Nhiều hộ nuôi tôm ở Trà Vinh “treo ao” do giá thấp

Khoảng 1 tuần nay, tuy giá nhiều loại tôm đã bắt đầu nhích lên nhưng vẫn chưa kích thích các hộ nuôi tôm ở các vùng nuôi tôm trọng điểm ở tỉnh Trà Vinh tái vụ. Tại nhiều hộ nuôi tôm vẫn diễn ra tình trạng “treo ao”.

tom-the_1691214974
Tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Tép Bạc

Theo đó, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng thương phẩm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã tăng nhẹ từ 3.000 – 10.000 đồng/kg tùy loại.

Cụ thể, tôm sú loại 30 con/kg có giá từ 145.000 – 155.000 đồng/kg, 40 con/kg giá 115.000 – 120.000 đồng, tăng 5.000 đồng/kg so với tuần trước; riêng tôm sú loại 50 con/kg tăng 10.000 đồng/kg, với giá 100.000 – 105.000 đồng/kg. Với tôm thẻ chân trắng, loại 30 con/kg có giá 118.000 – 121.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; loại 40 con/kg có giá 105.000 – 108.000/kg, tăng 3.000 đồng/kg.

Riêng tôm sú loại 20 con/kg vẫn bằng mức giá của tuần trước, 190.000 – 200.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 82.000 – 85.000 đồng, giảm 5.000 đồng so với tuần trước.

Ông Lê Văn Phi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện có hơn 4.600 hộ thả nuôi thâm canh 426,8 triệu con tốm giống sú trên diện tích hơn 2.046 ha; gần 2.800 hộ đã thu hoạch với sản lượng đạt gần 6.000 tấn.

Đối với tôm thẻ chân trắng, hơn 6.500 hộ trong huyện thả nuôi thâm canh hơn 2 tỷ con giống trên diện tích 3.510 ha mặt nước; giảm 686 ha so với cùng kì năm trước. Với giá tôm hiện nay, các hộ nuôi không có lãi.

Hiện, các hộ nuôi này không chỉ gặp khó khăn do giá thấp thời gian dài mà còn bị thiệt hại do ảnh hưởng thời tiết bất lợi. Từ đầu năm đến nay, 1.077 hộ trên địa bàn huyện bị thiệt hại gần 90 triệu con giống tôm sú trên diện tích 26,25%, cao hơn 4,3% so với cùng kì năm 2022. Tôm thẻ chân trắng cũng bị thiệt hại gần 290 triệu con giống trên diện tích 539 ha của 1.404 hộ.

Bà Thạch Thị Thu Hà, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết, trước những bất lợi này, trên 30% diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện đã “treo ao” và chưa có dấu hiệu tái sản xuất trở lại. Huyện đã vận động các hộ chuyển sang các đối tượng nuôi khác như: tôm càng xanh, cua biển, cá kèo, nuôi lươn không bùn trong bể xi măng…

Vụ nuôi tôm năm 2023, đến nay, tỉnh Trà Vinh đã thả nuôi khoảng 1,15 tỷ con giống tôm sú trên diện tích 21.555 ha và 4,45 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 6.131 ha.

Do nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn nên môi trường ao nuôi biến động, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh, gây thiệt hại khoảng 96 triệu con tôm sú trên diện tích 572 ha và thiệt hại 487 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 732 ha. Tôm chết ở giai đoạn từ 25 – 55 ngày tuổi, chủ yếu do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, đỏ thân, đường ruột.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Trường Giang cho biết, vụ nuôi tôm năm nay gặp nhiều bất lợi do giá tôm thương phẩm sụt giảm mạnh và nhiều tháng liền đứng ở giá thấp nên các hộ nuôi không có lãi, thậm chí sẽ lỗ nếu xảy ra dịch bệnh. Nhiều hộ sau khi thu hoạch đã chọn giải pháp tạm “treo ao”, chủ yếu đối với các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng.

Dự kiến vụ này, sản lượng tôm thẻ chân trắng không đạt kế hoạch đề ra. Tuy vậy, với dự báo giá tôm thương phẩm có thể tăng trở lại, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang khuyến khích các hộ nuôi tôm tái vụ, có thể thả giống mật độ thưa hoặc thả rải vụ để hạn chế rủi ro dịch bệnh.

Báo Tin Tức
Đăng ngày 05/08/2023
Thanh Hòa (TTXVN)
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận