Bột mì có thể thay thế mật rỉ đường trong biofloc?

Một thử nghiệm gần đây cho thấy rằng lựa chọn bột mì thay vì mật rỉ đường làm nguồn carbon cho hệ thống biofloc trong nuôi tôm giúp cải thiện tỷ lệ sống và tăng năng suất.

Công nghệ biofloc là kết quả của quá trình thử nghiệm và phát triển hệ thống ao nuôi được sục khí và khuấy đảo thường xuyên, không hoặc hạn chế thay nước. Cơ sở hình thành hệ thống này chính là các hạt floc. Hạt floc là khối kết dính của các loại vi khuẩn, tảo, động vật nguyên sinh, các mảnh vỡ của các phân tử hữu cơ và một số sinh vật khác. Vấn đề mấu chốt trong công nghệ biofloc là tạo điều kiện tối ưu để vi sinh vật dị dưỡng có lợi phát triển, hấp thụ amonium, tạo sinh khối làm thức ăn cho vật nuôi. 

Để ngăn chặn sự đạt đỉnh của amoniac trong ao nuôi (chủ yếu bắt nguồn từ nitơ trong thức ăn), khi bắt đầu chu kỳ nuôi nên bắt đầu hệ thống biofloc bằng việc đảm bảo đủ carbohydrate. Carbon trong carbohydrate này cho phép vi khuẩn dị dưỡng sinh sôi và tổng hợp amoniac, do đó duy trì chất lượng nước. Việc bổ sung này cũng có thể mang lại chất lượng tôm tốt hơn vào cuối chu kỳ sản xuất.

nuoi-tom-biofloc

TTCT được nuôi trong hệ thống biofloc. Ảnh: Thefishsite

Các nguồn carbon khác nhau đã được sử dụng để thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật trong biofloc, bao gồm mật rỉ đường, glycerol và glucose. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng việc sử dụng các nguồn carbon hữu cơ thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng vi khuẩn dị dưỡng có lợi. Mặc dù biofloc có thể mang lại hiệu quả về sản xuất và tính bền vững môi trường, tuy nhiên, việc duy trì chất lượng vi khuẩn trong hệ thống là một thách thức. Do đó, nếu không được quản lý chặt chẽ, lượng vi khuẩn có thể vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép và gây hại cho tôm.

Thử nghiệm

Một thử nghiệm đã được thực hiện nhằm xác định nguồn carbon lý tưởng để sử dụng trong hệ thống biofloc. Thử nghiệm đã so sánh giữa bột mì và mật rỉ đường dựa trên các chỉ tiêu về chất lượng nước, năng suất tăng trưởng, sử dụng thức ăn, thành phần floc, tỷ lệ sống tôm và cộng đồng vi sinh vật xung quanh. Ấu trùng tôm thẻ chân trắng có trọng lượng trung bình (38,47 ± 5,8 mg mg) được thả với mật độ 200 con/m2, tôm được nuôi theo hệ thống biofloc trong 128 ngày. Các bể được sục khí liên tục. Tôm được cho ăn 4 lần/ngày vào lúc 7 giờ, 10 giờ, 13 giờ và 15 giờ với thức ăn chứa 38% protein. Cho ăn khoảng 15% trọng lượng thân thời điểm bắt đầu thử nghiệm và giảm dần còn 2,5% ở giai đoạn cuối. Định kỳ 2 tuần/lần thực hiện cân tôm và kiểm tra tỷ lệ chết, từ đó làm cơ sở để điều chỉnh thức ăn phù hợp. Sau khi cho ăn, bột mì và mật rỉ đường đã được bổ sung vào hệ thống với tỷ lệ C:N là 15:1. Nghiên cứu được thực hiện tại trại sản xuất tôm giống của Damietta, Ai Cập. Thử nghiệm có sáu bể, có kích thước đồng nhất (3 x 10 x 1,2 m) với tổng thể tích 36 m3, mỗi bể chứa 30 m3 nước biển đã lọc cát (độ mặn 32‰).

Kết quả chính

Phân tích chất lượng nước chỉ ra rằng sử dụng bột mì liên quan đến hàm lượng ôxy hòa tan cao hơn. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng không có sự khác biệt đáng kể giữa các nghiệm thức về nồng độ amoniac, nitrit và pH. Tuy nhiên, sự gia tăng độ đục (64,27 NTU) và thể tích floc hình thành (18,40 ml/l) được ghi nhận ở nghiệm thức bổ sung mật rỉ đường.

Hiệu suất tăng trưởng, bao gồm trọng lượng thân cuối cùng (12,37 g), tăng trọng (12,34 g), tăng trọng trung bình hàng ngày (0,096 g/ngày), tăng trọng trung bình hàng tuần (0,68 ) và tốc độ tăng trưởng đặc biệt (4,7%). Chúng cao hơn đáng kể so với nghiệm thức sử dụng mật rỉ đường. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng, ở các nghiệm thức sử dụng bột mì cho tỷ lệ sống cao hơn (99%), sinh khối tôm cao nhất (71,16 kg). Đồng thời, bổ sung bột mì đã cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn, dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thấp hơn (1,37) và hiệu quả sử dụng protein cao hơn (1,92). Tương tự như vậy, thành phần dinh dưỡng của biofloc cũng như chất lượng thịt tôm tốt hơn nghiệm thức bổ sung mật rỉ đường. Về các thông số vi khuẩn trong nước nuôi, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng, tổng số vi khuẩn dị dưỡng là giống nhau giữa các nghiệm thức bột mì và mật rỉ đường, không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm. Tuy nhiên, ở nghiệm thức sử dụng bột mì, tổng số vi khuẩn Vibrio (TVC) thấp hơn đáng kể (1,9 × 104 CFU/g) so với nghiệm thức bổ sung mật rỉ đường (1,32 × 105 CFU/g).

Thái Thuận

(Theo Thefishsite)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận