BẮC KẠN Ở phiên chợ này không có giao dịch bằng trăm nghìn mà ít cũng phải vài chục triệu đồng trở lên, thương lái phải mang theo cả nải tiền, chủ hàng đếm tiền mỏi tay.
Chợ trâu bò lớn nhất miền Bắc
Có hẹn với một nhân vật đặc biệt đã lâu, những ngày giữa tháng 8 tôi mới có dịp đến với chợ trâu, bò Nghiên Loan (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn). Giữa chợ đông vui nhộn nhịp, tôi bất ngờ gặp ông, một người có dáng vẻ nhỏ nhắn. Năm nay đã 73 tuổi nhưng ông vẫn toát lên vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông là Lý Văn Tu, một trong những người đầu tiên đặt nền móng khai sinh ra chợ trâu, bò Nghiên Loan ngày nay.
Trong hồi ức của mình, ông Tu nhớ lại, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người dân trong xã chỉ làm nương rẫy, đời sống muôn vàn khó khăn, buôn bán giao thương còn rất hạn chế. Khi đó một nhóm 5 người Mông ở bản Phia Đeng đi dắt trâu thuê cho cánh thương lái đến từ các tỉnh miền xuôi. Khi đó đi bộ từ nhà mất 2 ngày mới đến chợ trâu bò ở Bảo Lạc (Cao Bằng), sau đó lại dắt trâu từ đó về. Khi đó dân cư thưa thớt nên ngày đi bộ, tối ngủ rừng cùng đàn trâu.
Sau nhiều năm đi dắt thuê, cảm thấy việc buôn bán trâu, bò lợi nhuận gấp hàng chục lần trồng lúa trên nương, ông cùng một số người ở Phia Đeng bắt đầu chuyển sang buôn bán.
“Năm 1995, mình mua trâu của bàn con ở trong xã sau đó bán cho tư thương đi chợ ở Bảo Lạc về qua xã. Lúc đó chỉ dắt bộ, mỗi lần chỉ được vài con. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là bán được 5 con trâu, mỗi con lãi được 100 nghìn, về mua được gần một bung ruộng (1.000m2)”, ông Tu nhớ lại.
Lúc đó chưa có điện thoại nên một nhóm 5 người hẹn nhau một ngày cố định mang trâu, bò ra bãi đất trống (chợ bò Nghiên Loan ngày nay) để bán cho tư thương miền xuôi. Lúc đó, mỗi phiên cũng chỉ bán có vài con. Chợ buôn bán trâu, bò Nghiên Loan (người dân quen gọi chợ bò Nghiên Loan) cũng dần hình thành từ đó.
Năm 1999 đánh dấu bước chuyển lớn khi chợ bò Nghiên Loan được thành lập có thu phí hẳn hoi. Lúc đó chính quyền cho phép thành lập chợ, mỗi con trâu, bò mang vào chợ giao dịch thu phí từ 1.000 đến 1.500 đồng.
Trong mạch câu chuyện của mình, ông Tu nhấn mạnh nhiều lần về kỷ lục của chợ trâu bò Nghiên Loan được thiết lập được năm 1999. Sau khi chợ đi vào hoạt động, mới đầu chỉ có vài chục, sau đó vài trăm con mỗi phiên, phiên có số lượng trâu bò mang đến giao dịch kỷ lục nhất đạt 730 con.
“Phiên chợ đó, số lượng trâu, bò quá nhiều, chợ gần như kín mít không có cả lối đi, ông và mấy người quản lý chợ đi đếm từng con, kết quả được 730 con. Đây là phiên chợ chứng kiến số lượng tăng đột biến, về sau tiếng tăm chợ bò Nghiên Loan vang xa, tư thương từ các tỉnh Nghệ An, Hà Giang, Thanh Hóa… cũng về họp chợ nên chợ ngày càng đông đúc hơn”, ông Tu kể về hồi ức năm 1999.
Từ chợ nhỏ ở vùng nông thôn xa xôi, đến nay, Nghiên Loan đã trở thành chợ buôn bán trâu, bò lớn nhất miền Bắc. Trung bình mỗi phiên có từ 3.000 – 4.000 con được mang đến giao dịch. Cá biệt có những phiên số lượng trâu bò lên tới 5.000 con.
Cùng với sự phát triển của chợ, ông Tu giờ cũng đã hơn 70 tuổi, ông không còn đi buôn trâu được nữa, nhưng phiên chợ nào ông cũng có mặt. Giữa phiên chợ đông đúc, ông Tu hồ hỏi nói, đến chợ cảm thấy rất vui, không khí náo nhiệt, cười cười nói nói, ngoài mua bán anh em giới buôn trâu còn hỏi thăm nhau câu chuyện cuộc sống, khiến mình như trẻ lại. Được tín nhiệm nên mình tham gia bản quản lý chợ, phiên nào cũng đến, xu hướng mua bán, giá cả như thế nào đều nắm được cả.
Giao dịch tiền “bằng quyển”
Chợ Nghiên Loan giờ họp 5 ngày một phiên, thương lái từ khắp nơi đổ về, chợ cũng đã được mở rộng hơn. Chúng tôi đến chợ Nghiên Loan lúc trời còn tờ mờ sáng, xe ô tô chở trâu, bò đã ùn ùn kéo vào chợ. Chị Loan mở của hàng bán nước ở cổng chợ nhiều năm nay nói với chúng tôi, phiên này chợ lại đông.
