Ngành công nghiệp nuôi tôm ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân. Hiểu biết về bệnh trên tôm sẽ giúp người nuôi phòng trừ, phát hiện và trị bệnh kịp thời. Dưới đây là một số bệnh thường gặp trên tôm thẻ chân trắng (TTCT) mà người nuôi nên chú ý.
Biện pháp phòng bệnh chung
Lựa chọn tôm giống sạch, không nhiễm bệnh; tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về nuôi TTCT; vệ sinh nước ao nuôi định kỳ và chủ động loại bỏ các loại tảo độc trong ao.
Cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, bảo đảm chất lượng phù hợp với từng giai đoạn nuôi tôm. Đồng thời bổ sung một số chất khoáng, vitamin, men tiêu hóa cần thiết vào thức ăn của tôm để tăng sức đề kháng.
Kiểm soát các chỉ tiêu của môi trường nước chặt chẽ, đảm bảo trong ngưỡng phát triển của tôm.
Thường xuyên vệ sinh khu vực cho tôm ăn và chủ động kiểm tra sức khỏe tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hội chứng Taura
Biểu hiện: Bệnh xuất hiện khi tôm nuôi được khoảng 2 tuần tuổi cho đến khi trưởng thành. Giai đoạn cấp tính làm tôm chậm lớn, mềm vỏ, phá hủy hệ tiêu hóa và khả năng lây lan nhanh, khi mắc bệnh đuôi tôm thường phồng lên và chuyển thành màu đỏ sau đó xuất hiện các đốm màu đen trên biểu bì, nếu bệnh tôm chuyển biến thành thể mãn tính, sẽ xuất hiện nhiều đốm nhiễm melanin. Tôm bệnh sẽ kém ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước hoặc rúc vào ao nuôi. Gan tụy có màu vàng hơn bình thường, mang bị sưng, thường là tôm chết lúc lột xác. Bệnh rất nguy hiểm với TTCT, thời gian ủ bệnh ngắn và có thể gây chết đến 95%.
Phòng bệnh: Người nuôi cần áp dụng các biện pháp tổng hợp về quản lý và xử lý môi trường nước, bảo đảm nguồn nước cấp vào ao đã qua xử lý và lắng lọc không chứa mầm bệnh.
Hiện chưa có quy trình xử lý hay điều trị bệnh Taura trên TTCT khi tôm đã nhiễm bệnh và bắt đầu chết. Phương pháp cơ bản là ngăn chặn không cho tôm lột xác bằng việc giảm thức ăn và duy trì pH > 8, liên tục sục khí và
duy trì chất lượng nước tốt nhất có thể.
TTCT bị nhiễm hội chứng Taura (B) Ảnh: ST
Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính
Biểu hiện: Đường ruột rỗng hoặc đứt đoạn. Gan tụy teo nhỏ (1/3 so với bình thường) và bị chai, khó bóp nát; tôm mới bị bệnh, gan tụy sưng to, biến đổi màu; màu sắc khối gan tụy nhợt nhạt hoặc trắng; vỏ mềm, tôm bị bệnh chết chìm dưới đáy ao. Tỷ lệ chết của tôm có thể từ 50 – 100% trong khoảng 4 tuần.
Phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh chung.
Trị bệnh: Khi phát hiện cần dừng cho ăn, thay nước và diệt khuẩn. Cho tôm nhịn ăn từ 3 – 4 ngày. Sau đó cho ăn lại với khẩu phần giảm 50% so với mức thông thường. Trộn vào thức ăn các hoạt chất tự nhiên có khả năng diệt khuẩn hoặc axit hữu cơ.
Bệnh đốm trắng do virus (WSSV)
Đây là một bệnh vô cùng nguy hiểm có thể làm tôm chết 100% chỉ sau từ 3 – 10 ngày kể từ khi tôm bị nhiễm bệnh.
Biểu hiện: Tôm dạt bờ, kém ăn, bơi yếu và xuất hiện các đốm trắng có vòng tròn
đồng tâm đường kính từ 0,5 – 2 mm trên vỏkitin, cơ thể yếu ớt chuyển thành màu hồng đồng thời xuất hiện các đốm trắng, ruột rỗng, chết dạt bờ.
Phòng và trị bệnh: Đây là bệnh do virus gây ra nên hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị. Vì vậy, người nuôi cần phải tăng cường các biện pháp phòng bệnh. Đối với ao tôm bệnh, nên vớt tôm chết ra khỏi ao. Sau đó dùng Chlorine với liều lượng 30 kg/1.000 m3; hoặc formol 200 lít/1.000 m3 hòa nước tạt đều ao, ngâm 7 ngày rồi xả ra ngoài. Khi phát hiện bệnh tốt nhất là thu hoạch ngay để giảm thiệt hại.
Bệnh đầu vàng
Biểu hiện: TTCT khi bị bệnh có biểu hiện vàng đầu, thân màu nhạt, gan tụy chuyển sang màu vàng, tôm bơi dạt bờ trên mặt nước và ven bờ rồi bị chết từ 60 – 70% đàn trong ao nuôi.
Phòng bệnh: Hiện tại, bệnh đầu vàng chưa tìm ra thuốc chữa trị hiệu quả, vì vậy, người nuôi cần áp dụng biện pháp phòng bệnh chung.
TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH