Ngành tôm Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ ảm đạm khi phải đối mặt với áp lực lớn từ thị trường như suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm, giá tôm giảm do dư cung, thị trường ngày càng đặt ra yêu cầu cao về sản phẩm… Cả doanh nghiệp và người nuôi đều kỳ vọng thị trường tôm sẽ khởi sắc hơn vào dịp cuối năm.
Khó khăn vẫn chưa qua
5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD, giảm 34% so cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu xuất khẩu tôm của Việt Nam, theo số liệu từ VASEP, xuất khẩu TTCT đạt 901 triệu USD, giảm 34%; xuất khẩu tôm sú đạt 178 triệu USD, giảm 29% và tôm khác với 139 triệu USD, giảm 40%. Tại các thị trường, 5 tháng đầu năm 2023, Mỹ là thị trường nhập khẩu TTCT lớn nhất với 196 triệu USD, đứng sau là Nhật Bản với 120 triệu USD; Trung Quốc & Hong Kong với 114 triệu USD; Hàn Quốc với 114 triệu USD và Australia với 83 triệu USD. Đối với tôm sú, Trung Quốc & Hong Kong là thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất của Việt Nam. Đứng sau là Nhật Bản với 35 triệu USD; Mỹ với 22 triệu USD; Đài Loan (Trung Quốc) với 12 triệu USD, Thụy Sỹ với 9 triệu USD.
Biểu đồ: TSVN, nguồn: TCHQ
Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) cho rằng, từ nay tới cuối năm 2023, thị trường tôm vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi, nhưng cũng không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ tiếp tục trì trệ. Ông Phẩm phân tích thêm: “Tôi thấy thị trường vẫn còn rất nhiều vấn đề. Như giao thương với Trung Quốc, cũng không tốt như chúng ta kỳ vọng do thu nhập người dân giảm, kéo theo chi tiêu cho tiêu dùng giảm. Còn tại Mỹ, người dân mặc dù thu nhập tăng nhưng phải chi trả các khoản nợ trước đó nên chi tiêu cũng hạn chế. Hơn nữa, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ tại thị trường này”.
Nhận định thêm về tình hình tiêu thụ tôm trong 6 tháng đầu năm ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, sản xuất, xuất khẩu tôm vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc gì nhiều về sức mua lẫn giá cả. Còn nhớ, vào trung tuần tháng 3, ở Hội chợ Thủy hải sản Bắc Mỹ (Boston, Mỹ), Indonesia chào bán tôm RPTO 16/20 chỉ 4 USD/pound khiến mọi người giật mình, nhất là doanh nghiệp tôm Việt. Bởi với giá chào đó tôm thương phẩm 30 con/kg chỉ có giá 100.000 đồng/kg, trong lúc đó giá ở miền Tây là 150.000 đồng/kg. Tháng 5 này, Indonesia, chắc khó đầu ra, tiếp tục chào tôm EZ 13/15 giá 4,4 USD/ pound, chứng tỏ họ nuôi tôm lớn 20 – 25 con khá nhiều và giá bán quá rẻ. Ông Lực chia sẻ: “Ecuador và Indonesia cung ứng với giá rẻ hơn tôm Việt Nam từ 1 đến 2 USD/kg, khiến việc tìm đơn hàng của các doanh nghiệp tôm chúng ta khó khăn. Điều này làm cho 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tôm chúng ta sẽ thấp hơn khoảng 30% so cùng kỳ năm trước, trong khi tôm Ecuador dự kiến tăng tưởng 20%”.
