Dù không phải là thị trường truyền thống, nhập khẩu tôm gần đây của Tây Bắc Âu đã nhảy vọt. Tiêu thụ tôm chủ yếu tăng lên nhờ kênh bán buôn, song thị trường bán lẻ cũng hút một lượng hàng lớn cũng như lọt vào “tầm ngắm” của các hãng tôm châu Á và Mỹ Latinh.
Bốn trụ cột
Trong khu vực Tây Bắc Âu, 4 thị trường là điểm đến hấp dẫn nhất đối với mặt hàng tôm, gồm Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp. Phần lớn tôm được giao dịch trên các thị trường này là TTCT lột vỏ bỏ đầu (trừ thị trường Pháp). Theo thống kê, khoảng 60% nguồn cung tôm cho toàn khu vực là TTCT, trong đó tỷ lệ TTCT tại các kênh bán buôn chiếm 75 – 80%. Phần còn lại là tôm sú và tôm tự nhiên. Riêng Bỉ, Đức, và hà Lan đã nhập khẩu 260.000 tấn tôm HLSO và tôm lột vỏ vào năm ngoái.
Hà Lan hiện nay là trung tâm nhập khẩu và chế biến tôm cho châu Âu. Năm 2022, nước này đã nhập khẩu 93.124 tấn tôm, xuất khẩu 67.858 tấn và giữ lại khoảng 25.000 tấn cho thị trường nội địa. Trong đó, xuất khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh chiếm 35.000 tấn, còn lại là sản phẩm giá trị gia tăng. Trước đây, Hà Lan chủ yếu mua TTCT đông lạnh từ Việt Nam, Ấn Độ. Nhưng ngày nay, các nguồn cung từ Mỹ Latinh gồm Ecuador, Venezuela và Honduras cũng đang tràn vào thị trường này. Năm ngoái, Hà Lan nhập khẩu 9.000 tấn tôm Venezuela, 6.700 tấn từ Ecuador và 1.200 tấn từ Honduras. Nhiều doanh nghiệp thu mua tôm tại Hà Lan cho hay, tôm Mỹ Latinh đang tăng thị phần và nếu xu hướng này tiếp diễn thì TTCT Mỹ Latinh sẽ sớm chiếm lĩnh thị trường Hà Lan. Ngoài TTCT nguyên liệu, thị trường Hà Lan cũng “hút” một lượng lớn tôm giá trị gia tăng. Trong đó, tôm thịt chín biển Bắc là sản phẩm phổ biến nhất, được nhập khẩu từ Ma Rốc với khối lượng 10.000 tấn vào năm ngoái.
TTCT gần như chiếm lĩnh phân khúc thị trường tôm tươi sống tại Tây Bắc Âu. Ảnh: Shutterstock
Nhập khẩu tôm vào thị trường Đức năm 2022 đạt 68,521 tấn, tăng mạnh so mức 49.860 tấn của năm 2015. Sản phẩm phổ biến nhất là tôm nước ấm từ châu Á. Không đi theo hướng gia công và tái xuất như Hà Lan, Đức chủ yếu nhập khẩu tôm để tiêu dùng nội địa. Thị trường tôm nước ấm của Đức có sức hấp thụ khoảng 55.000 tấn, đưa quốc gia này trở thành điểm tiêu dùng lớn nhất tại châu Âu đối với mặt hàng TTCT lột vỏ bỏ đầu. Ngoài TTCT, Đức cũng nhập khẩu tôm sú đông lạnh từ Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh và tôm giá trị gia tăng. Năm ngoái, Đức nhập khẩu trực tiếp 5.900 tấn tôm thịt chín trực tiếp từ Việt Nam.
Khá trầm lắng vào những năm 2018 – 2021, nhưng đến năm 2022 Bỉ vụt sáng thành điểm đến của mặt hàng tôm với lượng nhập khẩu 60.614 tấn. Giống Hà Lan, Bỉ cũng là trung tâm gia công và chế biến tôm cho toàn châu Âu. TTCT chiếm 75% tổng lượng tôm đông lạnh nhập khẩu vào Bỉ, phần còn lại là tôm sú và tôm tự nhiên của châu Á. Nguồn cung TTCT chính cho Bỉ vẫn là Ấn Độ với 13.000 tấn và Việt Nam với 6.000 tấn vào năm ngoái. Hiện, Ecuador cũng đang tìm cách tiếp cận Bỉ với lượng cung tôm tăng từ 1.600 tấn năm 2018 lên 7.900 tấn vào năm 2022.
Trái ngược với Tây Ban Nha và Italia, các kênh bán lẻ tại Pháp tiêu thụ một lượng đáng kể tôm lột vỏ. Năm ngoái, Pháp nhập khẩu khoảng 30.000 tấn tôm, trong đó có đến 50% là tôm thịt chín và giá trị gia tăng từ Bỉ và Hà Lan. Ít nhất 10% nhập khẩu từ Mỹ Latinh là tôm lột vỏ bỏ đầu (7.000 tấn), nâng tổng số mặt hàng này lên 40.000 tấn, vượt quy mô thị trường Hà Lan và Bỉ.
Sức hút kênh bán lẻ
Thị trường bán lẻ thực phẩm châu Âu đạt trị giá 2 nghìn tỷ EUR với hơn 300.000 cửa hàng và bị chi phối bởi các công ty đa quốc gia từ Đức và Pháp. Trong đó Schwarz Gruppe, Aldi, Rewe, Edeka, Carrefour, Les Mousquetaires, E.Leclerc, Ahold Delhaize là những tập đoàn bán lẻ tên tuổi với chuỗi siêu thị khắp thế giới.
Hầu hết siêu thị ở Tây Bắc Âu đều bán TTCT dưới dạng đông lạnh và tươi sống. Khác với Nam Âu thường được bày bán tôm vỏ theo khối lượng lớn thì Tây Bắc Âu bán tôm lột vỏ bỏ đầu trong các khay nhỏ 100 – 200 g. TTCT gần như chiếm lĩnh phân khúc thị trường tôm tươi sống tại Tây Bắc Âu, bên cạnh một tỷ lệ nhỏ tôm nước lạnh. Đáng chú ý, tôm tự nhiên chủ yếu được chứng nhận MSC, trong khi tôm nuôi có chứng nhận ASC. Ngoài ra, các kênh bán lẻ cũng có những kệ hàng tôm hữu cơ và hầu hết được bày bán dưới dạng tôm thịt rút gân.
Một số công ty lớn như Heiploeg, Klaas Puul và Morubel nhập khẩu một lượng lớn tôm cấp đông nhanh để xử lý tẩm ướp trước khi đóng gói và phân phối cho khách hàng bán lẻ. Heiploeg hiện là công ty chuyên kinh doanh tôm biển lớn nhất châu Âu; đồng thời là nhà nhập khẩu TTCT đông lạnh hàng đầu khu vực.
Phân khúc tôm đông lạnh tại hầu hết siêu thị Tây Bắc Âu đa dạng về chủng loại và quy cách hơn phân khúc tôm tươi. Trong phân khúc tôm đông lạnh, TTCT vẫn là sản phẩm chính. Ngày càng nhiều hãng bán lẻ, như Colruyt, Coop, và Rewe đang tìm nguồn cung tôm trực tiếp từ gốc. Cạnh đó vẫn còn nhiều nhà bán lẻ vẫn phụ thuộc vào công ty nhập khẩu vì nguồn cung ứng tôm quá manh mún, bấp bênh hoặc thiếu thông tin về nhà cung cấp tại châu Á hoặc Mỹ Latinh.
Theo nhà sáng lập Shrimp Insight, Willem van de Pijl, sức nóng từ thị trường Trung Quốc và Mỹ đã khiến nhiều doanh nghiệp bỏ quên thị trường Tây Bắc Âu cũng đang tăng trưởng hàng năm với sức tiêu thụ lên đến hơn 250.000 tấn. Phân khúc bán buôn tại Tây Bắc Âu góp phần mang lại tăng trưởng nhập khẩu tôm cho toàn khu vực, nhưng kênh bán lẻ cũng đang lớn mạnh dần và mang lại một môi trường kinh doanh ổn định hơn. Tuy nhiên, để đứng vững tại Tây Bắc Âu, doanh nghiệp tôm cần sẵn sàng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về giá, an toàn thực phẩm và tính bền vững.
Vũ Đức
Theo Seafoodbusisness