Nghệ An: Cua đồng Yên Thành ‘cháy hàng’, có thời điểm lên 120.000 đồng/kg

Vào mùa hè thời tiết nắng nóng này, nhu cầu sử dụng cua đồng để chế biến các món ăn bổ, mát của người Hà Nội tăng đột biến, vì vậy cua đồng ở Yên Thành dù tăng giá cao vẫn cháy hàng. Nông dân huyện lúa Yên Thành kiếm bộn tiền sau vài tiếng ra đồng soi đèn săn bắt.

Tầm từ 20h30 đến 21h30, đi trên trục đường Quốc lộ 7B, đoạn qua huyện Yên Thành, xuất hiện nhiều điểm thu mua cua đồng các xã tại Nam Thành, Bắc Thành, Xuân Thành, Công Thành…. Quan sát cho thấy, tại mỗi địa điểm, bà con nông dân từ phụ nữ trung tuổi đến các em tuổi thiếu niên, chân đi ủng, trên đầu choàng đèn pin, tay xách chiếc xô nhựa đựng cua đồng đến bán nhập. Ai nấy đều chân lấm, tay bùn.

Chị Nguyễn Thị Thơm, một thương lái thu mua cua đồng tại xã Bắc Thành cho hay, do 21h30 phải gửi cua lên xe khách ra Hà Nội tiêu thụ, nên đêm nào cũng thu mua trong khung giờ từ 20h30 – 21h30. Theo đó, bà con nông dân cũng bắt đầu ra đồng từ khi mặt trời lặn đến khung giờ này là về. Dù được ít hay nhiều, mọi người đều mang cua đến nhập cho thương lái, có tiền liền tay.

“Thời tiết những ngày nắng nóng vừa qua, nhu cầu sử dụng cua đồng để chế biến thức ăn cao, nên giá tăng mạnh, có những ngày lên đến 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do thời điểm này cua ngoài đồng không nhiều như thời điểm tháng 4 về trước, nên không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng”, chị Thơm chia sẻ.

cua-dong-2

Cua đồng do bà con bắt ngoài đồng ruộng, chúng phát triển tự nhiên nên chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: Xuân Hoàng

Bà Nguyễn Thị Mai, một nông dân ở xã Tăng Thành cho hay, dụng cụ để săn bắt cua chỉ cần một chiếc đèn pin đội trên đầu, một cái xô nhựa. Khi thấy cua bò dưới nước, dùng tay không để bắt. Tuy nhiên, khi ra đồng ai cũng phải đi ủng bó sát đầu gối, nhằm tránh rắn cắn và dẫm phải vật sắc nhọn. “Ban đêm, rắn thường bò ra tìm kiếm thức ăn, nhất là loại rắn đen trắng rất độc, nếu bất cẩn dẫm phải rắn là hậu quả khôn lường, do vậy ai cũng mua sắm đôi ủng để đi”, bà Mai cho hay.

Với kinh nghiệm nhiều năm bắt cua đồng vào ban đêm, nên đêm nào bà Mai cũng bắt được số lượng nhiều. Như mấy hôm nay, đêm nào bà cũng bắt được hơn 2 kg, bán tại chỗ cho thương lái 100.000 – 120.000 đồng/kg, đã có trên dưới 250.000 đồng. “Chồng đi làm công thợ, mình ở nhà lo việc gia đình, tối đến chịu khó ra đồng bắt cua, kiếm thêm đồng tiền trang trải cuộc sống. Với nhà nông mỗi ngày kiếm vài trăm nghìn như thế này là đủ mua thực phẩm”, bà Mai chia sẻ.

Theo các thương lái thu mua cua đồng cho hay, thời điểm từ đầu tháng 6 lại nay thời tiết nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng cua để chế biến các món ăn của khách hàng ở Hà Nội cao, nên ở vùng quê Yên Thành có bao nhiêu cua cũng tiêu thụ hết. Tuy nhiên, dịp này cua đồng ít hơn so với những tháng đầu năm, nên số lượng bà con bắt được không nhiều, mỗi thương lái chỉ thu mua được trên dưới 1 tạ cua/đêm, khiến nguồn cung không đủ cho khách đặt hàng.

Cua đồng do bà con bắt ngoài ruộng, hoàn toàn là phát triển theo tự nhiên, nên chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng ưa thích để chế biến các món ăn bổ, mát vào mùa hè.

> Cua đồng là món ăn dân dã, bổ dưỡng. Cua đồng không chỉ dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau: Bún cua, canh cua, lẩu cua, bánh đa cua, cua đồng rang… thì cua đồng còn có nhiều tác dụng về giá trị dinh dưỡng cho sức khoẻ của con người như: hoạt huyết và hàn gắn vết thương; ngừa loãng xương và còi xương, giải nhiệt cơ thể…

Xuân Hoàng

Nguồn: Báo Nghệ An

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận