Thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím ở miền Bắc

Thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím (Channa sp.) được tiến hành tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam bao gồm 3 thí nghiệm: Thí nghiệm 1 (đối chứng) thử nghiệm sinh sản tự nhiên cá lóc đầu nhím – không tiêm kích dục tố; thí nghiệm 2 và 3 thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím sử dụng kích dục tố LRHa+DOM và não thùy thể kết hợp HCG.

Kết quả cho thấy thí nghiệm 3 đạt kết quả cao nhất: tỷ lệ cá đẻ: 100%, tỷ lệ thụ tinh: 65%, tỷ lệ nở: 72%. Thí nghiệm 2 cho tỷ lệ cá đẻ: 100%, tỷ lệ thụ tinh: 60%, tỷ lệ nở: 54%. Thí nghiệm 1 cho tỷ lệ cá đẻ: 66,7%, tỷ lệ thụ tinh: 65%, tỷ lệ nở: 70%.  Sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím rất khả thi và có triển vọng phát triển tại miền bắc Việt Nam.

Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, ngành thủy sản nước ta nói chung và nghề nuôi thủy sản nước ngọt nói riêng đã có những bước tiến quan trọng và ngày càng có vị trí quan trọng trong ngành kinh tế quốc dân. Cá lóc đầu nhím (Channa sp.) là loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, ít xương dăm, hợp khẩu vị đông đảo người tiêu dùng nên chúng đã trở thành đối tượng được quan tâm đặc biệt. Mặc khác, cá dễ nuôi, nuôi được với mật độ cao, có sức chịu đựng tốt với các điều kiện xấu của môi trường, chịu được hàm lượng oxy thấp, dễ vận chuyển, nên việc nuôi cá lóc đã phát triển mạnh trên phạm vi cả nước (Phạm Văn Khánh, 2003). Cá lóc đầu nhím là con lai giữa cá lóc đen (Channa striatus, Block, 1793) và cá lóc môi trề (Channa sp.) (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương , 1993). Trên thế giới, nghề nuôi cá lóc đã phát triển mạnh ở các quốc gia nhiệt đới. Tại Thái Lan và Hồng Kông,cá lóc được nuôi bán thâm canh trong ao đất, thời gian nuôi từ 4 – 6 tháng với các loại thức ăn như bột cá, tấm, cám.

Theo Mai Đình Yên (1992), cá lóc đầu nhím có cơ quan hô hấp phụ nên có khả năng chịu đựng với điều kiện môi trường thiếu oxy như đầm lầy, bùn, ao tù đọng có khả năng nuôi thâm canh với mật độ cao. Thức ăn của cá lóc đầu nhím là các loài cá có kích thước nhỏ, giáp xác, nhuyễn thể, côn trùng… Ngoài tự nhiên, cá lóc đầu nhím phân bố ở nhiều thủy vực như sông, kênh rạch, ao, mương, đồng ruộng… cá lóc đầu nhím tăng trưởng tốt ở nhiệt độ 25 – 30oC và pH 6,3 – 7,5, Kể từ khi thả nuôi đến khi thu hoạch khoảng năm tháng cá lóc đầu nhím có thể đạt trọng lượng từ 0,6 – 1 kg/con. Đây là ưu thế để phát triển các mô hình nuôi thâm canh trong bè hoặc trong mương, ao.Vì vậy khả năng thích ứng nhiệt độ ở miền Bắc là có cơ sở. Việc đưa cá lóc đầu nhím trở thành đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao tại miền Bắc là giải pháp hữu ích về nhiều mặt, góp phần đa dạng hoá sản phẩm thuỷ sản có chất lượng đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng..

Cá lóc là loài cá dữ có kích thước tròn dài. Lược mang dạng hình núm. Thực quản ngắn, vách dày, bên trong thực quản có nhiều nếp nhăn. Dạ dày to hình chữ Y. Cá là loài cá dữ, ăn động vật điển hình. Theo Dương Nhựt Long (2005), khi giải phẫu ống tiêu hóa của cá lóc cho thấy cá chiếm 63,01%; tép 35,94%; ếch nhái 1,03% và 0,02% là bọ gạo; côn trùng và mùn bã hữu cơ. Chúng ăn mạnh vào mùa hè, khi nhiệt độ giảm xuống dưới 12oC cá ngừng kiếm ăn.

Ở ĐBSCL, trong điều kiện tự nhiên, cá lóc thành thục sinh dục sớm khoảng 8 – 12 tháng tuổi. Sức sinh sản phụ thuộc vào khối lượng cá cái, bình quân giao động từ 5.000 – 10.000 trứng/tổ đối với cá có khối lượng 0,5 – 0,8 kg và 10.000 – 15.000 trứng/tổ đối với cá có khối lượng từ 1 – 1,5kg (Nguyễn Văn Kiểm, 2005; trích bởi Nguyễn Hữu Nhẹ, 2010). Theo Ngô Trọng Lư (2002), mùa sinh sản của cá từ tháng 4 – 8, tập trung vào tháng 4 – 5, cá có thể đẻ khoảng 5 lần/năm. Cá thường đẻ nơi yên tĩnh có cây cỏ thủy sinh, đẻ vào sáng sớm, sau những trận mưa rào 1 – 2 ngày. Trước khi đẻ, cá làm tổ hình tròn, đường kính khoảng 40 – 50 cm.

Trong quá trình nuôi vỗ cá đực thành thục sớm hơn cá cái, cá đực thành thục sớm nhất là tháng 4 – 5, trong khi sự thành thục sinh dục tốt nhất ở cá cái là tháng 5 – 6 (Nguyễn Văn Triều, 1999)

Hiện nay nguồn cung cấp giống cá lóc đầu nhím cho thị trường miền Bắc chủ yếu chuyển từ miền Nam và Trung Quốc do đó nguồn giống không chủ động, khó kiểm soát được chất lượng giống và dịch bệnh.

Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Cá Lóc đầu nhím (Channa sp.) bố mẹ được tuyển chọn sau khi nuôi thuần hóa, cá có kích cỡ từ 0,5 – 1 kg/con.

2.2. Thời gian và địa điểm

Thí nghiệm được tiến hành từ tháng 12/2016 đến tháng 09/2017 tại Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

2.3.1. Sinh sản nhân tạo

Cá lóc đầu nhím bố mẹ tuyển chọn để được nuôi vỗ trong ao xi măng rộng 300 m2 với mật độ 2 con/m2 từ tháng 12/2016. Tiêu chuẩn tuyển chọn cá bố mẹ: cá cái 800 – 1.000 g/con, cá đực 500 – 700 g/con. Cá mạnh khỏe, vây vẩy nguyên vẹn, nhiều nhớt, không có dị tật, không có biểu hiện của nhiễm bệnh ngoại ký sinh. Nuôi vỗ cá bố mẹ bằng thức ăn cao đạm dành cho cá lóc của CJ với độ đạm 40%, khẩu phần thức ăn 3 – 5% trọng lượng cá/ngày. Trong quá trình cho cá ăn, chúng tôi đã theo dõi hoạt động bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Chọn cá bố mẹ thành thục để chuẩn bị cho sinh sản. Chọn cá đực có thân thon dài, sẫm màu, thân cá đực có màu đậm hơn cá cái, cơ quan sinh dục của con đực nhỏ hơn con cái. cá cái có bụng to, tròn đều, dùng que thăm trứng để lấy trứng ra kiểm tra, trứng tròn đều màu vàng tươi.

Nghiên cứu cứu sinh sản được tiến hành bằng 3 thí nghiệm, mỗi thí nghiệm lặp lại 3 lần, đơn vị thí nghiệm là 1 cá thể cá đực hoặc cá cái được sử dụng kích dục tố. Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên.

