Quạt nước và cách vận hành hiệu quả

Trong nuôi tôm, quạt nước là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng môi trường nước và đáy cho ao nuôi, gián tiếp quyết định năng suất cho vụ nuôi.

Vai trò

Hoạt động của quạt nước làm cho dòng nước trong ao được xáo trộn, tăng tiết diện cho ôxy từ không khí khuếch tán vào nước. Đồng thời, quạt nước cũng làm cho dòng nước lưu thông, giúp phân tán lượng ôxy đồng đều đều khắp trong không gian của ao từ bề mặt xuống đáy. Hàm lượng ôxy (DO) trong nước trung bình đảm bảo cho sự phát triển bình thường của tôm là > 4 mg/l. Trong ao nuôi tôm, cần duy trì DO từ 6 – 8 mg/l là tốt nhất, không được để giảm quá mức 4 mg/l trong suốt thời gian nuôi, kể cả ban đêm.

Hoạt động của quạt nước làm dòng nước luôn luôn luân chuyển và xáo trộn nên giảm hiện tượng phân tầng nhiệt trong ao. Các yếu tố như pH, độ mặn, tảo, các vi sinh vật, các động thực vật phù du… trong ao cũng được phân tán đều khắp từ mặt ao xuống đáy ao. Đặc biệt là các yếu tố nhiệt độ, pH… trong những ngày mưa giông, nắng gắt, nhiệt độ cao.

ao-tom-shutterstock_1146036374

Ảnh: Shutterstock

Giữ thức ăn lơ lửng, không cho lắng xuống đáy ao, tiết kiệm được thức ăn; giữ cặn bã và thức ăn thừa lơ lửng, tiếp xúc nhiều hơn với ôxy, tạo điều kiện cho các vi khuẩn dị dưỡng phát triển. Các vi khuẩn này tiêu thụ amoniac và cacbohydrat từ thức ăn thừa, kết quả là nước được làm sạch. Đẩy một phần các khí có hại như N2, CH4, NH3, H2S ra khỏi nước vào không khí. Giúp hóa chất và vi sinh dùng để xử lý nước phân tán đều trong ao.

Bố trí quạt nước hợp lý còn có tác dụng tạo dòng xoáy, gom chất thải và thức ăn thừa vào giữa ao để dễ dàng xiphong ra. Kích thích tôm bắt mồi do tập tính ưa dòng chảy của tôm.

Nguyên lý hoạt động

Bộ điều khiển quạt nước cơ học là động cơ đốt trong hoặc động cơ điện, để duy trì lượng DO thích hợp cho tôm. Nguyên tắc của hệ thống là dựa vào việc tăng tốc độ khuấy đảo của các cánh quạt, chuyển ôxy từ không khí vào nước trên diện tích bề mặt ao.

Các loại

Hiện nay, trên thị trường có 3 loại quạt nước thường dùng trong ao nuôi tôm là: Quạt 2 cánh, quạt 4 cánh và quạt dạng cánh tay dài. Cấu tạo chung của quạt nước bao gồm một trục được nối với trục mô tơ điện hoặc động cơ, trên trục có lắp 10 – 15 cánh quạt. Một số loại cánh quạt thường dùng như:

– Cánh lá: Tạo dòng chảy tốt;

– Cánh mũi: Tạo ôxy tốt;

– Cánh nhím: Thường cánh này chỉ sử dụng trong các ao tôm có tính chất đặc biệt;

– Cánh nhựa: Đây là loại rẻ, dễ mua, dễ tìm nên được sử dụng nhiều trong các hộ nuôi thâm canh và bán thâm canh.

Quạt nước chạy bằng mô tơ điện 3 pha thường cung cấp ôxy tốt hơn. Khi quạt nước chạy mô tơ điện làm lượng nước tung lên khỏi mặt nước nhiều hơn nên lượng ôxy khuyếch tán từ không khí vào nước nhiều hơn.

Trường hợp mực nước ao sâu hơn 1,4 m và đang sử dụng quạt cánh lá hay quạt cánh nhựa, người nuôi nên kết hợp thêm quạt cánh nhím để cung cấp đầy đủ lượng ôxy xuống dưới đáy ao. Nhưng quạt cánh nhím chỉ phù hợp với ao nuôi đáy cát, đáy lót bạt. Nếu trường hợp ao nhiều bùn và mùn bã hữu cơ, do lực tạo dòng chảy mạnh, quạt cánh nhím sẽ làm nước ao bị đục nhanh, ảnh hưởng xấu đến hô hấp của tôm.

Tùy theo mục đích sử dụng, mô hình ao nuôi và số lượng ao mà người nuôi lắp đặt quạt nước cho phù hợp. Một quạt nước có sức tải từ 80 – 120 kg tôm trưởng thành.

Sử dụng

Trong giai đoạn tôm còn nhỏ, hoặc ao nuôi với mật độ thưa, nên bật quạt nước với vận tốc nhỏ và thời gian ngắn. Khi tôm lớn hơn, sử dụng lượng thức ăn trên 50 kg/ha/ngày thì nên bật quạt nước thường xuyên.

Đối với ao nuôi TTCT mật độ trên 40 con/m2, tôm sú trên 30 con/m2 có sử dụng thức ăn dạng viên, bắt buộc phải bật quạt nước khi mặt trời lặn và trong khoảng thời gian từ 3 – 6 giờ sáng. Riêng đối với TTCT, từ tháng thứ 2 thả tôm, người nuôi nên bật quạt nước 24/24h.

Vào ban ngày trời có nắng, ao nuôi có thể tự tạo ôxy nhiều hơn những lúc trời âm u hoặc mưa. Lúc này người nuôi nên giảm bớt thời gian chạy quạt khoảng 10 – 20% thời gian so với những ngày trời không có nắng.

Vào những lúc trời quá nóng, mưa nhỏ hoặc âm u thì cần tiến hành chạy quạt. Nếu trời mưa lớn thì xả bớt lớp nước mưa trên bề mặt rồi mới tiến hành quạt nước, như vậy sẽ tránh được sự phân tầng ôxy, nhiệt độ và độ mặn.

Sau khi cho tôm ăn, chạy quạt nước để giữ thức ăn lơ lửng, đồng thời dồn chất thải và thức ăn thừa vào giữa ao, thúc đẩy quá trình chuyển hóa amoniac thành nitrat.

Trường hợp nuôi tôm theo công Biofloc, nên chạy quạt nước liên tục suốt ngày đêm chỉ trừ lúc cho ăn.

Thanh Hiếu

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận