Làm thế nào để tăng tốc độ lột xác của tôm

Lột xác là một quá trình tự nhiên trong cơ thể tôm nếu quá trình lột xác không thành công, tác động xấu nhất có thể xảy ra là tôm chết. Ngoài ra, các tác động khác có thể là làm teo cơ thể tôm và làm chậm tốc độ tăng trưởng của chúng. Về cơ bản, quá trình lột xác ở tôm xảy ra tự nhiên và do nội tiết tố; tuy nhiên, người nuôi có thể đẩy nhanh quá trình này bằng những cách sau.

Đảm bảo tôm không bị stress

Cách đầu tiên để tăng tốc độ lột xác là giữ cho tôm không bị căng thẳng. Nếu tôm bị căng thẳng, sự tăng trưởng của chúng sẽ bị cản trở và nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên. Một số yếu tố có thể gây căng thẳng cho tôm bao gồm những thay đổi quá nhanh về các thông số chất lượng nước và chất lượng thức ăn kém. Để quá trình lột xác của tôm diễn ra thuận lợi, người nuôi phải luôn kiểm tra thường xuyên các thông số chất lượng nước, đảm bảo luôn ở điều kiện tối ưu, đảm bảo thức ăn cung cấp cho tôm có chất lượng cao, đầy đủ dinh dưỡng.

– Độ pH trong ngưỡng thích hợp từ 7,5 – 8

– Độ kiềm đảm bảo 120 mg CaCO3/L

– Ôxy hòa tan ở mức 4 – 6 mg/L

Cần thường xuyên đo lường các chỉ số môi trường trên để xử lý kịp thời giúp tôm lột xác dễ dàng, ngoài ra khi tôm lột xác chúng thường tìm nơi trú ẩn chờ lớp vỏ cứng lại. Nếu lúc này đáy ao bẩn có nhiều khí độc NH3, H2S thì tôm sẽ không có chỗ trú ẩn, cần sử dụng men vi sinh xử lý đáy để giúp phân hủy các mùn bã đáy ao và hấp thu khí độc tạo thuận lợi cho tôm.

Kiểm tra tình trạng tôm thường xuyên

Để đảm bảo rằng quá trình lột xác của tôm diễn ra suôn sẻ, hãy sử dụng các kỹ thuật lấy mẫu ao và tiến hành kiểm tra định kỳ để theo dõi tiến trình của quá trình lột xác. Phải đánh giá được tình trạng tôm đang khỏe mạnh và khả năng bắt mồi của tổng đàn tôm.

qtrinh-tang-trong-sau-lot-xac

Kiểm tra xem vỏ tôm đã bắt đầu cứng lại hay đã bị bung ra. Bằng cách kiểm tra tình trạng của tôm thường xuyên, người nuôi có thể đánh giá quá trình lột xác có diễn ra suôn sẻ hay không và tốc độ tăng trưởng của tôm có bình thường hay không.

Mặt khác phải theo dõi thời tiết, khí hậu, nắng mưa, nhiệt độ trong ngày…, để từ đó quyết định đưa ra biện pháp kích thích buộc cho tôm phải lột vỏ như mong muốn.

Điều chỉnh lượng thức ăn

Bằng cách tiến hành lấy mẫu kiểm tra định kỳ, người nuôi có thể biết được các giai đoạn lột xác của tôm để từ đó điều chỉnh lượng thức ăn cho ăn theo từng giai đoạn.

Ví dụ, trong giai đoạn tiền lột xác, tôm có xu hướng ăn ít hơn. Trong khi đó, ở giai đoạn giữa các lần lột xác, hoạt động ăn của tôm đạt đỉnh điểm, đồng nghĩa với việc người nuôi phải cung cấp một lượng thức ăn lớn hơn bình thường.

Điều chỉnh lượng thức ăn ở giai đoạn tôm lột xác có thể giúp tôm khỏe mạnh và tăng trưởng tối ưu hơn. Cần chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho tôm gồm; thức ăn tự nhiên, thức ăn công nghiệp cám viên, thức ăn tự chế, nên cho ăn hàm lượng protein đạm từ 32 – 45%.

Bổ sung dinh dưỡng

Cung cấp thêm dinh dưỡng cho tôm giai đoạn lột xác như canxi, photpho có tác dụng tốt cho tôm phát triển lớp vỏ mới. Dinh dưỡng bổ sung này có thể ở dạng dinh dưỡng thức ăn hoặc trực tiếp vào nước ao. Ngoài ra, việc cung cấp thêm các khoáng chất thiết yếu, đạm và các chất dinh dưỡng khác vào thức ăn và nước nuôi tôm cũng có tác dụng đẩy nhanh quá trình lột xác của tôm.

Sau khi kích thích tôm lột, nên tăng thêm 10 – 15% lượng thức ăn cho khẩu phần thức ăn trong ngày và kết hợp bổ sung khoáng, vi lượng Ca, Phosphor, Vitamin C từ 1 – 3% lượng thức ăn, để đáp ứng đủ cho nhu cầu dinh dưỡng của tôm sau khi tôm hoàn tất chu kỳ lột xác.

Sử dụng biện pháp sinh học

Thay nguồn nước sạch vào ao nuôi kết hợp quạt nước sục khí cho ao. Nguồn nước sạch cung cấp cho ao phải được lắng lọc cẩn thận và khử trùng triệt để, đồng thời phối hợp quạt nước – sục khí sau khi thay nước. Vì khi thay nước, nhiệt độ và thành phần chất lượng nguồn nước trong ao và môi trường sống của tôm có thay đổi sẽ giúp cho tôm lột vỏ. Tùy theo tình trạng sức khỏe tôm, chất lượng nguồn nước và màu nước ao… lượng nước thay vào là 2/3 – 1/2 tổng thể tích nước trong ao.

Ứng dụng các hợp chất dinh dưỡng và chế phẩm sinh học để bón vào ao nuôi. Nồng độ, liều dùng, thời gian hiệu ứng, số lần dùng…, tùy theo từng thành phần cấu trúc của hợp chất khi bón vào ao nuôi sẽ kích thích tôm lột vỏ.

Sử dụng biện pháp hóa học

Sử dụng hóa chất khử trùng như Chlorine, thuốc tím… với nồng độ thấp. Dùng thuốc diệt cá tạp và hoạt chất của Rotenone. Biện pháp sử dụng hóa chất và thuốc diệt tạp thường dùng với nồng độ thấp từ 1 – 3 ppm (khoảng 1 – 3 g/m3) và nên áp dụng vào lúc trời mát hay chiều tối.

Lưu ý đến tình trạng tôm bệnh ở những vùng lân cận, khâu xử lý khử trùng nguồn nước từ ao lắng phải tuân thủ nghiêm ngặt và chuẩn bị tốt thiết bị quạt nước cho ao. Cần xác định thể tích lượng nước trong ao để tính toán chính xác lượng thuốc diệt cá hay hóa chất khử trùng dùng để kích thích tôm lột và tham khảo hoạt tính của từng loại thuốc, thành phần cấu trúc hợp chất dinh dưỡng.

Chỉ kích thích tôm lột vào những ngày nắng nhẹ tối trời, không áp dụng vào lúc trời âm u, chuyển mưa lớn. Nước mưa sẽ mang độc tố, lượng phèn từ đất bờ chảy xuống ao có thể làm tôm sốc vì khi lột sức đề kháng của tôm rất yếu. Điều đó sẽ khiến tôm dễ bị chết.

Bích Hòa

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận