Bã mía từ lâu đã được con người sử dụng làm chất đốt, thức ăn cho trâu bò và phân bón. Riêng trong nuôi trồng thủy sản, bã mía cũng có không ít các công dụng giúp ích cho tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng.
Bột bã mía ( xác mía )
Bã mía hình thành sau khi mía được ép lấy nước hoặc đường sẽ tạo ra phần xơ còn lại, còn được gọi là xác mía. Thành phần chính bao gồm sợi xơ (xenlulozơ), nước và một lượng tương đối nhỏ các chất hòa tan, chủ yếu là đường.
Bã có dạng sợi không tan trong nước, trong dung môi vô cơ hay hữu cơ thông thường. Phần bã này có màu trắng ngà, vàng nhạt, xanh nhạt, nâu nhạt hay tím nhạt tùy thuộc vào từng loại mía ban đầu.
Bã mía có phản ứng cháy, khi cháy hoàn toàn tạo thành CO2, nước, SO2,N2,… Khi đốt cháy bã sẽ tỏa ra nhiệt lượng rất lớn.
Phần bã này có màu trắng ngà, vàng nhạt, xanh nhạt, nâu nhạt hay tím nhạt tùy thuộc vào từng loại mía ban đầu.
Ứng dụng của bã mía trong đời sống
Số lượng bã mía được thải ra một ngày rất lớn, vì vậy con người đã nghiên cứu các cách để tận dụng triệt để chúng. Dưới đây là một số ứng dụng bã mía phổ biến hiện nay trong đời sống:
Dùng bã mía làm phân bón cây
Trong trồng trọt, bã mía dùng để để làm phân hữu cơ thay thế phân bón thông thường,… Hoặc dùng làm giá thể trồng nấm, nấm linh chi, nấm mèo.
Dùng bã mía làm nguyên liệu đốt
Bã mía tái chế có thể làm nguồn chất đốt cung cấp nhiệt cho nhà máy điện, lò hơi. Bằng cách đưa bã vào máy xay xay nhuyễn, sấy, rồi đưa vào máy ép viên tạo thành các viên nén ở dạng rắn chắc có đường kính 6 – 8mm, dài 15 – 30mm.
Các viên nén này có thể sử dụng trong hoạt động công nghiệp và dân dụng, làm nguồn nhiên liệu đốt cho nhiệt lượng từ 4200 – 4700 Kcal/kg.
Dùng bã mía để sản xuất bột giấy
Khi gỗ để sản xuất bột giấy đang ngày càng cạn kiệt, bị tàn phá nặng nề thì bã mía lại được xem là nguồn nguyên liệu phi gỗ thay thế hoàn hảo.
Bởi vì bã của cây mía có những đặc tính tương tự như gỗ để làm ra giấy. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu này có sẵn, thời gian canh tác ngắn ngày, không sợ tàn phá môi trường giống như khai thác gỗ.
Bột giấy làm từ bã mía hiện nay được ứng dụng rộng rãi để làm các sản phẩm như túi giấy, sản xuất ly giấy, hộp giấy, thiệp, sổ tay,…
Hộp đựng thực phẩm làm từ bã mía.
Dùng bã mía làm thức ăn chăn nuôi
Trong chăn nuôi, người ta dùng bã mía làm lót chuồng gia súc vào mùa đông. Hoặc dùng làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò, dê…
Dùng bã mía làm ván ép, chậu cảnh
Bã cây mía chứa nhiều cellulose nên được ứng dụng làm ván ép. Phần bã này được dùng làm nguyên liệu thay thế gỗ dùng làm ván ép thông thường.
Chậu bã mía thường sử dụng để ươm cây con. Hoặc đặt trong phòng thí nghiệm hoặc trồng hoa, cây cảnh thông thường. Đặc biệt, chậu bã mía thân thiện cho môi trường, dễ phân hủy thời gian ngắn chỉ 3 tháng.
Ứng dụng của bã mía trong nuôi tôm
Mô hình nuôi tôm an toàn sinh học bằng cách tận dụng bã mía được xem là giải pháp đơn giản mà hiệu quả giúp tăng năng suất, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh gây ô nhiễm.
