Kiểm tra, đánh giá độ mặn trong ao nuôi tôm giúp người nuôi chủ động trong việc nắm được tình trạng ao, và có thể ứng phó kịp thời với việc thay đổi bất ngờ của độ mặn nhằm đảm bảo cho tôm sinh trưởng tốt nhất.
Ngưỡng thích hợp
Độ mặn là nồng độ của tất cả các muối khoáng có trong nước, nó được đo bằng khúc xạ kế đo độ mặn và tính bằng đơn vị phần nghìn ppt . Độ mặn của nước rất quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến sự tồn tại, phát triển và giúp duy trì các chức năng sinh lý của tôm. Thông qua quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu, tôm phải duy trì hàm lượng muối khoáng hòa tan trong cơ thể chúng ở mức độ ổn định. Cũng như nhiệt độ, mỗi loài cá, tôm đều có khoảng độ mặn thích hợp để sinh trưởng và phát triển.
TTCT chịu được mức độ mặn dao động từ 2 – 40‰, tôm sinh trưởng và phát triển tốt trong độ mặn phù hợp tầm 10 – 25‰. Nếu như yếu tố ở mức thấp thì cần bổ sung dưỡng chất cần thiết ở trong thức ăn để tăng đề kháng, giúp cho tôm có thể phát triển.
Trong nuôi tôm, độ mặn có thể được đo bằng khúc xạ kế cầm tay. Ảnh: Kandschwa
Tôm sú sống ở trong môi trường với độ mặn dao động 3 – 45‰, thích hợp dao động khoảng 15 – 20‰. Nếu như độ mặn vượt quá 35‰ thì tôm sẽ chậm lớn và chán ăn.
Ảnh hưởng
TTCT ngày càng được nuôi nhiều ở độ mặn thấp, do chúng có khả năng thích nghi cao. Trong giai đoạn giống, TTCT luôn sống trong môi trường có độ mặn khá cao, nhưng sau quá trình thuần hóa nhờ sức chịu đựng cao mà ở những vùng có độ mặn thấp tôm vẫn sống và phát triển tốt được. Trường hợp độ mặn quá thấp, dưới 5‰, các ion Ca2+, Mg2+, Na+, K+… trong nước với hàm lượng thấp làm cho quá trình lột xác của tôm diễn ra không đồng đều, tôm dễ bị mềm vỏ sau khi lột làm tăng tỷ lệ hao hụt lên gấp nhiều lần. Sau khi trời mưa, nước ao bị giảm độ mặn đột ngột cũng ảnh hưởng rất lớn đến tôm, nhất là quá trình lột xác của tôm bị kích thích mà chất dinh dưỡng cũng như khoáng chất cần thiết cho quá trình mềm vỏ không đủ để cung cấp. Do đó, tôm bị suy giảm sức đề kháng và rất dễ bị vi khuẩn tấn công, gây nên các bệnh nguy hiểm, tiếp đó làm tôm nhạy cảm nhiều hơn với các chất độc chứa nitơ như NH3, NO2…
Ngược lại khi TTCT sống trong môi trường có độ mặn quá cao, trên mức chịu đựng, tôm sẽ còi cọc, chậm lớn, thậm chí là sốc và chết hàng loạt. Hơn nữa khi độ mặn tăng cao, bệnh phân trắng và hoại tử gan tụy cấp tính sẽ diễn biến hết sức phức tạp, gây nên dịch bệnh làm thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế. Độ mặn cao sẽ gây biến đổi một số thông số môi trường như pH, độ kiềm. Bên cạnh đó, còn làm tảo trong ao nuôi tôm phát triển nhanh, sinh nhiều khí độc… Đặc biệt, nguồn ôxy trong nước sẽ càng tăng mạnh vào ban ngày, nhưng lại giảm tối thiểu vào ban đêm. Khi đó, môi trường sẽ thiếu ôxy, dẫn đến tôm thường nổi đầu vào lúc nửa đêm.
Kiểm soát
Hạ độ mặn
Thay nước thường xuyên khoảng 3 lần/ngày, chú ý chỉ nên thay từ 20 – 30% lượng nước trong ao. Điều tiết nguồn nước duy trì độ mặn ổn định bằng cách sử dụng ao lắng để trữ nước mưa cung cấp cho ao nuôi.
Sử dụng quạt nước vào chiều tối, đêm và gần sáng, hoặc những thời điểm nắng nóng, mưa lớn kéo dài ngày để cung cấp ôxy, giải phóng khí độc ao nuôi tôm. Đồng thời cần sục khí thường xuyên nhằm chống stress cho tôm.
Điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với tình hình thời tiết, vì mức độ tiêu thụ thức ăn của tôm cũng dựa vào nhiệt độ, độ mặn của môi trường sống. Hạn chế việc dư thừa thức ăn sẽ giúp môi trường nước sạch, giảm độ mặn.
Độ mặn và nhiệt độ tăng cao sẽ khiến cho quá trình phân hủy hữu cơ nhanh hơn, cần dọn lớp mùn bã dày ở đáy, đồng thời giảm mùi hôi do tảo tàn và xử lý khí độc. Người nuôi có thể tham khảo sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý bùn đáy ao nuôi giúp tôm có môi trường sống tốt nhất để phát triển; và bổ sung men vi sinh đường ruột cho tôm, Vitamin C… giúp tăng sức đề kháng cho tôm.
Mực nước nên được giữ ở độ sâu từ 1,2 m trở lên để ổn định nhiệt độ ao. Để giảm nhiệt độ ao, cần lắp đặt hệ thống lưới chắn chống nắng hoặc sử dụng bạt căng trên mặt ao tôm.
Lưu ý, cần hạ độ mặn từ từ để tôm có thể thích nghi được. Cứ 3 giờ hạ một lần, mỗi lần hạ không quá 2% cho đến khi độ mặn ở mức lý tưởng. Ở tháng đầu tiên, kiểm soát sao cho độ mặn ao phù hợp không thấp hơn 7 – 8%. Sang tháng thứ 2, bổ sung thêm nước ngọt vào ao, độ mặn sẽ hạ dần dần. Lưu ý, không được dưới 5% vì độ mặn thấp hơn 5% sẽ làm tôm bị mềm vỏ, tỷ lệ sống thấp. Nên lấy nước từ ao lắng có diện tích khoảng 15 – 20% so với ao nuôi, độ sâu từ 1,5 m để có thể cấp nước đủ cho ao nuôi, và ao lắng cần xử lý nước ít nhất 6 ngày trước khi cấp vào ao tôm.
Tăng độ mặn
Khử trùng và làm ổn định nồng độ pH trong ao nuôi tôm bằng cách sử dụng 22 kg vôi bột/100 m2 nước. Rắc vôi ở gần bờ và không thả quá nhiều bởi sẽ khiến cho tôm chết. Tốt hơn hết, người nuôi cần thả vôi trước khi tiến hành thả tôm. Sau khi rắc vôi xong, người nuôi rải đều 1 – 3 tấn muối/1.000 m2 để khoáng hóa đáy ao và giữ được độ mặn trong ao nuôi tôm.
Trong ao nuôi tôm độ mặn thấp, cần bổ sung khoáng chất đa vi lượng cho tôm kết hợp 5 kg magie clorua + 3 kg kali clorua trên 1.000 m3 nước. Lặp lại định kỳ 4 – 5 ngày/lần.
Trợ lực và trợ sức cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C vào trong thức ăn với liều lượng 2 – 3 g/100 kg tôm/ngày. Cho ăn liên tục trong vòng 5 ngày.
Người nuôi có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh để tạo môi trường sống tốt nhất cho tôm, tăng khả năng đề kháng của tôm. Đây là phương pháp vừa an toàn, tiết kiệm, mang lại hiệu quả tốt nhất cho người nuôi tôm. Tùy vào từng diện tích, người nuôi áp dụng cách để kiểm soát độ mặn sao cho phù hợp.
Trần Tiến