Thí nghiệm 1:  Sinh sản tự nhiên, cho cá bố mẹ thành thục vào bể đẻ và chỉ kích mưa nhân tạo

Thí nghiệm 2:  Sinh sản nhân tạo sử dụng LRHa + DOM

– Đối với cá cái: 50µg LRHa/kg cá + 10mg DOM/kg cá tiêm 1 liều duy nhất

– Đối với cá đực:

+ Liều khởi động:  20µg LRHa/kg cá + 4mg DOM/kg cá

+ Liều quyết định: 130µg LRHa/kg cá +18mg DOM/kg cá

Thí nghiệm 3:  Sinh sản nhân tạo sử dụng kích dục tố não thùy + HCG.

– Liều khởi động:

+ Cá đực: Lần 1 tiêm não thùy cá chép 1mg/kg cá + 500 IU HCG /kg cá. Lần 2 (sau 24 giờ) tiêm 1000 IU HCG /kg cá

+ Cá cái: không tiêm, tạo giàn phun mưa, thả giá thể 

– Liều quyết định

+Cá đực: sau khi tiêm lần 2 (sau 8 giờ), liều 1500 IU HCG /kg cá

+ Cá cái: tiêm 1 lần cùng với lần tiêm thứ 3 của cá đực não thùy thể cá chép 2mg/kg cá + 1000 IU HCG/kg cá

Các chỉ tiêu theo dõi:

Tỷ lệ cá đẻ (%) = (Số cá sinh sản / Tổng số cá cho sinh sản) x 100

Tỷ lệ thụ tinh (%) = (Số lượng trứng thụ tinh /Số lượng trứng theo dõi) x 100

Tỷ lệ nở (%) = (Số lượng trứng nở / Số lượng trứng thụ tinh) x 100

Tỷ lệ ra bột (%) = (Số lượng cá bột /Số lượng cá mới nở) x 100

2.4. Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu thí nghiệm được xử lý theo phương pháp thống kê trên phần mềm Excel 2010.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Các chỉ số môi trường theo dõi trong thí nghiệm

Bảng 3.1 Chỉ tiêu nhiệt độ, oxy và pH trong quá trình thí nghiệm

Nhiệt độ

DO

pH

7h

14h7h14h7h14h
27,63 ± 0.47928,95 ± 0,8236,23 ± 0,3866,6 ± 0,3467,4 ± 0,258

7,9 ± 0,320

Giá trị thể hiện là số trung bình và độ lệch chuẩn

Nhiệt độ môi trường có tác động trực tiếp đến đời sống của cá, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và sinh sản của cá. Bên cạnh đó, pH cũng là một yếu tố môi trường quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cá. Trong quá trình thí nghiệm, nhiệt độ nước trong ao dao động từ 24,8 – 29,50 C, pH từ 7,5 – 8,1 và ôxy từ 4,7 – 6,5.Theo Trương Quốc Phú (2006), thì nhiệt độ thích hợp cho tôm cá phát triển là từ 25 – 320 C và pH thích hợp trong khoảng 6,5 – 9 và ôxy trên 3 mg/l. Với kết quả trên thì nhiệt độ, ôxy và pH phù hợp cho cá sinh sản.

3.2. Kết quả sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím

Kết quả sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím ở các thí nghiệm được trình bày ở Bảng 3.2.

Bảng 3.2. Kết quả sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím

Thí nghiệm

Tỷ lệ cá cái đẻ trứng 

(%)

Thời gian hiệu ứng thuốc 

(giờ)

Tỷ lệ thụ tinh

(%)

Tỷ lệ nở

(%)

Tỷ lệ ra bột 

(%)

1

66,722,37 ± 0,3565 ± 1,27a70 ± 1,68b

83,2 ± 1,37a

2

10028,36 ± 1.2760 ± 1,53a54 ± 1,48a78,7 ± 1,25a
310025,85 ± 0,8265 ± 1,18a72 ± 1,51b

82,5 ± 1,07a

Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ cái mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với P <0,05

Kết quả thí nghiệm cho thấy, Thí nghiệm 2 (sử dụng LRHa + DOM) và thí nghiệm 3 (não thùy + HCG) cho tỷ lệ cá cái đẻ trứng là 100% còn thí nghiệm 1 (sinh sản tự nhiên) cho tỷ lệ đẻ trứng là 66,7%.