Trong hoạt động nuôi tôm nước lợ, sự tích lũy các hợp chất hữu cơ chứa nitơ trong ao dẫn đến môi trường ao nuôi bị ô nhiễm là vấn đề thường gặp phải. Nguyên nhân là do cơ thể tôm chỉ có thể hấp thụ 20-30% protein trong thức ăn, phần còn lại sẽ thải ra môi trường bên ngoài qua phân. Cộng với việc quản lý thức ăn chưa tốt dẫn đến thức ăn dư thừa. Các hợp chất tích tụ dưới đáy ao sẽ chuyển thành amoniac (NH3).
Lợi ích của việc sử dụng bã mía trong nuôi tôm
Bã mía được sử dụng để bổ sung các khoáng chất quan trọng cho tảo, từ đó giúp tạo điều kiện tốt cho phát triển hệ vi sinh vật có lợi trong môi trường nước. Điều này không chỉ làm ổn định môi trường nước mà còn tạo ra môi trường lý tưởng cho tôm nuôi phát triển.
Đặc biệt, trong trường hợp của tôm thẻ chân trắng, việc sử dụng bã mía làm nguồn cung cấp khoáng chất có thể giúp tăng cường sức kháng của tôm và thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, phương pháp này giúp ổn định chỉ số pH và độ kiềm trong nước ở mức phù hợp, tạo điều kiện lý tưởng để tôm phát triển và tránh các tác nhân có thể gây hại cho chúng.
Anh Trần Phúc Hậu, người sáng chế ra chế phẩm sinh học từ bã mía. Ảnh: chephamsinhhoc
Quy trình nuôi tôm bằng bột bã mía
Mỗi ao nuôi có diện tích từ 2.000 – 5.000 m2, thực hiện các bước cải tạo ao nuôi giống với các kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thông thường.
– Bột bã mía được áp dụng sau khi cải tạo ao bằng việc gây màu nước theo liều lượng 1 kg/100 m3 nước. Những ao thuần thì bón bã mía 5 ngày/ 1 lần. Còn đối với những ao nuôi bị chai nền đáy thì cần tiến hành bón bã mía 2 ngày/ 1 lần.
– Chọn giống tốt bởi các nhà cung cấp uy tín, mật độ thả tôm thẻ chân trắng từ 30 – 35 con/m2, tôm sú 8 – 12 con/m2.
– Trong 2 tháng đầu tiên, bón định kỳ bột bã mía theo liều lượng 10 kg/1000 m3 nước ao mà không cần phải sử dụng bất kỳ loại chế phẩm sinh học hay khoáng chất nào cho ao nuôi tôm.
– Trước 1 ngày và sau 2 ngày sử dụng bột bã mía cần tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi như độ pH, độ kiềm và mật độ vi khuẩn trong nước.
– Sau 2 tháng nuôi, khi mà lượng chất thải tích tụ đáy ao nuôi nhiều hơn lúc ban đầu thì người nuôi cần định kỳ đánh bột bã mía và bổ sung thêm chế phẩm sinh học để đảm bảo môi trường ao nuôi ổn định cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm.
– Tôm thẻ chân trắng nuôi từ 3 – 4 tháng và tôm sú từ 5 – 6 tháng có thể tiến hành thu hoạch được.
Khi nuôi tôm bằng bột bã mía người nuôi cần phải thường xuyên theo dõi màu nước, các chỉ tiêu môi trường để có sự điều chỉnh liều lượng sử dụng bột bã mía sao cho phù hợp.
Với tình hình nuôi tôm cùng với vô vàng các hóa chất như hiện nay, thì phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học thật sự rất hữu ích. Sử dụng bột bã mía trong nuôi tôm không chỉ giúp tăng cường năng suất mà còn là cách tiết kiệm và hiệu quả về chi phí.
Hy vọng rằng với những hướng dẫn trên, bạn có thể áp dụng bột bã mía một cách hiệu quả trong hệ thống nuôi tôm của mình và đạt được năng suất cao nhất.