Do lạm phát cao, chênh lệch tỷ giá, cạnh tranh gay gắt với các nước đối thủ và giá cá ngừ nguyên liệu tăng mạnh, khiến nhà nhập khẩu trì hoãn, thậm chí giảm số lượng đơn hàng. Những điều này đã tác động đến thị trường xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, giá trị kim ngạch sụt giảm tại các thị trường lớn trong 3 tháng đầu năm.
Sụt giảm mạnh
Tính đến hết tháng 3/2023, cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 85 thị trường trên thế giới. Trong đó Mỹ, Israel, Nhật Bản, Đức, Hà Lan và Thái Lan là 6 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2023. Cùng đó, hiện tại, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng cao lên mức đỉnh, kéo theo giá cá ngừ trong nước tăng. Điều này đang khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn.
Như với thị trường Mỹ, trong bối cảnh lạm phát liên tục duy trì ở mức cao suốt nhiều tháng, người dân Mỹ đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn, mua số lượng lớn và các sản phẩm không có thương hiệu và tập trung vào các mặt hàng chủ lực.
Với mặt hàng cá ngừ, hiện đa phần các sản phẩm đều giảm so với cùng kỳ, trừ cá ngừ hấp đông lạnh (mã HS16) tăng 20%. So cùng kỳ năm trước, giá trung bình xuất khẩu nhóm mặt hàng này giảm 20%.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu cá ngừ của Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2023 cũng đang giảm so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu cá ngừ từ các nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam hay Indonesia, tăng nhập khẩu cá ngừ từ các nước trong cùng khu vực như Mexico hay Ecuador.
Việt Nam vẫn đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ sau Thái Lan, Indonesia. Thị phần của Việt Nam tại thị trường cá ngừ Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2023 đã bị thu hẹp từ 21% xuống còn 11%.
“Sức khỏe” tài chính của người dân Canada đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2022, khi chi phí sinh hoạt ở quốc gia Bắc Mỹ này tăng với quy mô chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Hiện nay, mặc dù lạm phát đã bắt đầu dịu bớt, nhưng giá của một số nhu yếu phẩm như hàng tạp hóa vẫn đang tăng. Điều này đã ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản cao cấp tại thị trường này, trong đó có sản phẩm cá ngừ tươi và đông lạnh.
Bên cạnh đó, với mặt hàng thủy sản, khó khăn đối với Việt Nam xuất phát từ nguyên nhân Canada có xu hướng giảm dấu chân carbon trong tiêu dùng và xu hướng quay về nhập khẩu sản phẩm từ khu vực Nam Mỹ. Mặt khác, Canada đang đẩy mạnh ký kết nhiều hiệp định thương mại ở khu vực Nam Mỹ, Việt Nam sẽ có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, như Ecuador, xa hơn sẽ là Indonesia. Những thách thức này đã tác động lên xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Canada, với nguy cơ bị sụt giảm thị phần.
Điều này thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này tại thị trường Canada trong 3 tháng đầu năm 2023 giảm liên tục, với trị giá đạt hơn 4,3 triệu USD, giảm 70% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu các nhóm sản phẩm thịt, thăn cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam giảm mạnh 86% trong quý I/2023. Trái lại, xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp mã HS16 lại có xu hướng tăng, đạt gần 1,2 triệu USD, tăng 102% so cùng kỳ năm trước.
VASEP cho rằng, hiện giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã chạm đỉnh, kéo theo giá cá ngừ trong nước tăng. Điều này đang khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn. Bên cạnh đó, lượng tồn kho tại một số thị trường lớn như các nước EU vẫn ở mức cao, có thể kéo dài tới 2 – 3 tháng tới. Do đó, nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường này sẽ vẫn thấp trong quý tới, điều này có nghĩa xuất khẩu cá ngừ trong quý II khó tăng trưởng so cùng kỳ năm trước. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý cả về chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh về giá đối với các nguồn cung đối thủ, đặc biệt khi họ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại.
Doanh nghiệp vẫn khó chồng khó
Ngành hàng cá ngừ không chỉ gặp khó ở thị trường xuất khẩu, mà các doanh nghiệp cũng đang gặp khó về các giấy tờ khi thu mua, chế biến, xuất khẩu. Cụ thể, ngày 15/3/2023, VASEP đã có Công văn 22/CV-VASEP gửi Tổng cục Thủy sản và Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản nêu một số vướng mắc, bất cập trong công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) và giấy chứng thư an toàn thực phẩm (H/C) phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu hải sản sang EU. Công văn nêu rõ, rất nhiều doanh nghiệp mua cá ngừ vây vàng (yellowfin) nhưng không xin được giấy S/C. Lý do theo giải thích của các Ban quản lý cảng cá, cá size (cỡ) nhỏ mới đúng là cá ngừ vây vàng, còn cá có size lớn không phải là cá ngừ vây vàng nên cảng cá không cấp S/C. Tuy nhiên, VASEP cũng không tìm thấy có quy định cụ thể nào quy định việc phân biệt hay phân loại cá ngừ vây vàng theo size cỡ như vậy. Hơn nữa, với lý do triển khai quyết liệt chống IUU để gỡ “thẻ vàng” của EC, nên một số Ban quản lý cảng cá không cấp giấy S/C theo số lượng thực tế mà doanh nghiệp đã thu mua, mà chỉ cấp theo số lượng ít hơn. Thậm chí, hiện một số cảng cá ngưng cấp giấy S/C cho các lô nguyên liệu của tàu khai thác dài ngày (trên 1 tháng).
Ngoài ra, VASEP cũng cho biết một số doanh nghiệp đang gặp vướng mắc khi không xin được giấy H/C đối với các lô hàng có nguyên liệu từ tàu khai thác dài ngày. Theo Văn bản số 67/TTCL4-CL của Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 4 gửi Tổng cục Thủy sản, thì đơn vị này nghi ngại rằng thời gian từ lúc bắt đầu khai thác đến bốc dỡ nguyên liệu khi cập cảng của tàu cá kéo dài (từ 3 đến 5 tháng) sẽ không đảm bảo ATTP; thời gian trên giấy S/C và trên nhật ký khai thác có sự sai lệch nhau.
>> Đối với thị trường khối CPTPP, mặc dù xuất khẩu sản phẩm cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản và Mexico ghi nhận tăng trưởng trong tháng 3/2023, nhưng xuất khẩu sang Canada vẫn tiếp tục giảm sâu. Chính vì thế, tính đến hết tháng 3, xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường CPTPP vẫn giảm 14%, chỉ đạt hơn 26 triệu USD.
Diệu An