Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: ‘Tinh thần là phải xây dựng hình tượng lực lượng Kiểm ngư chính quy, hiện đại. Có như vậy mới đảm bảo được nhiệm vụ’.
Một tàu cá “chở” nhiều thiết bị hành trình
Tại cuộc họp giao ban Cục Kiểm ngư tháng 8 diễn ra sáng 6/9 tại Hà Nội, ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, thông tin, 8 tháng đầu năm 2023, Cục Kiểm ngư đã có nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng chương trình, đề án, dự án và văn bản quy phạm pháp luật; công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác thường trực chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (IUU); hợp tác quốc tế; cải cách hành chính, tổ chức cán bộ…
Riêng với công tác tuần tra , kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trên biển, 8 tháng đầu năm 2023, Chi cục Kiểm ngư vùng I, vùng V đã thực hiện 14/28 chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đối với 577 lượt tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, trong đó 33 tàu vi phạm. Xử phạt vi phạm hành chính trên 2 tỷ đồng.
Hàng tháng có 30 tàu kiểm ngư trực trên các vùng biển giáp ranh để ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hành vi vi phạm , phổ biến như: giấy phép khai thác đã hết hạn, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hết hạn, không đầy đủ bằng thuyền trưởng, máy trưởng; khai thác hải sản sai vùng, sai tuyến, nhất là tàu lưới kéo vào khai thác ở vùng bờ vùng lộng; vượt ranh giới khai thác ở vùng biển của quốc gia khác; tắt thiết bị giám sát hành trình (VMS); một tàu mang theo nhiều thiết bị hành trình của tàu khác…
Cùng các lực lượng tháo gỡ “thẻ vàng”
Đề xuất các giải pháp để tăng cường hiệu quả của công tác kiểm ngư trong thời gian tới, ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản, nói: “Cục Kiểm ngư cần xác minh thông tin tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, từ đó xác định các tàu cá vi phạm đưa vào danh sách tàu cá IUU để Cục Thủy sản đăng tải trên website phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”.
“Bên cạnh đó trong các chuyến tuần tra, kiểm tra , kiểm soát trên biển sắp tới cần tập trung vào các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; các tàu vi phạm quy định duy trì kết nối hệ thống VMS; và các tàu chuyển tải trên biển, neo đậu ở các đảo không vào bờ nhằm trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng tại cảng cá”, ông Hải đề xuất thêm.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết: Từ nay đến tháng 10/2023, dự kiến sẽ có 4 chuyến của tổ công tác liên ngành kiểm tra. Cụ thể, chuyến thứ nhất là tại Tiền Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu, thứ hai là Quảng Ngãi và Quảng Nam, thứ ba là Bến Tre – Bạc Liêu và thứ tư là Ninh Thuận – Bình Thuận.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Như chúng ta biết, lực lượng Kiểm ngư tuy cũ nhưng mà mới, mới nhưng lại cũ, là một lực lượng chấp pháp dân sự mới thành lập theo góc độ tổ chức hành chính của Bộ NN-PTNT . Cũ thì đã có Cục Kiểm ngư trực thuộc Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên vị trí pháp lý và chức năng nhiệm vụ hiện khác hẳn ngày xưa. Theo đó phải tiến tới chính quy, hiện đại”.
Thứ trưởng chỉ đạo, thời gian tới, Cục Kiểm ngư có nhiều việc, nhiều nhiệm vụ phải thực hiện. Cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tận dụng kinh nghiệm của các chuyên gia để sớm kết thúc quy hoạch khai thác thủy sản trình Chính phủ. Về điều tra đánh giá nguồn lợi vùng nước sâu phải có lịch trình cụ thể, đừng nói để đấy. Về bảo tồn biển, hiện đang phá nhiều hơn bảo tồn, đừng kể thành tích, “hiến kế” để giải quyết ngay những vấn đề còn tồn tại.
Về IUU, phải khẳng định lô hàng xuất khẩu 7 tấn cá kiếm của một số doanh nghiệp vi phạm đã bị xử phạt nghiêm. Ngoài những vấn đề đã chấp hành khi Ủy ban châu Âu (EC) thanh tra rồi, cần làm rõ, cụ thể những vấn đề như truy xuất nguồn gốc, tàu mất kết nối VMS …
Về công tác kiểm ngư, sinh ra kiểm ngư là để thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư, chứ không phải thích đi đâu thì đi, thích về lúc nào thì về. Cần xác định rõ mục tiêu đi làm gì, phải phối hợp với các lực lượng khác để thực hiện công tác thực thi pháp luật trên biển, cùng tháo gỡ “thẻ vàng” . Đi phải có nhật ký, công suất máy bao nhiêu, đi vùng nào, hải đồ ra sao. Đi phải có kế hoạch, có hiệu quả, phối hợp với các đơn vị ra sao. Việc phối hợp rất quan trọng, một mình không thể làm được, phải tăng cường phối hợp với địa phương.