospirillum, Rhodopseudomonas viridis… Bacillus subtilis.
Các nhóm vi sinh có lợi tham gia sử dụng, phân hủy các hợp chất hữu cơ như: Bacillus sp., Clostridium sp, Lactobacillus sp, L.acidophillus, Streptococcus sp., Sacharomyces sp…Cùng các loại Enzyme, xúc tác quá trình phân hủy của các vi sinh vật như: Protease, Lypase, Amyllase, Chitinnase, phytase. Chủ động diệt tảo, mầm tảo mới hình thành bằng Sulfat đồng (CuSO4) liều 1- 2 g/m3 nước, oxy già (H2O2), liều 2 – 3 ml/m3 nước. Chủ động ổn định chất lượng nước, mật độ tảo, duy trì loại tảo có lợi cho cá nuôi như tảo khuê màu vàng vỏ đậu xanh (màu trà), tảo lục màu xanh nhạt (xanh noãn chuối).