Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nói: ‘Cần rà soát linh hoạt vùng nguyên liệu thủy sản để trong trường hợp thị trường, đơn hàng tốt hơn sẽ không bị động’.
Nếu thuận lợi sẽ đạt hơn 9 tỉ USD
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sản lượng thủy sản tháng 8 đạt 837,4 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó sản lượng khai thác đạt 351,6 nghìn tấn, giảm 0,5%; sản lượng nuôi trồng đạt 485,8 nghìn tấn, tăng 3,8%.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của nước ta đạt hơn 5,93 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó sản lượng khai thác đạt hơn 2,63 triệu tấn, tăng 0,3%; sản lượng nuôi trồng đạt gần 3,3 triệu tấn, tăng 3,8%.
Cũng theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 8 đạt 750 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 đạt 5,68 tỉ USD, giảm 25,4%.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, đã đưa ra 2 kịch bản cho triển vọng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm 2023. Với kịch bản thuận lợi, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam cả năm 2023 sẽ đạt hơn 9 tỉ USD, giảm 15 – 16% so với năm 2022. Trong đó, dự báo xuất khẩu tôm sẽ thu về lượng ngoại tệ khoảng 3,5 – 3,6 tỉ USD, giảm 16 – 18%; cá tra đạt 1,7 – 1,8 tỉ USD, giảm 28%; xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc lần lượt đạt 870 triệu USD và 650 triệu USD, giảm 14 – 15%; xuất khẩu cá biển ước đạt 1,9 – 2 tỉ USD, giảm nhẹ so với năm 2022.
Các thị trường chính chắc chắn sẽ vẫn mang về doanh thu ít hơn so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc sẽ thấp hơn 24 – 25% so với năm 2022. Xuất khẩu sang EU sẽ giảm 18%. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản sẽ khả quan hơn nhờ giá trị của hàng giá trị gia tăng và nhờ phân khúc gia công, chế biến cho thị trường này, nhất là các loài cá biển.
Trung Quốc vẫn được kỳ vọng là thị trường lớn nhất cho doanh nghiệp thủy sản hiện nay, sau khi thị trường này mở cửa, hoạt động giao thương đang trở lại bình thường dần dần. Hy vọng nửa cuối năm, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân tăng dần, thị trường thích nghi bối cảnh mới… khi đó, xuất khẩu thủy sản có cơ hội phục hồi lại với dự đoán tương đương với kim ngạch của năm 2023 với khoảng 1,8 tỉ USD cho cả Trung Quốc và Hồng Kông.
Còn với kịch bản kém thuận lợi là khi thị trường đã có tín hiệu phục hồi, nhu cầu tăng trở lại, nhưng hàng thủy sản của Việt Nam vẫn khó cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…
Các vấn đề của ngành chưa có giải pháp tháo gỡ trước mắt cũng như lâu dài: Giá thành sản xuất cao vì các chi phí đầu vào như thức ăn nuôi và con giống cao, lợi nhuận sụt giảm, thiếu vốn để duy trì đầu tư nuôi các vụ tới, bà con bỏ ao, dẫn đến thiếu nguyên liệu đáp ứng đơn hàng nửa cuối năm…
Kịch bản đó có thể dẫn đến dự đoán, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta cả năm 2023 có thể chỉ mang về khoảng 8,5 – 8,7 tỉ USD. Trong đó, tất nhiên, sụt giảm sâu nhất vẫn nằm ở hai ngành hàng cá tra và tôm. Xuất khẩu hải sản có thể sẽ xấu hơn nếu kết quả thanh tra chương trình chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 10/2023 không đạt được kỳ vọng tháo gỡ “thẻ vàng”.
Cần chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu
Tại cuộc họp giao ban tháng 8 của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, thông tin: “Vừa qua, có 2 đoàn thanh tra của châu Âu và Mỹ đã kiểm tra hệ thống thủy sản của Việt Nam. Kết quả cũng sau Covid-19 cũng có một số vấn đề mà đoàn châu Âu họ phát hiện ra và đề nghị chúng ta phải nghiêm túc xử lý. Tuy nhiên duy trì ở mức không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu thủy sản. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục được xuất khẩu, nhưng chúng ta vẫn cần có các biện pháp nghiêm ngặt hơn”.
Cũng theo ông Tiệp: “Với đoàn thanh tra của Mỹ kiểm tra hệ thống cá da trơn của nước ta thì cơ bản là tốt, chỉ có vài lỗi không đáng kể. Chúng ta tiếp tục đủ điều kiện xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ”.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho hay: “Đoàn thanh tra của Mỹ sang đánh giá hệ thống sản xuất cá tra Việt Nam, kết quả đánh giá không có những lỗi lớn, quy trình của chúng ta vẫn đảm bảo”.
Chia sẻ thêm về những kế hoạch của ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng trong tháng 9 cũng như thời gian sắp tới, ông Tiệp nói: “Đối với công tác mở cửa thị trường, thời gian vừa rồi chúng ta đã đẩy mạnh phát triển với ba thị trường lớn là châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Trong thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp tục triển khai phát triển thị trường Quảng Tây thông qua hoàn thành ký kết ghi nhớ hợp tác (MoU) về hợp tác phát triển nông nghiệp và thương mại nông sản. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thị trường Vân Nam”.
Còn theo ông Luân: “Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 7/2023 đã đạt gần 1 tỉ USD, nhưng sang tháng 8/2023 lại giảm chỉ còn 750 triệu USD. Các đơn hàng hiện nay tương đối khó khăn. Cho nên trong tháng 9, về chỉ đạo sản xuất cần rà soát linh hoạt vùng nguyên liệu thủy sản để trong trường hợp thị trường, đơn hàng tốt chúng ta không bị động”.
“Bên cạnh đó, sau vụ Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cơ cấu xuất nhập khẩu thủy sản trên thị trường thế giới có sự thay đổi, do đó chúng ta cũng cần ngồi lại để đánh giá xem có cơ hội gì cho thủy sản Việt Nam hay không”, ông Luân nói thêm.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết, tháng 9/2023, sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ như: Thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử ở các cảng cá, lấy chuỗi cá ngừ ở Bình Định làm thí điểm; chuẩn bị đón Đoàn thanh tra của EC sang làm việc về khai thác chống IUU trong tháng 10; tiếp tục phát triển mô hình nuôi trồng rong biển, đồng quản lý ở các địa phương ven biển, nuôi cá hồ chứa…