Thức dậy thủy sản Bình Phước [Bài 4]: Bảo tồn đặc sản cá nước ngọt

Trại giống Thủy sản tỉnh Bình Phước tự hào sản xuất thành công hàng trăm ngàn con cá giống lăng nha mỗi năm – loại đặc sản đắt giá, nhưng tạo giống rất khó khăn.

Bắt cá sinh sản

Sông Bé là phụ lưu quan trọng của hệ thống sông Đồng Nai với sự đa dạng sinh thái khá cao, dòng sông này sở hữu tới hàng trăm loài cá có giá trị về kinh tế và ý nghĩa về khoa học, trong đó phải kể đến cá lăngình 

Đây là loài cá có chất lượng thịt thơm ngon, không có xương dăm nên rất có giá trị thương phẩm và giá bán khá cao, được xem là một trong những loài đặc sản của nước ngọt.

dscn9608-173432_700

Cá lăng, mệnh danh cá đặc sản nước ngọt phân bố trên hệ thống sông Đồng Nai, sông Bé, sông Mê Kông và một số con sông tại Tây Nguyên. Ảnh: Trần Trung.

Tuy nhiên, cũng giống như các con sông khác, nguồn lợi thủy sản đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng khi các đập thủy điện liên tục hình thành trên dòng chính của sông làm thay đổi dòng chảy và môi trường sinh thái. Song song đó là nạn đánh bắt tận diệt. Để bảo tồn giống cá quý, từ năm thập niên 90 của thế kỷ trước, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu sinh học loài cá này.

Đến những năm 2.000, riêng Khoa Thủy sản trường Đại học Nông lâm TP. HCM đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá lăng nha, với nguồn cá bố mẹ được lấy từ lòng hồ thủy điện Thác Mơ, tỉnh Bình Phước. Từ đây chuyển giao công nghệ sinh sản đối tượng này cho rất nhiều nơi trong đó có Trung tâm Thủy sản, nay là Trại thủy sản thuộc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước.

Tuy nhiên, nhận chuyển giao công nghệ thì nhiều, nhưng đi vào hoạt động sản xuất thành công đối tượng này để cung ứng con giống ra thị trường là rất hạn chế.

dscn9146-172948_5011462132304190848137

Một góc Trại giống Thủy sản Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Tấn Phước, Phó phòng Nghiệp vụ – Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước, nguyên Giám đốc Trung tâm Thủy sản Bình Phước, quá trình sản xuất con giống cá lăng nha đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến, cơ sở hạ tầng tốt, kinh nghiệm lâu năm mới đáp ứng được, nên rất nhiều nơi nhận chuyển giao nhưng dừng hoạt động sản xuất do không hiệu quả.

“Sở dĩ việc sinh sản cá lăng nha tương đối khó khăn ngoài các yếu tố kỹ thuật như chuẩn xác trong liều lượng cũng như chất lượng kích dục tố sinh sản, thì còn phụ thuộc khẩu phần ăn của đàn cá bố mẹ có đảm bảo để lên tinh, lên trứng không bị hư.

Nếu nuôi với khẩu phần ăn thông thường như nuôi cá lăng trong bè thì hoàn toàn không tham gia sinh sản được. Bên cạnh đó, thời tiết trong từng đợt sinh sản cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở. Từ khi cá nở đến lúc đạt kích cỡ cá giống trải qua các giai đoạn chuyển đổi thức ăn từ moina sang trùng chỉ, rồi đến cám tổng hợp là quả một quá trình luyện thích ứng cho đàn cá con.

Chính vì phải thay đổi thức ăn nên phụ thuộc rất nhiều vào lượng thức ăn tự nhiên là moina, trùng chỉ, một nguồn thức ăn không phải lúc nào cũng có sẵn để cung cấp cho các đợt sinh sản. Nếu nguồn thức ăn này thiếu hụt trầm trọng thì xem nhưng đợt sinh sản đó là không thành công. Quá trình huấn luyện chuyển đổi qua ăn thức ăn viên để sau này xuất bán cho người nuôi thuận tiện chăm sóc mà không cần phải huấn luyện lại cũng đòi hỏi rất kiên trì”, ông Phước chia sẻ.

dscn9131-174014_10810716142402293596573

Cán bộ Trại giống Thủy sản Bình Phước chuẩn bị cung ứng giống cho người dân địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Nhằm bảo tồn bằng được giống cá đặc sản này, bằng nhiều phương thức nghiên cứu, đến nay, Trại giống Thủy sản tỉnh Bình Phước tự hào là một trong những số ít đơn vị duy trì ổn định quá trình sản xuất cá lăng nha giống hàng năm. Đây là nơi cung ứng nguồn giống bổ sung vào tự nhiên, đồng thời cung cấp con giống cho người nuôi, duy trì món đặc sản cá lăng nha mà nhiều nhà hàng, quán ăn rất ưa chuộng này.

“Trại có đàn lăng nha cá bố mẹ hùng hậu, thường xuyên nuôi đàn hậu bị để thay thế những con già, sinh sản kém để luôn có đàn cá bố mẹ tốt nhất tham gia vào sinh sản hàng năm. Năng lực sản xuất hàng năm của trại khoảng 4-5 triệu cá bột, 200 ngàn con giống cung cấp cho người nuôi bè trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khác như Đắk Nông, Đăk Lắk, Đồng Tháp…”, ông Nguyễn Tấn Phước cho biết thêm.

Cần cơ chế phù hợp

Theo ông Hoàng Mạnh Hùng – Phó trưởng Trại giống cây trồng – vật nuôi kiêm quản lý trại thủy sản, hiện trại thủy sản đang quản lý, chăm sóc, nuôi giữ 8 loài thủy sản bố mẹ, gồm cá lăng nha, cá chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính, mè hoa, mè trắng, cá trê và ếch. Mỗi loài cá có một phương pháp sinh sản khác nhau, có thể sử dụng phương pháp đẻ nhân tạo hoặc bán nhân tạo bằng cách chích kích thích dục tố cho cá đẻ.

Để có được những giống cá đảm bảo chất lượng cung ứng cho nông dân, trại thủy sản đã tuân thủ các nguyên tắc làm giống. Đầu tiên là việc chọn cá bố mẹ, phân loại các cặp cá bố mẹ và áp dụng chế độ ăn phù hợp cho từng loại cá. Tiếp đó là cải tạo ao, bơm cạn nước diệt cá tạp, hút bớt bùn, sau đó rắc vôi khử phèn, bón phân chuồng để tạo dinh dưỡng trong nước, khi nước chuyển màu xanh lá chuối non thì thả cá bột, sau 50-60 ngày cá giống có thể xuất bán.

dscn9178-174317_1596352920014263806117

Người dân thả cá giống nhận từ Trại giống Thủy sản Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Trong 6 tháng đầu năm nay, trại thủy sản đã sản xuất gây giống được hàng triệu cá bột các loại cung cấp cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản của người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, trung tâm còn khảo sát và liên kết cung ứng giống với các cơ sở kinh doanh giống trên địa bàn.

“Để phong trào nuôi thủy sản nước ngọt ở Bình Phước phát triển, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, việc sản xuất và cung ứng giống các loài thủy sản của trại thủy sản là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư sản xuất giống thủy sản nước ngọt nhiều hơn nhằm tạo sự chủ động cho việc nuôi thủy sản thương phẩm trong nhân dân. Đồng thời, khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản nước ngọt.

Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật và nhân rộng các điển hình nuôi thủy sản nước ngọt có hiệu quả kinh tế cao để mọi người dân nắm bắt và áp dụng”, ông Nguyễn Tấn Phước nhấn mạnh.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận