THANH HÓA Anh Hoàng Anh Tú là người đầu tiên ở Hà Lĩnh, Hà Trung đầu tư mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn dịch bệnh, đem lại hiệu quả và thu nhập cao.
Bỏ việc quản lý khách sạn về… nuôi gà
Cách đây vài năm, anh Hoàng Anh Tú (thôn Thọ Lộc, xã Hà Lĩnh, Hà Trung, Thanh Hóa) quyết định bỏ công việc quản lý khách sạn tại Hà Nội để về quê làm nông dân: “Lúc đó ai cũng bảo tôi dại vì công việc quản lý đang thuận lợi và thu nhập khá cao. Tuy nhiên, vợ đau ốm triền miên buộc tôi phải đứng trước lựa chọn giữa gia đình và kinh tế. Tôi chọn về quê để lập nghiệp để có thời gian chăm sóc vợ con và không hối hận với quyết định này”, anh Tú chia sẻ.
Việc thay đổi công việc, môi trường sống khiến vợ chồng anh Tú đối diện với khá nhiều khó khăn buổi đầu khởi nghiệp làm nông dân. Từ dân kinh doanh chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp, không ai tin anh Tú sẽ thành công.
“Có sẵn đất ở quê, tôi quyết định vay vốn ngân hàng, đầu tư con giống, nuôi gà theo hướng bán công nghiệp. Lứa gà thịt đầu tiên tôi nuôi 300 con cho thu nhập 24 triệu đồng. Khi ấy vợ chồng mừng lắm vì công việc có vẻ thuận buồm xuôi gió”.
Nuôi thử nghiệm thành công, anh Tú quyết định nâng quy mô trang trại từ 300 lên 2.000 con gà lông màu. Có thời điểm, trại gà của gia đình anh lên tới 8.000 con, nuôi theo hướng công nghiệp, mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, theo anh Tú, người nuôi gà thịt đối diện với nhiều áp lực, đặc biệt là giá cả thị trường. Năm 2019, trại gà của gia đình anh thua lỗ khoảng 300 triệu đồng do giá cả thị trường xuống thấp, trong khi chi phí vật tư đầu vào tăng cao. Để cắt lỗ và đa dạng hóa sản phẩm từ trại gà, anh Tú quyết định đầu tư thêm 2.500 con gà hướng trứng Ai Cập.
Anh Tú rút ra kinh nghiệm: “Sau 4 tháng nuôi, nếu gà thịt bán vào thời điểm được giá có lời, bằng không thì lỗ. Lứa gà sau chưa chắc có cơ hội gỡ lại vốn. Còn nuôi gà đẻ trứng, sản phẩm có thể bán liên tục trong năm, người nông dân ít chịu áp lực về giá cả thị trường, lúc lãi bù lúc lỗ nên vẫn có thu nhập”.
Chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Anh Tú cho biết, ưu điểm của giống gà Ai Cập là đẻ trứng to, đều, sản lượng trứng đạt từ 250 – 270 quả/năm. Ông chủ trại gà lớn nhất huyện Hà Trung cũng là người đầu tiên ở xã Hà Lĩnh thành công với mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn dịch bệnh đem lại hiệu quả, thu nhập cao.
Theo anh Tú, chăn nuôi an toàn dịch bệnh đòi hỏi tất cả các khâu từ chọn giống, chăm sóc, vệ sinh tiêu độc, khử trùng đều phải thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.
“Trong chăn nuôi gà, đầu tiên phải chọn được giống tốt, con giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tôi thường chọn giống tại những công ty lớn, uy tín. Gà được tiêm phòng vacxin ngay từ đầu với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Gà từ 1 ngày tuổi đến khi sinh sản hoặc xuất bán phải vào vacxin hơn 10 lần mới đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Thức ăn cho gà phải đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, được sản xuất từ các cơ sở sản xuất thức ăn uy tín trên thị trường, không sử dụng thức ăn bán trôi nổi hoặc mua thức ăn từ các cơ sở không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, chuồng trại phải đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Nên sử dụng đệm lót sinh học và phun thuốc khử trùng định kỳ để đảm bảo môi trường sống cho gà. Nguồn chất thải cũng được kiểm soát chặt chẽ từ quá trình thải ra, thu gom, đến khâu đóng bao bì và vận chuyển. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, tôi sử dụng các loại men vi sinh giúp nâng cao khả năng tiêu hóa cho gà”, anh Tú chia sẻ.
Theo anh Tú, từ ngày chăn nuôi theo phương pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đàn gà của trang trại khỏe mạnh, ít bệnh, giảm chi phí chăn nuôi. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi của gia đình anh được nâng lên rõ rệt.
Hiện nay, trại gà của gia đình anh Tú có khoảng 7.000 gà đẻ trứng, mỗi ngày cho thu hoạch hơn 5.000 quả trứng. Sau khi trừ chi phí, chủ trại gà thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/ngày. Trung bình mỗi tháng anh Tú thu nhập khoảng 100 triệu đồng, tạo việc làm cho 2 lao động chính tại địa phương với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng…
Không chỉ dừng lại ở việc chăn nuôi an toàn dịch bệnh, anh Tú còn tích cực giới thiệu, tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho bà con trong xã với mong muốn cùng nông dân làm giàu.
Theo anh Tú, khó khăn nhất đối với người chăn nuôi gà đó là giá cả thị trường. Mặt khác, tính liên kết trong sản xuất chưa cao, hầu như người chăn nuôi phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm do mình làm ra. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi khiến người dân không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất…
An toàn dịch bệnh, phát triển bền vững
Tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh là yếu tố quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Hiện, các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên toàn tỉnh đã đáp ứng các yêu cầu như: Có khu vực xử lý chất thải, nơi nuôi cách ly động vật, khu vệ sinh, khử trùng tiêu độc dụng cụ chăn nuôi, kho chứa thức ăn chăn nuôi cách biệt với nơi để hoá chất độc hại và khu xử lý chất thải,
Bên cạnh đó, có lối ra vào khu chăn nuôi phải được áp dụng các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho người và phương tiện đi qua. Thực hiện giám sát lâm sàng động vật trong suốt quá trình nuôi, định kỳ 1 lần/tuần theo dõi và ghi chép tình trạng sức khỏe của đàn vật nuôi.
Thông qua lượng thức ăn tiêu thụ, dấu hiệu bất thường về hô hấp, tiêu hóa, vận động, hành vi của con vật và những biểu hiện bất thường khác; lấy mẫu, xét nghiệm bệnh đăng ký an toàn theo các yêu cầu…
Ngành chăn nuôi Thanh Hóa đang khuyến khích các cơ sở chăn nuôi đầu tư sản xuất con giống có năng suất, chất lượng cao. Cung cấp cho người chăn nuôi các địa chỉ sản xuất con giống đạt chất lượng, an toàn dịch bệnh. Thực hiện việc kiểm dịch, lấy mẫu giám sát định kỳ, thường xuyên kiểm tra chất lượng con giống.
Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh. Song song đó, tiếp tục kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi lợn bằng cách liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đồng thời, thu hút các doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi, thú y Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên các đối tượng gia súc, gia cầm để tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh sẽ được xem xét cấp chứng nhận đạt quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại Việt Nam, được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Các hộ chăn nuôi tham gia xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh còn được hưởng các quyền lợi theo quy định của Luật Thú y.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có có hơn 1.000 trang trại và hơn 700.000 hộ chăn nuôi, trong đó có 415 trang trại chăn nuôi gia cầm và gần 500.000 hộ chăn nuôi. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và chứng nhận được 6 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 103 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.