Xuất khẩu thủy sản đang có những tín hiệu phục hồi. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Xuất khẩu thủy sản đang có những tín hiệu tốt hơn trong nửa cuối năm. Để đón đầu những cơ hội này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP ), cho rằng, trước hết, ngành thủy sản cần tập trung giải quyết vấn đề lớn nhất là nguyên liệu. Mục tiêu là làm sao đảm bảo được về sản xuất nguyên liệu thủy sản để có đủ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu khi thị trường bước vào giai đoạn phục hồi.
Về thị trường, các doanh nghiệp cần giữ liên lạc chặt chẽ với các nhà nhập khẩu nhằm giữ được các thị trường có nhu cầu lớn. Qua đó, có thể đẩy mạnh xuất khẩu ngay khi thị trường phục hồi. Đặc biệt phải chú ý tới thị trường Trung Quốc trong thời gian từ nay đến cuối năm vì thị trường sẽ có sự phục hồi tương đối nhanh thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại cần được tiếp tục chú trọng thực hiện để mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản cần tiếp tục củng cố về chất lượng sản phẩm thông qua việc lấy các chứng nhận quốc tế và phát triển kinh tế xanh. Ông Hòe tin rằng với sự tập trung của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, xuất khẩu thủy sản sẽ có kết quả tốt hơn trong những tháng tới.
Không dừng ở đó, điều quan trọng hơn với ngành thủy sản là bắt đầu ngay từ bây giờ tiến hành nghiên cứu rất kỹ cho hoạt động xuất khẩu của năm 2024 và những năm tiếp theo. Theo ông Hòe, để hướng tới việc xuất khẩu tốt hơn trong những năm tới, thì phải quan tâm hơn nữa tới người nuôi thủy sản là lực lượng đang tạo ra khoảng 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản.
Theo đó, việc quan tâm nhiều hơn tới người nuôi không chỉ ở góc độ giúp họ tiếp cận vốn và một số vấn đề khác, mà còn phải giúp người nuôi giảm thiểu rủi ro trong quá trình tiếp cận với các nguồn cung cấp vật tư đầu vào cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Hiện VASEP đang cố gắng có những hoạt động, những thông tin giúp cho người nuôi thủy sản thấy yên tâm hơn để đóng góp phần quan trọng vào chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu.
Với ngành tôm, TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho rằng, trong tình hình khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp chế biến tôm cần có sự xem xét, tính toán lại để làm sao có được một bản lĩnh vượt qua khó khăn một cách chủ động và nhanh chóng hơn trong thời gian tới.
Theo TS Hồ Quốc Lực, ngoài giải pháp trước mắt là phải tính toán lại chiến lược về thị trường, sản phẩm, khách hàng… thì rất cần sự chuẩn bị sâu xa hơn ở các doanh nghiệp. Trước hết là tích cực liên kết trong ngành hàng. Chẳng hạn giữa doanh nghiệp và nông dân cần có sư trao đổi thông tin để việc nuôi tôm được tốt hơn, doanh nghiệp có thể mua được sản phẩm phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tính toán phát triển theo chiều sâu để giữ được thị trường, khách hàng. Bởi hiện nay, các hệ thống phân phối cao cấp lớn trên thế giới ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về việc nhà cung ứng có tổ chức được chuỗi giá trị đáp ứng được yêu cầu tất yếu của người tiêu dùng trên thế giới hiện nay hay không. Đó là sản phẩm được làm ra, được kiểm soát như thế nào, có ảnh hưởng tới môi trường, có tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên, có ảnh hưởng tới người lao động…
TS Hồ Quốc Lực nhấn mạnh, nếu không chủ động phát triển theo chiều sâu, nhất là đáp ứng bộ tiêu chí Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) đang được áp dụng ở nhiều thị trường lớn, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất khách hàng là những nhà phân phối cao cấp sẵn sàng mua với giá tốt, phải tìm tới những nhà phân phối cấp thấp với giá mua thấp. Khi ấy, doanh nghiệp không có khả năng chia sẻ trong chuỗi giá trị, không thể nâng tầm cho ngành hàng.