Hiện tượng tôm nuôi chết xuất hiện từ đầu tháng 5. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã có gần 170 ha tôm nuôi bị chết. Người nuôi tôm Quảng Trị đang khốn đốn.
May là tôm… chết sớm
Ông Nguyễn Văn Vẽ tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh) có 6 hồ nuôi tôm với tổng diện tích 1,8 ha. Để đầu tư vụ tôm này, ông Vẽ đã vay thêm ngân hàng để cải tạo ao nuôi, mua con giống và thức ăn. Thế nhưng, tôm vừa thả xuống hồ được 15 ngày thì bắt đầu dạt vào bờ, bỏ ăn rồi chết hàng loạt. Tính ra, gia đình ông Vẽ thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
“May là số tôm chết sớm! Nếu như nuôi được gần 1 tháng mới chết thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều vì tiền chi phí thức ăn sẽ tăng gần gấp đôi. Chưa bao giờ như năm nay, tôm mới thả được 10 đến 15 ngày là chết. Tôm thả xuống không xuống đáy mà chỉ bơi nổi trên mặt nước”, ông Vẽ cho hay.
Ông Nguyễn Khắc Kiên, trú tại thôn Phan Hiền cho biết, hiện tượng tôm chết bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 5. Thời điểm đó, ông Kiên đã dùng dung dịch Chloramine để xử lý nhằm vớt vát đồng vốn. Tuy nhiên, hiện tượng tôm chết vẫn không dừng lại.
Thời điểm hiện tại, tôm nuôi trong hồ của gia đình ông Kiên đã được gần 60 ngày nhưng nổi chết gần hết. Ông Kiên phải thường xuyên túc trực bên hồ tôm để vớt tôm chết, tránh tôm bị thối, gây nhiễm cho lớp đất đáy hồ nuôi. Số tôm vớt lên ông Kiên cũng không thể bán mà chỉ đem về cho lợn, gà ăn.
“Là vụ nuôi chính nên gia đình tôi đã vay mượn đầu tư vào đây rất nhiều nên giờ đang dở khóc dở cười. Vụ sau không biết gia đình tôi có nuôi nổi hay không nữa. Nguy nhất là bây giờ không có hóa chất để xử lý nước trong hồ trước khi xả ra bên ngoài”, ông Kiên chua xót.
Một số hộ nuôi tôm tại Vĩnh Sơn đang cải tạo, xử lý đáy hồ để chuẩn bị thả đợt nuôi mới. Tuy nhiên, với tình trạng nắng nóng kéo dài, hóa chất xử lý không đủ, nguy cơ thêm một vụ nuôi thất bát đang hiện hữu.
Ông Hồ Ngọc Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho hay, người nuôi tôm ở đây lấy nước từ sông Sa Lung và dọc sông bến Hải. Trước vụ nuôi chính năm nay, sau khi quan sát nước ở các con sông có hiện tượng lạ, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không nên nóng vội thả giống nhưng người dân vẫn mua con giống về thả.
“Trước vụ nuôi xã đã khuyến cáo người dân cần bình tĩnh quan sát chất lượng nguồn nước trước khi lấy vào hồ nuôi. Tuy nhiên, người nuôi tôm muốn thả giống để kịp thời vụ nên nóng vội. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm chết như hiện nay”, ông Quyết cho biết.
Xã Vĩnh Sơn hiện có trên 160 ha nuôi tôm, trong đó có gần 110 ha tôm đã bị chết. Sau khi dịch bệnh trên tôm xảy ra, người nuôi tôm tại Vĩnh Sơn đã được Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Trị cấp 25 tấn hóa chất Chlorine lượng để dập dịch. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế hiện nay người dân cần là trên 52 tấn vẫn chưa được đáp ứng đủ. Điều này khiến nguy cơ dịch bệnh trên tôm nuôi tiếp tục lây lan ra diện rộng.
Thiếu hóa chất và kinh phí xét nghiệm xác định nguyên nhân tôm chết
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Trị, đến ngày 13/6/2023, toàn huyện Vĩnh Linh có gần 157 ha tôm bị chết. Trong đó, xã Vĩnh Sơn gần 110 ha, xã Hiền Thành 27 ha, xã Vĩnh Giang 12,5 ha…
Ngoài ra, trong tháng 5/2023, tại xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) cũng có 2 ha tôm chết được xác định là do bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.
Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y xuất cấp hóa chất dự trữ, tham mưu Sở đề xuất UBND tỉnh bố trí thêm kinh phí để chủ động nguồn hóa chất hỗ trợ dập dịch.
