Biện pháp nâng cao chất lượng cá bố mẹ

Cá bố mẹ là yếu tố tiên quyết trong sản xuất cá giống. Cá bố mẹ không đạt tiêu chuẩn dẫn đến chất lượng sản phẩm sinh dục kém, tỷ lệ ương thấp, con giống có sức đề kháng yếu, dễ nhiễm bệnh.

Tuyển chọn cá bố mẹ

Việc tuyển chọn cá bố mẹ được cho là một trong những công đoạn quan trọng nhất. Đây là quá trình đầu tiên để phát triển con giống, đảm bảo các lứa cá giống khỏe mạnh, đạt yêu cầu trước khi cung cấp ra thị trường. Nguồn cá bố mẹ để sản xuất giống phải được chọn lọc kỹ về di truyền, có nguồn gốc rõ ràng, tránh hiện tượng đồng huyết hay cận huyết. Cá đực: Gai sinh dục càng dài càng tốt, có màu ửng hồng ở đầu mút, lớp da bụng có nhiều mạch máu nhỏ li ti thì cá có độ thành thục cao. Cá cái: Lỗ sinh dục ửng hồng, bụng to mềm đều, dùng que thăm trứng đưa vào lỗ sinh dục xoay tròn điều nhẹ nhàng để lấy trứng, nếu trứng có màu trắng sữa, có độ rời, độ căng, độ đồng đều cao.

Loại bỏ cá bố mẹ già, sức sinh sản kém, ảnh hưởng di truyền đến thế hệ sau như dị hình, nuôi chậm lớn. Chỉ giữ lại những con trong độ tuổi sinh sản tốt, sức sinh sản cao, chọn con đực cái ở những đàn khác nhau, càng xa vị trí địa lý càng tốt, không chênh lệch kích cỡ, tuổi giữa cá thể đực, cái. Đa phần qua 2 – 4 mùa sinh sản nên thay đổi toàn bộ đàn cá bố mẹ do sức sinh sản kém, chất lượng đàn cá con sinh ra không cao.

ca-tra-anh-Chu-Khoi

Kiểm tra trứng của cá cái tại Tập đoàn Việt Úc. Ảnh: Chu Khôi

Mỗi loài cho trứng và cá con chất lượng cao ở một độ tuổi nhất định, như cá trắm cỏ 4 – 7 tuổi, mè trắng 3 – 6 tuổi, rô phi 1 – 2 tuổi. Cỡ cá bố mẹ cũng ảnh hưởng đến sức sinh sản và kích cỡ trứng. Do đó, tùy vào đối tượng nuôi để lựa chọn cá bố mẹ phù hợp.

Điều kiện nuôi vỗ

Nếu sử dụng lại đàn bố mẹ cũ, cần có ao dự trữ cá bố mẹ ít nhất từ 1 – 3 ngày. Việc chuẩn bị ao nuôi vỗ tương tự như chuẩn bị ao nuôi cá thịt. Nuôi vỗ cá bố mẹ với mật độ hợp lý, không quá cao tranh hiện tượng nổi đầu do thiếu ôxy. Sau thời gian nuôi vỗ 1 – 2 tháng thì cá bắt đầu thành thục và tham gia sinh sản, lúc này nếu cho sinh sản tự nhiên thì thả chung cá đực và cá cái với nhau, riêng sinh sản nhân tạo thì bắt kiểm tra trứng, tinh trùng nếu đạt độ thành thục sẽ kích thích nhân tạo cho cá đẻ.

Trong quá trình nuôi vỗ, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cá bố mẹ. Bởi đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh sản, chất lượng trứng và cá bột. Khi gần trưởng thành, trọng lượng buồng trứng tăng nhanh đòi hỏi cá được tích lũy dinh dưỡng đầy đủ từ trước. Nếu cho ăn không đúng, không đủ, sức sinh sản sẽ giảm, cỡ trứng nhỏ và kéo dài vụ đẻ. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như nhiệt độ, ôxy hòa tan, kích thích nước… cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình hoàn thiện bộ máy sinh sản của cá.

Quản lý

Xác định thời điểm sinh sản: Trứng có chất lượng cao nhất khi cá bố mẹ trưởng thành hoàn chỉnh và được thụ tinh đúng lúc. Trứng non hoặc già chất lượng đều kém. Vì vậy, cho cá bố mẹ sinh sản đúng thời điểm sẽ góp phần duy trì và nâng cao chất lượng cá giống. Nhiều loài cá nuôi trong điều kiện sinh sản nhân tạo có khả năng đẻ nhiều lần trong năm. Sau lần đẻ đầu tiên trong năm, các lần đẻ sau được gọi là sinh sản tái phát (lần 1, lần 2…). Tuy nhiên cá đẻ nhiều lần không tốt, các lần đẻ sau thường chất lượng sinh sản thấp như sức sinh sản giảm, đường kính trứng giảm, cá bột không đều và nhỏ. Tốt nhất nên cho đẻ tái phát 1 lần và cách lần đẻ thứ nhất một thời gian cần thiết, ví dụ với cá mè, trắm cần khoảng 36 – 45 ngày.

Giảm hiện tượng cận huyết: Thông qua chọn lọc nhân tạo và các phương pháp di truyền, người ta có thể tạo ra những loài, dòng nuôi mới có phẩm chất vượt trội để đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, có hai hiện tượng liên quan tới yếu tố di truyền, thường ảnh hưởng tới chất lượng cá giống tại các cơ sở sản xuất là sinh sản cận huyết và lai tạo giống. Cận huyết thường dẫn tới suy thoái như giảm sinh trưởng, sức sinh sản và sức đề kháng. Để tránh ảnh hưởng cận huyết, các cơ sở sản xuất giống nên thường xuyên trao đổi đàn cá hậu bị với các trung tâm giống hoặc các cơ sở khác, chọn ngẫu nhiên từ đàn cá hậu bị để tạo đàn cá bố mẹ. Ngoài ra, tăng số lượng cá cái tham gia sinh sản cũng là biện pháp giúp giảm tỷ lệ cận huyết.

Áp dụng các phương pháp chọn lọc gia đình hoặc chọn lọc cá thể để nâng cao chất lượng cá giống.

Thực hành quản lý: Thúc đẩy việc áp dụng các thực hành quản lý tốt hơn của các trại giống và người nuôi. Trại giống cần ghi chép và lưu trữ lại thông tin của cá bố mẹ. Đối với người nuôi, cần tuân thủ theo khuyến cáo của đơn vị, cơ quan nghiên cứu để áp dụng kỹ thuật quản lý cá bố mẹ thích hợp.

Lê Loan

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận