Bộ NN-PTNT đề nghị địa phương tăng cường quản lý tàu cá gồm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…
Đây là nội dung trong công văn Bộ NN-PTNT vừa gửi UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 16/6, nhằm chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4 trong tháng 10/2023.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023, Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 và ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU.
Trên cơ sở thường xuyên thanh tra, kiểm tra và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, địa phương thực hiện thanh tra việc quản lý tàu cá ra vào cảng, công tác kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến tại trạm kiểm soát biên phòng, thu nộp nhật ký khai thác, giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác tại cảng.
Các kết quả cần được báo cáo về Bộ NN-PTNT trước ngày 23/6/2023.
Bên cạnh đó, địa phương khẩn trương kiện toàn, bố trí sắp xếp các bộ phận thực hiện nhiệm vụ tại cảng cá, văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng đảm bảo liên thông, đồng bộ trong việc tổ chức triển khai, phối hợp thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU ; đồng thời làm rõ trách nhiệm giữa các lực lượng chức năng gồm cảng cá, chi cục thủy sản và biên phòng.
Công văn của Bộ NN-PTNT nhấn mạnh UBND tỉnh, thành phố đảm bảo công tác quản lý tàu cá theo quy định, gồm các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, lắp đặt thiết bị VMS, cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.
Đặc biệt, đảm bảo 100% tàu cá cập cảng chỉ định, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác tại địa phương; tuân thủ nghiêm túc công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, kiểm tra chặt chẽ công tác chứng nhận tại chi cục thủy sản với doanh nghiệp xuất khẩu; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu.
Để phục vụ tốt nhất công tác kiểm tra của EC, Bộ NN-PTNT khuyến cáo địa phương rà soát, sắp xếp, lưu trữ hồ sơ cả bản giấy và trên phần mềm điện tử đảm bảo dễ dàng truy xuất, cung cấp kịp thời. Yêu cầu số liệu phải khớp, thống nhất giữa báo cáo của địa phương và trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị chức năng.
Việc giám sát bao gồm cả kiểm soát tàu cá tỉnh khác hoạt động tại địa phương; kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các đồn/trạm Biên phòng để đảm bảo xử lý nghiêm các tàu cá không đủ điều kiện xuất, nhập bến vào cảng cá bốc dỡ thủy sản khai thác.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị UBND Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho cơ quan quản lý thủy sản địa phương và lực lượng chức năng có liên quan để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Ngoài ra, kiện toàn tổ chức kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tại công văn, Bộ NN-PTNT chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của địa phương. Theo đó, số lượng tàu cá của Đà Nẵng chưa thống nhất trong báo cáo của thành phố với cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), cấp giấy phép khai thác thủy sản là 65%, số lượng tàu cá mất kết nối VMS tương đối lớn (55 tàu mất kết nối trên 6 tháng, 23 tàu mất kết nối trên 1 năm).
Đà Nẵng thực hiện kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xuất, nhập bến qua trạm biên phòng chưa đảm bảo quy định, để xảy ra nhiều trường hợp tàu cá của thành phố và tỉnh khác vi phạm khai thác IUU, kết quả xác minh, xử lý yếu kém.
Sản lượng thủy sản khai thác của toàn thành phố được theo dõi, giám sát chưa đầy đủ theo quy định mới đạt khoảng 40%; chất lượng nhật ký khai thác chưa được yêu cầu, chưa có sự kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu VMS dẫn đến chưa đủ độ tin cậy trong truy xuất nguồn gốc.
Khoảng 80% tàu cá của tỉnh khác cập cảng Đà Nẵng nhưng chưa phân tách được sản lượng khai thác này nên chưa đánh giá được tỉ lệ sản lượng khai thác của tàu cá địa phương được kiểm soát đảm bảo không vi phạm IUU.
Với Thừa Thiên – Huế, hiện tỉnh còn khoảng 250 tàu cá chưa được đăng ký; số lượng tàu cá mất kết nối VMS tương đối lớn (trung bình từ 30 đến 50%), khoảng 30% tàu cá chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, với đội tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản, tỉnh chưa có sự kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu VMS dẫn đến chưa đủ độ tin cậy trong truy xuất nguồn gốc.