Người nuôi tôm thấp thỏm chờ giá

Tôm rớt giá trong khi giá cả các mặt hàng phục vụ cho lĩnh vực nuôi tôm cứ cách vài tháng lại điều chỉnh tăng giá bán, khiến cho nhiều hộ nuôi tại Bạc Liêu không kham nổi đành phải “treo ao” hoặc chỉ nuôi cầm chừng để… chờ giá.

Tôm nguyên liệu liên tục rớt giá

Nếu như hiện nay người trồng lúa đang khấp khởi mừng vì giá lúa liên tục tăng thì những hộ nuôi tôm lại có tâm trạng trái ngược. Bởi, khoảng 3 tháng qua, giá tôm nguyên liệu liên tục rớt giá. Trong khi đó, theo các hộ nuôi tôm, ngoài việc giá vật tư đầu vào tiếp tục tăng thì vụ tôm đầu năm nay cũng rất khó nuôi. Ông Trần Văn Tân (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay tuy tôm nuôi ít phát sinh dịch bệnh hơn so với những vụ nuôi trước, nhưng do độ mặn thấp nên tôm nuôi chậm lớn. Thêm vào đó, chi phí sản xuất tăng trong khi giá tôm lại đi xuống nên dù nuôi thành công nhiều hộ vẫn không có lãi, thậm chí tính ra còn lỗ tiền công”. Đối với bà con nuôi tôm, việc ngừng nuôi, “treo ao” đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập chính của gia đình sẽ bị cắt đứt. Chính vì vậy, nhiều hộ chọn cách nuôi cầm chừng hoặc chuyển từ nuôi thẻ chân trắng sang nuôi tôm sú để giảm bớt chi phí, kéo dài thời gian chờ giá tôm thẻ phục hồi.

Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Thành Công Mới (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) với hơn 30 thành viên từng giúp nhiều tổ viên phát triển kinh tế vươn lên khá giả, thế nhưng thời điểm này, nhiều người thua lỗ phải tìm kế sinh nhai khác. Anh Nguyễn Văn Lập – Tổ trưởng Tổ hợp tác Thành Công Mới cho biết: “Hơn 30 thành viên tổ hợp tác giờ có đến hơn 10 người “treo ao”, người thì bán đất trả nợ, người phải đi xa kiếm việc làm thuê. Nếu giá tôm tiếp tục rớt và neo ở mức thấp như hiện nay thì chắc rằng ngày càng sẽ có nhiều hộ “treo ao” vì không còn vốn để tái đầu tư, nuôi mới”.

che-bien-tom17619338971794690857

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty Thái Minh Long (TX. Giá Rai). Ảnh: C.L

Theo các doanh nghiệp ngành tôm, thị trường tiêu thụ tôm năm nay đầy biến động. Chẳng những đạt sản lượng cao, các quốc gia như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia còn sản xuất được tôm cỡ lớn khá nhiều. Đây chính là lý do vì sao tôm thẻ cỡ lớn không còn giữ được giá tốt trong những tháng gần đây. Trong khi đó, giá thành sản xuất thấp nên giá bán tôm nguyên liệu của các nước này cũng rất cạnh tranh.

Kỳ vọng vào thị trường cuối năm

Khoảng 1 tuần qua, giá tôm được thương lái thu mua đã có sự điều chỉnh tăng, dù không nhiều nhưng cũng là tín hiệu tích cực để người nuôi tôm có thêm động lực tiếp tục vụ nuôi với hy vọng giá tôm sẽ dần phục hồi. Cụ thể, giá tôm thẻ được thương lái thu mua tại ao là 145.000 đồng/kg đối với loại 30 con/kg. Loại 40 con có giá 117.000 đồng/kg, loại 50 con/kg có giá 105.000 đồng. Với mức giá này, mỗi ký tăng từ 2.000 – 5.000 đồng so với tuần trước. Dự báo, nguồn cung tôm thế giới từ nay đến cuối năm có thể sẽ hạn chế, trong khi các nhà nhập khẩu đã giảm tồn kho khá nhiều và mùa lễ hội Noel, tết Dương lịch… cũng cận kề nên chắc chắn nhà nhập khẩu sẽ tăng cường nhập hàng, nhờ đó xuất khẩu tôm sẽ từng bước được phục hồi. Theo chia sẻ của ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam: “Chúng ta có cơ sở để lạc quan, nhưng chỉ nên lạc quan chút thôi, với hy vọng xuất khẩu tôm cả năm 2023 dù khó đạt như kỳ vọng nhưng cũng đạt ít nhất khoảng 3,5 – 4 tỷ USD cũng xem như đã thành công”. Điều ông Hòe dự báo ít nhiều cũng mở ra tia hy vọng về việc giá tôm sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm. Đó cũng là mong muốn của người nuôi tôm để họ có thêm động lực, niềm tin trong vụ nuôi mới.

Qua trao đổi với nhiều bà con nuôi tôm, thương lái, đại lý thu mua tôm đều có chung nhận định, là giá tôm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2023. Bởi, hiện nay, các công ty chế biến, xuất khẩu gần như đã hoàn tất các đơn hàng được ký kết từ đầu năm, bắt đầu nhận đơn hàng mới. Thêm vào đó, các nước có ngành tôm phát triển như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia đang cắt giảm diện tích nuôi hoặc bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino nên sản lượng tôm cũng sụt giảm. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là dự báo vì mọi thứ còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố tác động đến giá tôm như: tình hình tồn kho tại các nước đến quý 3, sản lượng tôm trong nước nhiều hay ít, khả năng phục hồi của các nền kinh tế lớn như thế nào… “Chúng tôi khuyến cáo người nuôi tôm nuôi thưa, rải vụ theo kích cỡ đặt hàng của nhà máy. Hơn nữa phải tăng cường tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới để mua chung, bán chung mới có thể vững chân được trên thị trường. Hiện nay tình hình giá cả thị trường đang là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, người nuôi tôm tổ chức lại sản xuất, từ đó có thể cạnh tranh với thị trường thế giới”, ông Lưu Hoàng Ly – Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết.

Chí Linh

Nguồn: Báo Bạc Liêu

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận