Nuôi cá mè trong hồ chứa nhỏ là hình thức nuôi và thả cá để tận dụng thức ăn tự nhiên sẵn có trong nước hồ, kỹ thuật đơn giản, dễ áp dụng, đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế ở khu vực các tỉnh miền núi.
Chuẩn bị
Dọn bãi, vệ sinh lòng hồ trước khi thả cá mới tạo được không gian cho cá hoạt động và dễ dàng thu hoạch cá sau này. Đối với các hồ có diện tích nhỏ, điều kiện nuôi cá tốt, diện tích dọn đáy hồ phải đạt từ 70 – 80%, có khi phải đạt 100% tổng diện tích lòng hồ.
Sau khi thu hoạch cá (trong thời gian này nước hồ cạn nhất trong năm) cần dọn sạch cây cối xung quanh bờ, bón vôi tại những phần hồ cạn nước với hàm lượng 5 – 7 kg vôi/100 m2; nhằm mục đích: Ổn định hàm lượng pH trong nước hồ; trung hòa lớp axít ở lớp đáy khi nước dâng lên và tiêu diệt các loại vi khuẩn, côn trùng có hại.
Những gốc cây, đá và các chướng ngại vật phải đưa ra khỏi phạm vi khu vực khi thu hoạch cá.
Con giống
Giống cá thả cho hồ chứa phải lớn, đảm bảo chất lượng tốt. Có thể tự sản xuất cá giống tại chỗ hoặc đi mua ở nơi khác về, hoặc tự sản xuất một phần và đi mua một phần.
Đối với giống tự sản xuất: Sử dụng các eo ngách trong hồ để ương nuôi cá giống. Các eo ngách thường có điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích phù hợp và đặc biệt là tận dụng được lượng thức ăn tự nhiên. Cách làm: Dùng lưới chắn ngang eo ngách lại (chiều cao của lưới phải lớn hơn độ sâu mực nước cao nhất nơi chắn khoảng 30 cm). Phao phải nhiều và lớn, kích thước mắt lưới phải nhỏ hơn kích thước cá nuôi. Sau đó dùng lưới vét cá tạp và cá dữ từ 2 – 3 lần rồi tiến hành thả cá, bổ sung thêm thức ăn, phân bón và định kỳ kiểm tra độ lớn của cá để xác định thời gian thả cá ra hồ. Bằng cách này sẽ chủ động về số lượng và tiêu chuẩn cá thả, cá khỏe mạnh đồng đều về kích cỡ và giảm chi phí vận chuyển.
Giống mua ở nơi khác về: Giống mua ở nơi khác về thường khó chủ động về số lượng, tiêu chuẩn, sức khỏe cá và khó đồng đều về cỡ. Để khắc phục điều này nên tìm hiểu kỹ nguồn giống và kiểm tra chất lượng con giống trước khi mua.
Cá giống phải khỏe mạnh, bơi thành đàn, màu sắc sáng bóng, kích cỡ tương đối đồng đều, không chứa mầm bệnh và không dị hình.
Kích cỡ cá mè để thả ra hồ phải đạt cỡ 12 – 15 cm.
Mật độ
Lượng cá thả nên tính theo khối lượng nước trong hồ và tùy điều kiện dinh dưỡng từng hồ. Theo kết quả nghiên cứu mật độ trung bình khoảng 1 con/20 – 30 m3. Với các hồ có điều kiện dinh dưỡng tốt hơn có thể thả 1 con/10 – 15 m3, hồ có điều kiện dinh dưỡng trung bình khoảng 1 con/25 m3, còn hồ có điều kiện dinh dưỡng kém thì chỉ thả 1 con/40 m3.
Thả giống
Thời vụ: Phụ thuộc vào điều kiện khí hậu tự nhiên, khả năng cung cấp giống của mỗi cơ sở. Hiện nay đối với khí hậu miền Bắc có 3 thời điểm thả cá giống: Thời điểm thứ nhất từ tháng 5 – 7; thời điểm thứ 2 từ tháng 10 – 11; thời điểm thứ 3 từ tháng 2 – 3. Tuy nhiên, thời gian thả giống tốt nhất là từ trung tuần tháng 5 và kết thúc vào tháng 7.
Địa điểm: Địa điểm thả cá giống ở hồ chứa có liên quan tới tỷ lệ sống của cá. Với hồ chứa diện tích nhỏ (5 – 15 ha), địa hình đơn giản chỉ cần thả ở 1 – 2 điểm (không gần các công trình chắn giữ cá). Với hồ chứa có diện tích trung bình (15 – 30 ha), địa hình tương đối phức tạp cần xác định 4 – 5 điểm thả cá. Nên chọn địa điểm thả cá nơi có nguồn thức ăn phong phú, ít địch hại, ít sóng gió và ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của điều kiện môi trường (dòng chảy). Không thả cá ở nơi gần các công trình chắn giữ cá và khu vực nước quá sâu.
Kỹ thuật thả cá giống: Trước khi thả cá giống cần kiểm tra bệnh tắm nước muối 0,5%. Chú ý đảm bảo sự chênh lệch nhiệt độ nước giữa vùng nước thả cá và nhiệt độ trong túi vận chuyển cá là ít nhất. Nếu cá được vận chuyển từ nơi khác đến cần phải tiến hành các bước sau: Ngâm thùng, sọt, túi đựng cá xuống hồ khoảng từ 10 – 15 phút, sau đó nghiêng dần dụng cụ chở cá, té nước hồ vào đến khi thấy cá khỏe rồi mới thả ra hồ. Dùng giai nhốt cá tại hồ sau thời gian khoảng 2 – 4 tiếng sau mới thả vào hồ.
Chăm sóc
Trong quá trình nuôi, cá dữ ăn các loài cá nuôi, cá tạp ăn chung mồi với cá nuôi. Vì vậy, cần tiêu diệt hoặc hạn chế sự phát triển của cá dữ, cá tạp trong hồ để giảm sự cạnh tranh về thức ăn và tạo điều kiện cho các loài cá nuôi phát triển được tốt hơn. Do đó, phải thường xuyên đánh bắt tiêu diệt cá dữ, cá tạp, đặc biệt là nơi chúng sinh sản.
Sử dụng các loại cây xanh, phân hữu cơ và các phụ phẩm từ nông nghiệp làm thức ăn cho cá thường xuyên.
Thường xuyên theo dõi cá ăn và hoạt động của cá. Nếu thấy cá có biểu hiện khác thường cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý.
Ở vùng miền núi thường hay có lũ về mùa mưa, do đó người nuôi cần sử dụng lưới để chắn giữ cá qua đập tràn, chắn cá qua cống dẫn nước cho thủy lợi.
Chú ý vệ sinh nơi cho cá ăn (sử dụng vôi bột), làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh. Định kỳ 1 tháng/lần kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá.
Thu hoạch
Khi mực nước hồ bắt đầu giảm, kích cỡ cá đạt yêu cầu của thị trường thì tiến hành thu cá. Tiến hành thu tỉa sẽ giảm tối thiểu về cung vượt quá cầu, do hoạt động thu hoạch cá trong khoảng một thời gian ngắn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của hồ.
Trong thời gian thu cá, nên phân loại cá theo các kích cỡ khác nhau theo yêu cầu của thị trường để nâng cao giá thành sản phẩm.
Nên thu cá vào buổi sáng sớm sẽ giảm được số lượng cá hao hụt do tác động cơ học và thuận lợi cho việc tiêu thụ cá.
Thời gian thu cá nên kéo dài trong khoảng 2 tuần đến 3 tuần, tùy thuộc vào giá cả và sản lượng cá của hồ.
Thái Thuận