Tỷ lệ cá đẻ có sự chênh lệch nhau, trong thí nghiệm 1 (cá đẻ tự nhiên) đạt 66,7%, trong khi đó thí nghiệm 2 và 3 là 100%. Nguyên nhân là do thời gian của đợt sinh sản không phải thời gian thích hợp cho đẻ tự nhiên của cá lóc nên có tỷ lệ đẻ thấp. Thí nghiệm cũng chỉ ra rằng khi sử dụng kích dục tố cá đẻ đồng loạt hơn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian hiệu ứng thuốc của cá lóc nhím xảy ra dài nhất ở thí nghiệm 2 (28,36 giờ), tiếp đến là thí nghiệm 3 (25,85 giờ) và ngắn nhất là thí nghiệm 1 (22,37 giờ). Theo Nguyễn Tường Anh (1999), LRHa là chất kích thích sinh sản có tác động gián tiếp lên tế bào sinh dục thông qua tuyến yên tiết kích dục tố gây chín và rụng trứng ở cá. Vì thế, kết quả thí nghiệm về thời gian hiệu ứng khi sử dụng LRHa kích thích cho cá lóc sinh sản kéo dài hơn khi sử dụng não thùy và HCG là phù hợp với nguyên lý chung trong việc dùng kích thích sinh sản.

Tỷ lệ thụ tinh của trứng ở thí nghiệm 1 và thí nghiệm 3 đều là 65% và cao hơn thí nghiệm  2 (60%), nhưng sai khác không có ý nghĩa thống kê (P>0,05).

Tỷ lệ nở cao nhất ở thí nghiệm 3 (72%) và thấp nhất ở thí nghiệm 2 (54%), sai khác có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Tỷ lệ nở ở thí nghiệm 1 (70%) và thí nghiệm 3 (72%) là tương đương nhau, sai khác không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Tỷ lệ nở trong thí nghiệm 3 (sử dụng kích dục tố HCG+ não thùy) cao hơn nhiều trong thí nghiệm 2 (sử dụng kích dục tố LRHa + DOM). Kết quả này giống kết quả của Bùi Minh Tâm và ctv (2008). Bùi Minh Tâm và ctv (2008) cho rằng đối với cá lóc, khi sử dụng đơn thuần HCG để kích thích cá sinh sản không mang lại hiệu quả sinh sản cũng như hiệu quả kinh tế về sản xuất giống. Việc bổ sung não thùy vào thành phần kích dục tố khi tiêm cho cá sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế, sinh học. Sử dụng phương pháp tiêm cá đực trước cá cái và tiêm 2 lần, mỗi lần cách nhau 24 giờ đối với cá đực với tổng liều là 2.000 UI; đối với cá cái thì chỉ tiêm một liều duy nhất là 500 UI cái kết hợp với 1 não thùy/kg cùng thời điểm tiêm lần 2 trên cá đực thì cá đẻ rất tốt.

Tỷ lệ ra bột ở các thí nghiệm tương đối cao, tỷ lệ ra bột cao nhất ở thí nghiệm 1 (83,2%), tiếp đến thí nghiệm 3 (82,5%) và thấp nhất là thí nghiệm 2 (78,7%).

Theo Nguyễn Thành Nghĩa (2011), đã cho cá lóc sinh sản bằng kích thích tố HCG tiêm một lần duy nhất với liều lượng: ở con đực 3.000 UI/kg, ở con cái 1.000 UI/kg đã thụ được các chỉ tiêu như: thời gian hiệu ứng thuốc là 19 giờ; tỷ lệ đẻ là 100%; tỷ lệ thụ tinh 76% và tỷ lệ nở là 92%. Thời gian hiệu ứng thuốc trong thí nghiệm của đề tài cao hơn (trên 25 giờ). Điều này là phù hợp do nhiệt độ trong thời gian cho cá lóc đẻ nhân tạo trong thí nghiệm tương đối cao (27,63 – 28,95oC). Theo Nguyễn Văn Kiểm (2004), nhiệt độ càng cao (trong giới hạn cho phép) sẽ thúc đẩy quá trình sinh sản của cá và ngược lại. Tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở thấp hơn so với kết quả của Nguyễn Thành Nghĩa (2011).

