Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II cho biết, đang nghiên cứu cải thiện chất lượng giống cá tra với việc hoàn thiện thay thế HCG (Human Chorionic Gonadotropin) là loại kích dục tố được các trại sử dụng cho cá sinh sản.
Hiện trạng về con giống
Số liệu của Cục Thủy sản, cả nước có 2 cơ sở sản xuất giống cá tra bố mẹ, công suất trên 30.000 con, đáp ứng đủ nhu cầu. Và có 120 cơ sở sản xuất giống cá bột, 1.800 cơ sở ương dưỡng giống cá tra nhưng mới có 56/120 (46%) cơ sở sản xuất cá bột và 92/1.800 (5%) cơ sở ương dưỡng giống cá tra được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.
Theo Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, chất lượng giống cá tra hiện chưa đáp ứng yêu cầu vì tỷ lệ sống ương thấp. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỷ lệ sống ương thấp là vi khuẩn gây bệnh (E. ictaluri; F. Columnare; A. hydrophila) làm hao hụt hàng loạt ở giai đoạn từ 20-50 ngày tuổi (tập trung 15-30 ngày tuổi) với hầu hết cá ương bị nhiễm bệnh; nên tỷ lệ ao ương nuôi có cá giống thu hoạch chỉ đạt dưới 50%.
Giống kém chất lượng nên nuôi thương phẩm chỉ đạt tỷ lệ sống từ (58 ± 12%) – (65,1 ± 11,2%). Trong đó, tỷ lệ cá bị hao hụt sau 15 ngày thả nuôi là 14,3 ± 12,3% và do bệnh là 25,5 ± 13,3%.
Công nghệ chọn tạo giống tốt đóng góp 30% vào thành công và hiệu quả của nghề nuôi cá. Ảnh: vnexpress
Đánh giá của Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, do giá cá thịt chưa ổn định (có lời) nên ảnh hưởng đến giá cá giống và giá cá bột. Từ đó dẫn đến chưa có kế hoạch hóa trong sản xuất cá bột và ương giống từ việc dự trữ cá bố mẹ số lượng lớn và nuôi vỗ thành thục trong thời gian ngắn rồi cho sinh sản khiến chất lượng cá bố mẹ không cao mà sinh ra cá bột kém. Các cơ sở ương đặt mục tiêu duy trì số lượng cá, mà không chú ý đến chất lượng và thể chất của cá giống.
Về kỹ thuật sản xuất cá bột cũng chưa đảm bảo ở chế độ nuôi vỗ cá bố mẹ, chất lượng di truyền cá bố mẹ, loại thức ăn và cách cho ăn nuôi vỗ nên kích thước cá bột nhỏ, thể trạng không đảm bảo. Nhìn chung, kỹ thuật sản xuất cá giống chưa đồng bộ và còn nhiều kỹ thuật chưa hoàn thiện, từ kỹ thuật gây nuôi thức ăn tự nhiên chưa đồng bộ và chưa kiểm soát chủ động đến kỹ thuật chẩn đoán, phòng và trị bệnh còn hạn chế về kỹ thuật tại các cơ sở nuôi. Bên cạnh, thức ăn giai đoạn cá nhỏ còn nhiều vấn đề phát sinh và chưa hoàn thiện, kỹ thuật vận chuyển chưa đồng bộ và tối ưu. Đáng chú ý nữa là người ương cá giống quan tâm chưa đúng mức chất lượng di truyền của con giống.
Kế hoạch cải thiện giống 2023-2026
Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản II có kế hoạch từ năm 2023-2026 nghiên cứu hoàn thiện thay thế HCG (Human Chorionic Gonadotropin). Đây là loại kích dục tố được các trại sử dụng cho cá sinh sản nhưng trước nay phụ thuộc nhập khẩu nên có lúc gặp nhiều khó khăn. Khi hoàn thiện qui trình sản xuất giống chất lượng cao sẽ tổ chức tập huấn.
Khoa học đã chứng minh, công nghệ chọn tạo giống tốt đóng góp 30% vào thành công và hiệu quả của nghề nuôi cá (Các đóng góp khác về dinh dưỡng – thức ăn; công nghệ nuôi và quản lý nông trại đóng góp mỗi công nghệ tương đương 1/3 phần còn lại). Công nghệ chọn giống chủ yếu cải thiện chất lượng di truyền con giống bằng phương pháp chọn giống, một quá trình tích lũy bền vững: Di truyền cho thế hệ sau, chọn lọc thế hệ sau tốt hơn thế hệ trước. Thực tế từ năm 2001 đến nay, các tính trạng đã chọn lọc là tăng trưởng >30% ở thế hệ thứ 4; kháng bệnh gan thận mũ tăng 10%.
Thời gian qua, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản II thực hiện chọn lọc nâng cao tăng trưởng và đã cung cấp cho các địa phương hàng trăm ngàn con cá hậu bị. Giai đoạn 2010-2012 với cá bố mẹ G2 đã cho ra đời 101.000 con, khối lượng 1,1 kg/con, đáp ứng 65% nhu cầu cá bố mẹ của trại giống với các chỉ tiêu sinh sản bằng hoặc cao hơn, tỷ lệ sống và tăng trưởng giai đoạn ương cao hơn, tăng trưởng giai đoạn nuôi thương phẩm cũng cao hơn. Giai đoạn 2016-2020 với cá bố mẹ G3 cho ra đời 60.000 con, khối lượng 1,0 kg/con, đáp ứng 85% nhu cầu cá bố mẹ của trại giống với các chỉ tiêu sinh sản bằng hoặc cao hơn, lợi nhuận cao hơn. Hiện nay đã có cá bố mẹ G4.
Quản lý quy trình kỹ thuật gồm quản lý cá bố mẹ có nguồn gốc, đã qua cải thiện di truyền. Ảnh: vietnamvmc.com
Kế hoạch giai đoạn 2023- 2026, với cá bố mẹ G4 sẽ cho ra đời 75.000 con, khối lượng 1,0 kg/con; nghiên cứu hoàn thiện thay thế HCG và tập huấn qui trình sản xuất giống chất lượng cao. Cụ thể, từ tháng 10 đến 12/2023 nuôi vỗ cá bố mẹ G4, từ tháng 1 đến 3/2024 thử nghiệm loại và liều KDT thay thế. Từ tháng 7/2024 đến 6/2025 thực hiện kiểm nghiệm tại 10 trại giống và tổng kết xây dựng qui trình. Từ tháng 7/2025 tập huấn qui trình.
Quản lý quy trình kỹ thuật gồm quản lý cá bố mẹ có nguồn gốc, đã qua cải thiện di truyền. Ứng dụng quy trình kỹ thuật mới trong ương nuôi và quản lý môi trường ao nuôi như công nghệ tuần hoàn nước (RAS), công nghệ vi sinh. Nghiên cứu và tổng hợp, ứng dụng các qui trình sản xuất cá bột, cá giống và nuôi thương phẩm đạt các tiêu chí VietGAP, Global GAP, BMPs. Xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm, liên kết vùng ương-nuôi.
Và quản lý dịch bệnh gồm chất lượng con giống, an toàn sinh học, cải thiện quy trình kỹ thuật nuôi. Có cả giải pháp về phòng trị bệnh (vaccine, sản phẩm phòng trị bệnh): Vaccine phòng bệnh (vaccine tiêm mang lại hiệu quả phòng bệnh cao nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi vì phải tiêm từng con, dễ gây sốc cá và tốn nhiều công lao động); Phát triển vaccine ngâm hoặc nghiên cứu các chất bổ trợ làm tăng hiệu quả của vaccine.