Bảy giờ sáng, chợ đã kín chỗ, xe cộ vẫn tiếp tục kéo đến, xe đỗ kín dọc quốc lộ, xe để kín lối đi vào chợ. Giữa nắng hè oi ả, tiếng trâu bò, tiếng tư thương trả giá vang động cả một vùng.
Đi sâu vào trong chợ, từng nhóm người đang định giá trâu, người bảo con này gầy, ông lại bảo con này được thành (lượng thịt nhiều). Chỉ sau vài phút, giao dịch được chốt nhanh chóng, tiền mặt bày la liệt dưới nền đất, cả chủ trâu lẫn người mua đếm tiền mỏi tay.
Là thương lái có “số má” tại chợ trâu, bò Nghiên Loan, anh Nguyễn Văn Hảo (Bắc Giang) nhẩm tính, phiên này cố gắng mua khoảng 30 con, tiền dắt lưng ít cũng phải có gần tỷ đồng.
“Buôn trâu, bò không thể tính chục triệu mà ít cũng mang theo vài trăm triệu, nhiều phải cả tỷ bạc. Một con trâu to đã có giá từ 30 đến 40 triệu, chục con đã mấy trăm triệu. Nếu mua đủ một xe ô tô cũng đến hai chục con”, anh Hảo chia sẻ.
Giữa tiết trời oi bức mùa hè, anh Chu Hoàng Lưu đến từ Cao Bằng tranh thủ vào nghỉ dưới bóng mát, vừa gạt những giọt mồ hôi nhễ nhại vừa nhiệt tình chia sẻ, cả buổi sáng vẫn chưa mua đủ xe để về, giờ buôn bán phải tính kỹ nếu không thì lỗ.
Trong câu chuyện của mình, anh Lưu nhận định, chợ Nghiên Loan sôi động trở lại vài tháng nay sau thời kỳ trầm lắng vì dịch Covid-19 là do thị trường Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục, nguồn tiêu thụ đã khả quan hơn rất nhiều. Ngoài ra, mệnh giá đồng Nhân dân tệ ổn định ở mức cao nên buôn bán cũng bắt đầu có lãi.
“Hiện nay giá trâu, bò thu mua tại chợ đã nhích dần lên, một kg hơi thịt trâu đạt 60.000 đồng, bò khoảng 65.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi đã bắt đầu có lãi, dù chưa đạt mức cao như trước thời điểm có dịch Covid – 19 cách đây 3 năm”, anh Lưu nhận định.
Những cuộc ngã giá bất chợt, nhanh chóng cũng là đặc điểm thú vị của chợ bò Nghiên Loan. Với người buôn trâu, bò một khi đã kết con nào, ngay lập tức tiền trao cháo múc, vài chục triệu thậm chí hàng trăm triệu được đếm ngay tại chỗ.
Ở đây ngoài cân bằng máy móc, phần lớn thương lái chỉ “quạ” lấy, đây là một từ bản địa thể hiện việc đoán trọng lượng trâu, bò bằng mắt thường. Phải là người buôn trâu, bò có nhiều kinh nghiệm mới mua bằng cách này.
Một tư thương nhiều kinh nghiệm chia sẻ, đi chợ lâu năm mình có thể nhìn con trâu là biết ngay nó được khoảng bao nhiêu cân thịt, con nào thịt ngon nên mua, con nào to nhưng thịt ít, xương nhiều mua về sẽ lỗ.
Dù nhiều tư thương bây giờ đã trả tiền qua tài khoản ngân hàng, nhưng tiền mặt vẫn là “đặc sản” của chợ Nghiên Loan. Từ đầu chợ đến cuối chợ, giữa dòng người đông đúc, những “túi nải” chứa đầy tiền đeo lủng lẳng trước ngực thương lái.
Trong câu chuyện của cánh thương lái, sở dĩ tiền mặt được ưu chuộng vì nhiều người dân bán trâu, bò họ chưa có tài khoản, chuyển khoản nhiều lúc cũng chưa tạo được niềm tin, nhiều lúc nghẽn mạng, tiền đến chậm bà con lo lắng.
Nếu không mang theo nhiều tiền mặt, hết tiền cũng rất khó rút từ ngân hàng vì chợ ở xa trung tâm huyện. Tiền nhiều, giao dịch ngay giữa chốn đông người nhưng tuyệt nhiên rất ít khi xảy ra trộm cắp tại đây.
Dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng chợ bò Nghiên Loan vẫn là địa chỉ uy tín của cánh thương lái khắp các tỉnh thành. Có những lúc chợ phải ngừng hoạt động, nhưng với quan hệ chằng chịt của giới đi buôn chỉ một tin nhắn chợ lại hoạt động nhộn nhịp trở lại.
Không chỉ mang lại thu nhập cho người chăn nuôi, chợ còn ẩn chứa giá trị giao thoa văn hóa vùng miền. Ở đó, người miền núi học người miền xuôi cách buôn bán, làm ăn, người miền xuôi cảm nhận được tấm chân tình mộc mạc của người miền núi.