Hiện nay, ngành thủy sản ở nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, song nếu có những kế hoạch, chiến lược đúng đắn và kịp thời, chúng ta sẽ hóa giải những khó khăn đó và biến chúng thành cơ hội.
Tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 vừa được diễn ra mới đây, các lãnh đạo trong ngành thủy sản cùng nhiều đại diện có liên quan đã cùng nhìn nhận và đánh giá sát sao tình hình chung của ngành thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2023.
Tình hình chung của 6 tháng đầu năm 2023
Vừa qua, Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức đã được diễn ra ở Hà Nội. Tại hội nghị, những thuận lợi và khó khăn của ngành thủy sản đã được lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cùng một số đại diện có liên quan nhìn nhận, đánh giá khách quan và nêu ra những phương hướng cụ thể nhằm đạt được hai mục tiêu kép trong năm nay, đó là tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) và phát triển bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm nay, dù tổng sản lượng thủy sản có dấu hiệu tăng nhẹ (1,7%) so với cùng kỳ năm 2022. Song, xuất khẩu thủy sản lại đang có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, theo ghi nhận của VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ thu về con số 4,2 tỷ USD, tức đã giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, cua ghẹ và một số loài giáp xác đều giảm hơn 30%. Bên cạnh đó, sức cầu tiêu thụ tại một số thị trường xuất khẩu chủ lực cũng đang có xu hướng giảm: Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Úc,…
Trên thực tế, không chỉ có xuất khẩu thủy sản ở nước ta bị đình trệ mà nhiều lĩnh vực khác trên toàn thế giới cũng đang gặp phải những khó khăn tương ứng do những khó khăn xoay quanh việc kinh tế toàn cầu đang có không ít biến động, hậu quả của đại dịch Covid-19 chưa được khắc phục hoàn toàn,… Do đó, tình hình này phần nào đã khiến cho sức cầu tiêu dùng của nhiều quốc gia giảm mạnh.
Bên cạnh đó, sau cảnh báo thẻ vàng IUU năm 2017, lượng thủy sản xuất khẩu của nước ta “lao dốc” đáng kể. Ước tính trong giai đoạn 2017-2020, xuất khẩu thủy sản trong thị trường EU liên tục sụt giảm. Như vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay, đó chính là nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC bởi đây là một trong những thị trường hết sức tiềm năng của nước ta trong những năm gần đây.
Càng gần cuối năm, do cận kề các kỳ nghỉ, lễ hội cũng như chuẩn bị chuyển sang năm mới 2024, nhu cầu tiêu dùng thủy sản đã bắt đầu có xu hướng gia tăng. Để kịp thời thích ứng và chủ động trong thời gian tới, các cơ quan, doanh nghiệp cũng như hộ nuôi cần phải có những phương hướng sản xuất, phát triển thích hợp và bền vững.
Ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Hóa chất nhà nông
Phương hướng trong giai đoạn “nước rút”
Giải pháp tháo gỡ trước mắt nhằm khắc phục thẻ vàng EC chính là tăng cường theo dõi, kiểm tra và xử lý triệt để những hành vi vi phạm. Nếu tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt chính sách rà soát và cập nhật tình hình kết quả liên tục như hiện tại thì chúng ta có thể hy vọng trong đợt EC đến Việt Nam sắp tới (được biết là khoảng tháng 10 năm nay) thẻ vàng sẽ gỡ bỏ.
Song hành cùng nhiệm vụ gỡ bỏ thẻ vàng EC, chúng ta cũng đề ra một số phương hướng cụ thể trong ngành thủy sản sắp tới với mục tiêu chính yếu là phát triển bền vững.
Trước khi có thể hiện thức hóa mục tiêu đề ra, chúng ta phải liên tục theo dõi, nắm bắt mọi biến chuyển của thị trường cả về giá thành thức ăn chăn nuôi, giá thủy sản thương phẩm cũng như nhu cầu tiêu thụ của người dân, nhất là vào thời kỳ cao điểm như hiện tại, khi giáp năm và cận kề năm mới.
Theo đó, toàn ngành thủy sản phải vạch ra kế hoạch khai thác, nuôi trồng bền vững, thân thiện với môi trường. Cụ thể là, theo dõi sát sao quá trình tổ chức sản xuất của từng hộ gia đình, cơ sở nhỏ lẻ để truy xuất rõ nguồn gốc; giảm số lượng tàu bè và nâng cao chất lượng nhân lực, vật lực; tránh việc khai phá, mở rộng diện tích tràn lan mà tập trung phát triển con giống, chất lượng môi trường nuôi trồng; đảm bảo an toàn thực phẩm – đây chính là chìa khóa quan trọng trong thời buổi hiện nay.
Thời gian gần đây, yêu cầu của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Do đó, nếu Việt Nam không nỗ lực nâng cao giá trị thương hiệu, đa dạng hoá sản phẩm cũng như chú trọng hơn về mặt chế biến, an toàn thực phẩm,… thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp không ít trở ngại trong giai đoạn sắp tới. Như vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra trong những tháng cuối cùng của năm 2023, chúng ta càng phải nỗ lực thực hiện nghiêm chỉnh những phương hướng nêu trên nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Nhìn chung, đứng trước những cơ hội và thách thức ở hiện tại, ngành thủy sản nước ta cần tập trung xây dựng một chiến lược phát triển mới hiệu quả và bền vững hơn. Trong đó, trước mắt chúng ta cần đẩy mạnh triển khai biện pháp theo dõi, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm (IUU) và tiến đến gỡ bỏ thẻ vàng EC.