Tuy nhiên, kinh phí mua hóa chất năm 2023 của Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Quảng Trị cũng chỉ tạm đủ, để dập dịch ở xã Vĩnh Sơn, còn nếu dịch lan rộng, hóa chất là điều vô cùng khó khăn với các ngành chức năng. Người nuôi tôm rơi vào tình cảnh lao đao, vì bao nhiêu vốn liếng đang dần tiêu tan.
Ngày 13/6, UBND huyện Vĩnh Linh cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh trích kinh phí mua gần 57,5 tấn hóa chất Chlorine để dập dịch.
Ông Hồ Văn Việt, người nuôi tôm tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn cho biết, số tôm chết người dân hiện đang để trong hồ chờ hoá chất xử lý. Một số gia đình nuôi được khoảng 1 tháng thì còn vớt vát được ít nhưng vẫn không thể bù được khoảng tiền chi phí bỏ giống.
“Những năm trước, nếu tôm bị bệnh thì người nuôi tôm nhận được hoá chất sớm để dập dịch. Nhưng không hiểu sao năm nay việc cấp hóa chất dập dịch rất chậm. Đến nay, tôi vẫn chưa có hoá chất để xử lý hồ. Hầu hết các hộ nuôi ở đây đều để hồ trống không. Nhà nào có tiền thì tự mua hoá chất về xử lý, nhưng những nhà không có tiền thì chỉ biết để đó chờ”, ông Việt rầu rĩ.
Về vấn đề chậm hóa chất cấp cho người dân, ông Trần Hoãn, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Trị cho hay, hiện đơn vị mới xuất cấp số hóa chất dự trữ cho người dân. Quy trình đấu thầu mua hóa chất hiện nay phải đi qua nhiều bước phức tạp. Hơn nữa, sau lần 1 mở thầu thất bại, gói thầu mua hóa chất mới được thực hiện trong vài ngày gần đây.
Bên cạnh đó, theo quy định, kinh phí để xét nghiệm tìm nguyên nhân tôm chết để có cơ sở cấp hóa chất do người dân phải chi trả. Trong tình cảnh tôm chết hàng loạt lại phải chịu thêm chi phí nên người dân thiếu hợp tác.
"Hiện nay, Chi cục có thể tự xét nghiệm mẫu để xác định nguyên nhân nhưng người dân không hợp tác nên không thể lấy mẫu xét nghiệm. Trong khi đó, kinh phí từ Trung ương và tỉnh không đủ để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm", ông Hoãn chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, vụ tôm chính năm nay toàn tỉnh thả nuôi trên 1 nghìn ha tôm. Đến thời điểm này, việc thả nuôi cơ bản đã hoàn thành nhưng dịch xuất hiện tại xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong) và huyện Vĩnh Linh khiến nhiều diện tích tôm nuôi bị chết.
Theo ông Vinh, việc xuất cấp hóa chất chậm tới tay người dân cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân thiếu hợp tác.
“Khả năng tỉnh cung ứng hóa chất là không đủ nên cần Trung ương hỗ trợ thêm. Kinh phí xét nghiệm giám sát dịch bệnh hàng năm có nhưng không đáng kể nên chỉ sử dụng cho việc giám sát định kỳ hàng tháng. Nhưng nguy nhất hiện nay là do không có hóa chất xử lý nên việc người dân xả thẳng, gây ô nhiễm môi trường là nguy cơ hiện hữu. Dự báo tình hình nuôi tôm tại Quảng Trị sẽ còn gặp nhiều khó khăn do hiện tượng El Nino được dự báo kéo dài”, ông Vinh chia sẻ.
Nguồn nước nuôi tôm ô nhiễm nghiêm trọng
Tháng 5/2023, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị xét nghiệm 5 mẫu nước trên sông Sa Lung và dọc sông Bến Hải. Kết quả cho thấy, 3 mẫu vượt giới hạn B1 từ trên 2 đến 1.260 lần. Trong đó, 1 mẫu nước lấy trên sông nhánh Sa Lung có kết quả quan trắc thông số TSS vượt giới hạn B1 2,02 lần. 1 mẫu nước lấy trên kênh cấp nước cho khu vực nuôi tôm thôn Phan Hiền có kết quả quan trắc các thông số TSS vượt 23,88 lần, COD vượt 7,43 lần và Coliform vượt 1.260 lần so với giới hạn B1. 1 mẫu nước lấy tại điểm giao giữa sông Sa Lung và sông Bến Hải có kết quả quan trắc thông số COD vượt giới hạn B1 8,4 lần, thông số H2S vượt giới hạn 27,2 lần.