Quy trình nuôi sinh khối luân trùng Brachionus plicatilis do Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao thực hiện, giúp chủ động cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho các trại sản xuất giống thủy sản, tránh phụ thuộc mùa vụ và vùng nuôi.
Chuẩn bị bể nuôi
Sử dụng bể có thể tích 500 lít để nuôi sinh khối luân trùng. Bể có dạng hình trụ tròn, được đặt ở nơi hạn chế ảnh hưởng của ánh nắng và nước mưa. Bể nuôi và các dụng cụ được vệ sinh bằng cách ngâm với Chlorine với nồng độ 200 ppm trong thời gian 1 ngày, sau đó được rửa sạch lại bằng nước ngọt và phơi khô. Tiếp đến, tiến hành lắp đặt hệ thống khí cho bể nuôi với số lượng 1 dây khí/bể để đảm bảo cung cấp đủ lượng ôxy cho bể nuôi.
Xử lý nước
Nước nuôi luân trùng là nước đã xử lý được cấp vào bể nuôi với thể tích là 150 lít, chỉ tiêu chất lượng nước: pH 7 – 7,5; độ mặn nước đạt 25‰. Độ mặn của nước được thiết lập bằng cách pha muối vào nước giếng cho đến khi đạt mức yêu cầu.
Luân trùng Brachionus plicatilis dưới góc nhìn của kính hiển vi. Ảnh: Wiki
Con giống
Luân trùng nước lợ (Brachionus plicatilis) trong quy trình này có nguồn gốc từ Bỉ được lưu giữ giống bằng hệ thống ống Falcon 50 ml tại Phòng thí nghiệm nuôi thức ăn tự nhiên thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II. Trước khi tiến hành nhân nuôi, luân trùng được nuôi tăng sinh từ ống Falcon 50 ml lên đến bình thể tích 8 lít sau đó mới dùng để thả giống nuôi sinh bể ngoài trời.
Thả giống
Thả giống với mật độ 200 ct/ml, với thể tích nuôi là 150 lít thì mật độ luân trùng đạt được là 30 triệu cá thể/bể. Trước khi thả giống cần lấy nước trong bể nuôi cho chảy từ từ vào xô đựng giống cho giống quen dần với nước trong bể nuôi. Sau đó, thả vào vị trí các quả khí nhằm tránh trường hợp giống bị vón cục khi thả vào bể nuôi.
Cho ăn và chăm sóc
Bể nuôi được thay nước 30% hàng ngày vào buổi sáng. Lượng nước thay được cấp trở lại bằng tảo Nannochloropsis oculata với mật độ tảo đưa vào bể nuôi luân trùng là 6,4 – 6,8 triệu tế bào/ml. Men bánh mì dùng làm thức ăn bổ sung cho luân trùng trong các thí nghiệm là men tươi (30% trọng lượng khô) bảo quản ở 4oC. Men bánh mì được bổ sung với lượng 3 g men/triệu cá thể/ngày. Luân trùng được cho ăn bổ sung men bánh mì 2 lần/ngày vào các thời điểm 7 giờ (sau khi thay nước và đếm mật độ) và 15 giờ. Nếu nước có biểu hiện bẩn (màu nước trắng đục lâu trong trở lại) thì giảm lượng thức ăn. Sục khí liên tục trong quá trình nuôi để cung cấp đủ ôxy cho luân trùng và tránh sự lắng tụ thức ăn xuống đáy bể, giúp hiệu quả lọc thức ăn của luân trùng trong quá trình bơi lội tốt hơn.
Thu hoạch
Luân trùng trong bể được thu hoạch bằng cách hút nước nuôi của bể nuôi cấy vào các túi lọc có kích thước mắt lưới từ 50 – 70 μm. Sau khi cô đặc luân trùng, cho sục khí nhẹ, tránh sục khí quá mạnh có thể làm luân trùng bị tổn thương hoặc chết. Sinh khối luân trùng ở các bể nuôi được thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Luân trùng rất thích hợp làm thức ăn cho ấu trùng các loài động vật thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm, nghêu hoặc cá bột các loài cá cảnh như cá dĩa, cá neon, cá ông tiên Albino, cá ông tiên Ai Cập.
Lưu ý
Luân trùng Brachionus plicatilis trong quy trình được cho ăn 4 loại thức ăn khác nhau là tảo Nannochloropsis oculata, cám gạo ủ men EM gốc, men bánh mì, tảo Nannochloropsis oculata kết hợp men bánh mì. Trong đó, luân trùng được cho ăn tảo kết hợp với men bánh mì đạt năng suất cao nhất (230 ct/ml/ngày) và mật độ cực đại cao nhất (2.770 ct/ml). Mật độ luân trùng được duy trì trong suốt vụ nuôi đủ để cung cấp cho các loài ấu trùng thủy sản.
Nguyễn Hằng
Tổng hợp