Như vậy, liều lượng kích dục tố đã ảnh hưởng tới thời gian gây hiệu ứng kích thích sinh sản của cá, nhưng ảnh hưởng không đáng kể đến tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ ra bột như trong thí nghiệm. Tỷ lệ nở cao nhất ở thí nghiệm 3 (72%) khi sử dụng não thùy và HCG.

anh-1

Hình 3.2. Các giai đoạn phát triển của phôi cá lóc đầu nhím

4. Kết luận

Để chủ động về số lượng và con giống cá lóc đầu nhím (Channa sp.) ở miền Bắc Việt Nam cần áp dụng biện pháp sinh sản nhân tạo. 

Sử dụng kích dục tố LRHa + DOM cho kết quả tỷ lệ nở thấp hơn khi sử dụng kích dục tố não thùy cá chép kết hợp HCG trong sản xuất giống cá lóc đầu nhím. 

Sử dụng kích dục tố não thùy cá chép kết hợp HCG với liều lượng  như trong thí nghiệm 3 đem lại hiệu quả  trong sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím; thời gian hiệu ứng của thuốc trung bình là 25,85 giờ; tỷ lệ đẻ cao trên 100%. Tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở và tỷ lệ ra bột lần lượt là: 65 %, 72% và 82,5%.

Nguyễn Công Thiết, Lê Thị Hoàng Hằng

Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Văn Khánh, 2003. Kỹ thuật nuôi một số loài cá xuất khẩu. NXB Nông Nghiệp TP Hồ Chí Minh. 71 trang.
  2. Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993. Định loại cá nước ngọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Đại học Cần Thơ. 360 trang.
  3. Mai Đình Yên, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Thiện, Lê Hoàng Yến và Hứa Bạch Loan, 1992. Định loại cá nước ngọt Nam Bộ. NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 350 trang.
  4. Nguyễn Tường Anh, 1999. Một số vấn đề về nội tiết học sinh sản cá. Nhà xuất bản Nông nghiệp. Hà Nội. 238 trang.
  5. Ngô Trọng Lư, 2002. Kỹ thuật nuôi cá quả, cá chình, chạch, cá bống bớp, lươn. Nxb khoa học và kỹ thuật. Hà Nội, tr: 5-15.
  6. Trương Quốc phú, Nguyễn Lê Hoàng Yến và Huỳnh Trường Giang, 2006. Giáo trình quản lý chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản. Khoa Thủy sản, trường Đại Học Cần Thơ. 199 trang.
  7. Bùi Minh Tâm, Nguyễn Thanh Phương và Dương Nhựt Long, 2008. Ảnh hưởng của liều lượng và phương pháp tiêm HCG đến sinh sản bán nhân tạo cá lóc bông (Channa micropeltes). Tạp chí khoa học, Đại học Cần Thơ, Q2: 76-81.
  8. Nguyễn Thành Nghĩa, 2011. Thực nghiệm sản xuất giống cá lóc (Channa sp) ở Huyện Tri Tôn và Tịnh Biên Tỉnh An Giang. Luận văn tốt nghiệp đại học ngành nuôi trồng thủy sản – Khoa Thủy Sản – Trường đại học Cần Thơ.
  9. Dương Nhựt Long, 2005. Giáo trình kỹ thuật nuôi cá nước ngọt. Khoa Thủy Sản – Trường đại học Cần Thơ.
  10. Nguyễn Văn Kiểm, 2004. Giáo trình kỹ thuật sản xuất cá giống. Khoa Thủy Sản – Trường đại học Cần Thơ.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận