Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, tính đến tháng 10/2023, tổng diện tích nuôi thủy sản cả tỉnh đạt 4.544 ha, tăng 15,4% so với cùng kỳ; tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 11.551 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Để chủ động phòng chống dịch bênh thủy sản trong mùa mưa bão, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cũng đã cấp hơn 29 tấn Chlorine hỗ trợ người dân xử lý ao, hồ nuôi thủy sản, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.
Đồng thời, các ngành chức năng và các địa phương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát chất lượng con giống thủy sản; tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thủy sản phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi thủy sản; khuyến cáo người nuôi thủy sản chủ động theo dõi thời tiết, áp dụng biện pháp phòng bệnh cho thủy sản nuôi khi thời tiết thay đổi bất thường, nhằm giảm thiểu thiệt hại, cụ thể như:
– Chuẩn bị đầy đủ nhiên, vật liệu, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả của thiên tai.
– Theo dõi thời tiết, nhất là những tháng chuyển mùa và những ngày thời tiết thay đổi bất thường để kịp thời điều chỉnh giảm lượng thức ăn, tránh dư thừa lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.
– Những ngày mưa bão giảm lượng thức ăn xuống dưới 50%. Đồng thời bổ sung các loại vitamin C, men tiêu hóa để tăng cường sức đề kháng thủy sản nuôi.
– Thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu cần thiết thì tiến hành thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm.
– Thường xuyên kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, nơi đặt lồng bè nuôi nhằm đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép.
– Sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan (nếu bị ô nhiễm) hoặc khi có thủy sản bị chết.
Người nuôi cần chủ động thực hiện và phối hợp với cơ quan chức năng liên quan trong quan trắc, cảnh báo sớm diễn biến môi trường vùng nuôi trồng thủy sản; tăng cường gia cố lồng, bè, ao nuôi, thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; đặc biệt, chú ý bổ sung men tiêu hóa, khoáng chất, vi sinh… để đảm bảo sức đề kháng cho thủy sản nuôi.