Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước tại hồ chứa thủy lợi Mỹ Thuận (xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã mở ra nhiều cơ hội cho nghề nuôi cá lồng bè với các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá điêu hồng, cá thát lát.
Qua đó, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.
Tại hồ Mỹ Thuận, ông Nguyễn Văn Điều đã thả nuôi 5.000 con giống cá thát lát cườm với kích cỡ từ 6 đến 10 cm. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật chặt chẽ, sau 8 tháng nuôi, cá phát triển nhanh chóng và không bị bệnh tật, đem lại giá trị kinh tế cao.
Trong quá trình nuôi, cần tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh lồng nuôi và quản lý thức ăn dư thừa từ cán bộ kỹ thuật. Theo dõi sát sao tốc độ phát triển về kích cỡ và trọng lượng của cá. Đặc biệt, khi cá phân đàn, cần tách và nuôi trong lồng có kích cỡ tương đồng để phát triển đồng đều hơn.
Ông Điều chia sẻ: “Với kích cỡ hiện tại khoảng 400 gam/con, cá chưa thể thu hoạch ngay. Để đạt lợi nhuận cao, tôi sẽ tiếp tục chăm sóc để cá đạt trọng lượng trên 700 gam. Cá hiện tại phát triển rất đều và phù hợp với điều kiện môi trường nước tại hồ chứa.”
Ông Nguyễn Xuân Cảnh, cư dân thôn Mỹ Long, xã Cát Hưng đầu tư lồng bè với 20 lồng nuôi cá điêu hồng, mỗi lồng diện tích 20 m², chứa 3.000 con giống. Nhờ chọn giống tốt, nước sạch, và chăm sóc kỹ lưỡng, sau 5 tháng nuôi, cá phát triển tốt và được thương lái thu mua với giá 45.000 đồng/kg. Ông thu lãi hơn 12 triệu đồng/lồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Với tiềm năng diện tích mặt nước hồ chứa Mỹ Thuận, khu vực này rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Tuy nhiên, việc nuôi cá đòi hỏi chi phí đầu tư lớn vào lồng bè, con giống, và thức ăn. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để người dân có thể đầu tư phát triển nghề, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.