Còn đó cơ hội từ tôm chế biến sâu
Ông Đỗ Công Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES) thông tin, xuất khẩu tôm đang bị sụt giảm mạnh và nguyên nhân chính là do giá giảm sâu, còn khối lượng xuất khẩu cũng giảm nhưng ở mức thấp hơn. Do đó, để ngành tôm có thể duy trì và phát triển đòi hỏi tất cả các bên liên quan đều phải tham gia vào; ví dụ như Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ người dân nuôi tôm, ngân hàng có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi vay vốn, các công ty thức ăn phải điều chỉnh lại giá bán thức ăn… Có như vậy, con tôm Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với các nước đối thủ. Bên cạnh đó, việc dự báo với ngành tôm rất quan trọng và mang tính sống còn. Chính vì vậy, VASEP ngoài những thông tin về tình hình trong nước, cần cập nhật thêm các thông tin về tình hình của các nước đối thủ như giá cả, sản lượng nuôi, xuất khẩu của Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… cũng như cập nhật diễn biến của các thị trường nhập khẩu như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Australia… cho doanh nghiệp.
Đứng trước khó khăn, thách thức trên, theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, với lợi thế ngành sản xuất tôm giá trị gia tăng, doanh nghiệp tôm Việt Nam có thể tiếp tục phát huy để duy trì doanh nghiệp và giữ thị trường. Ông Phục nhận định: “Mặc dù, cuộc khủng hoảng toàn cầu vẫn đang diễn ra, nhưng nhu cầu đối với hàng giá trị gia tăng vẫn rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam lại có kinh nghiệm trong nhiều năm về thị trường, về khách hàng, về sản phẩm, quản lý sản xuất… Về mặt này Việt Nam hơn hẳn các nước như Ấn Độ, hay Indonesia. Do đó, nếu chúng ta làm tốt và cố gắng duy trì qua giai đoạn này thì chúng ta sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn”.
Về xu thế sắp tới, theo ông Lực, từ quý III/2023 việc tiêu thụ tôm sẽ khởi sắc hơn, bởi sẽ vào giai đoạn tiêu thụ cao điểm như mùa hè ở EU, Bắc Mỹ; lễ tết ở Nhật Bản và sau đó là tập kết hàng cho đợt tiêu thụ cuối năm. Vấn đề là các doanh nghiệp nên áp dụng biện pháp tình thế để duy trì sản xuất, kinh doanh, nếu chấp nhận bán ra với giá thấp, thì khi thị trường hồi phục sẽ bị lỗ nhiều. Ông Lực chia sẻ: “Tôm chế biến sâu vẫn có nhu cầu nhất định từ khúc thị phần người trung lưu và đó là thế mạnh của ngành tôm chúng ta. Nhưng không có gì mãi bất biến. Về lâu dài các nước đối thủ chắc chắn sẽ nỗ lực nâng cao trình độ chế biến của họ nhằm tấn công khúc thị phần tôm cao cấp của Việt Nam”.
>> Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP
Trong chuỗi giá trị của con tôm, chúng ta làm tốt ở khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, hệ sinh thái con giống, nguyên liệu của ngành tôm chưa được cơ quan quản lý nhà nước chú trọng trong một thời gian dài. Giá thành tôm Việt Nam đang tụt hậu so với thế giới. Để nâng cao tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam, doanh nghiệp cho rằng cần có sự chung tay của các bên (nhà nông, Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng), nhằm cải thiện khâu giống và nuôi trồng. Đặc biệt, ngành tôm cần những chính sách ưu đãi cho phát triển bền vững, sản xuất nguyên vật liệu thiết yếu và xây dựng thương hiệu.
>> Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng
Hơn một năm qua nhiều doanh nghiệp của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh miền Tây vẫn còn khó khăn sau dịch COVID-19. Đối với giá tôm, chưa thấy dấu hiệu gì cho rằng cuối năm sẽ tốt trở lại. Hiện, giá tôm thương phẩm giảm 20 – 30% so cùng kỳ năm trước khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Kỳ này giá tôm xuống khá sâu. Không phải riêng ngành tôm mà niều ngành khác như du lịch, may mặc… cũng gặp khó khăn. Trung ương và tỉnh đã quyết liệt hỗ trợ lãi suất và các vấn đề khác khiến chúng tôi thấy ấm lòng. Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ mang tính nhất thời, muốn các doanh nghiệp tồn tại được phải có những tính toán đường dài.
An Xuyên