Quản lý các yếu tố môi trường trong nuôi cá chẽm

Cá chẽm hay còn gọi là cá vược, là một loài cá dữ điển hình rộng muối, thịt ngon và giá trị kinh tế cao. Gần đây cá chẽm đã được nuôi ngày càng rộng rãi bằng các hình thức nuôi lồng và nuôi trong ao đầm nước lợ ở Đồng bằng sông Cửu Long khu vực Sóc Trăng, Bạc Liêu,…

Tập tính

Cá chẽm là loài rộng muối và có tính di cư xuôi dòng. Chúng thường sống ở vùng nước ven bờ, cửa sông, rừng ngập mặn cho tới độ sâu 40 m. Điều kiện thuận lợi cho cá chẽm sinh trưởng và phát triển: nhiệt độ 15 – 280C, độ mặn: 2 – 35‰, độ sâu 5 – 20 m. Giai đoạn cá mới nở thường phân bố ven biển gần các cửa sông nước lợ, cá cỡ 1cm có thể tìm thấy cả trong các thủy vực nước ngọt. Trong tự nhiên, cá chẽm sinh trưởng ở nước ngọt, nước lợ và di cư ra vùng nước mặn để đẻ. Cá chẽm là loài cá dữ, thức ăn ưa thích là các loài cá tạp, tôm và các loài giáp xác khác… Sinh trưởng nhanh, sau 1 năm từ cỡ cá giống 4 – 5 cm có thể đạt trọng lượng 1,5 – 3 kg/con.

Quản lý môi trường đối với nuôi lồng

Thông thường, tiêu chuẩn lựa chọn vị trí nuôi được phân thành 3 nhóm yếu tố chính: nhóm các yếu tố liên quan đến sự sống của cá nuôi như nhiệt độ, độ mặn, mức độ nhiễm bẩn, vật chất lơ lửng, nở hoa của tảo, sinh vật gây bệnh trao đổi nước, dòng chảy, khả năng làm bẩn lồng; nhóm các yếu tố về độ sâu, chất đáy, giá thể… và nhóm các yếu tố về điều kiện thành lập trại nuôi như phương tiện, an ninh, kinh tế – xã hội, luật lệ… Một vị trí tốt cho việc nuôi lồng cá biển cần thiết có:

– Độ sâu phải bảo đảm đáy lồng cách đáy biển ít nhất 2 – 3 m, ít sóng to, gió lớn (tránh nơi sóng >2 m) và tốc độ dòng chảy nhỏ (dưới 1 m/s) nếu không sẽ làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn, làm cho cá hoạt động yếu gây chậm lớn và sinh bệnh.

– Tránh nơi nước chảy quá yếu hay nước đứng (tốc độ chảy thích hợp từ 0,2 – 0,6 m/s) mà có thể dẫn đến cá chết do thiếu ôxy, thức ăn thừa, mùn bã cũng tích lũy ở đáy lồng gây ô nhiễm.

– Đảm bảo hàm lượng ôxy 4 – 6 mg/l, nhiệt độ 25 – 300C, độ mặn từ 27 – 33‰. Cần tránh xa những nơi gây ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, và tàu bè. Nơi có thể xảy ra thủy triều đỏ.

Quản lý lồng cá:

Cần phải thường xuyên theo dõi lồng. Do luôn luôn ngập nước, lồng có thể bị phá hại bởi các động vật thủy sinh như cua, rái cá… Nếu lồng bị hư hỏng phải lập tức sửa chữa hoặc thay mới. Ngoài quá trình bám sinh học, lưới lồng còn là nơi dễ bị kín và lắng đọng phù sa. Do đó, việc vệ sinh lưới theo phương pháp cơ học vẫn là phương pháp hiệu quả và rẻ nhất. Ở những vùng có nhiều sinh vật gây bám cần sử dụng lồng lưới luân phiên nhau.

Quản lý môi trường đối với nuôi ao

Chọn nguồn nước trong sạch không bị ô nhiễm, xa khu dân cư, xa nguồn nước thải công nghiệp, đảm bảo các yếu tố môi trường ổn định. Gần đường giao thông, gần nguồn điện, gần nguồn cá giống… Địa điểm cần có nguồn nước tốt và đầy đủ quanh năm. Thường chọn vị trí trung triều, biên độ triều 2 – 3 m để tiện cho việc cải tạo ao, tháo và lấy nước trong quá trình nuôi, các yếu tố môi trường phải đảm bảo trong khoảng thích hợp như Bảng 1:

bang-kt-2

Bảng 1: Các yếu tố môi trường thích hợp cho nuôi cá chẽm thương phẩm

Biên độ triều: Vùng tốt nhất cho nuôi cá chẽm nên có biên độ triều vừa phải từ 2 – 3 m. Với biên độ triều ngay cả ao sâu 1,5 m cũng có thể tháo cạn hoàn toàn khi triều xuống hay cấp nước dễ dàng khi triều lên.

Vị trí nuôi sẽ có nhiều thuận lợi nếu như lập được bản đồ địa hình, điều đó giúp giảm chi phí trong điều hành và phát triển sản xuất, như bơm nước. Địa điểm lý tưởng cho ao nuôi là nơi đất có thành phần sét đầy đủ để bo giữ được nước cho ao. Cần tránh những vùng bị nhiễm phèn.

Ao nuôi cá chẽm thường có hình chữ nhật với diện tích từ 2.000 m2 đến 2 ha, sâu từ 1,2 – 1,5 m. Mỗi ao cần có cống cấp và tiêu nước riêng để thuận tiện cho việc thay đổi nước. Đáy ao bằng phẳng và dốc về cống thoát nước.

Quản lý ao: Do phải duy trì thức ăn tự nhiên trong ao nên cần hạn chế sự thay đổi nước cho ao nuôi theo dạng kết hợp. Hằng ngày kiểm tra ao để biết tình hình ao nuôi và bổ sung nước để đảm bảo duy trì mực nước trong ao 1,2 – 1,5 m. Định kỳ thay nước để loại bỏ các thức ăn dư thừa trong ao, chế độ thay 3 ngày/lần, mỗi lần thay 20 – 30% lượng nước trong ao. Khi nhiệt độ ao lên 340C thì phải thay nước ngay, nếu không cá sẽ chết.

Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi màu nước, theo dõi các yếu tố môi trường và tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Theo dõi tình trạng sức khỏe, các bệnh lý để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong thời gian đầu nuôi chỉ chạy máy quạt nước vào buổi tối, khi cá lớn tùy theo tổng khối lượng cá trong ao mà điều chỉnh thời gian chạy máy quạt nước cho phù hợp. Trường hợp cá nổi đầu do thiếu ôxy vào buổi sáng tiến hành thay toàn bộ nước trong ao cho đến khi ổn định trở lại. Quan sát ghi nhật ký hàng ngày các yếu tố môi trường trong ao nuôi như: nhiệt độ, DO và pH. Định kỳ 15 ngày hoặc sau khi thay nước tiến hành bón vôi cho ao nuôi với lượng từ 2 – 3 kg/100 m2 nhằm xử lý nước và phòng bệnh cho cá.

Hoàng Yến

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận