Thị trường tiêu thụ chậm, giá cá tra thương phẩm vẫn giữ ở mức thấp khiến nhiều hộ nuôi “treo ao”, dẫn đến giá cá giống cũng giảm mạnh.
Các doanh nghiệp ở ĐBSCL đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu cá tra và tăng sản lượng bán nội địa. Tuy nhiên, tình hình sản xuất và xuất khẩu cá tra đang gặp nhiều khó khăn, giá cổng trại cá tra thương phẩm vẫn giữ ở mức thấp và ổn định kể từ tháng 6/2023. Đầu tháng 7, giá cá tra giống cho nuôi thương phẩm loại 30 con/kg giảm đáng kể xuống còn 20.170 đồng/kg.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung cá giống do thời tiết không thuận lợi và vấn đề dịch bệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi vẫn thả cầm chừng.
Mặc dù theo thống kê, gần đây nguồn cung cá giống tăng trở lại, nhưng người dân vẫn không có động lực thả nuôi vụ mới. Kể từ tháng 4/2023, thị trường cá tra rơi vào tình trạng trầm lắng.
Giá cá tra thu hoạch tại trang trại tương đối ổn định trong tháng 6 và tháng 7. Hiện, cá tra cỡ 800g – 1kg và cỡ 1 – 1,2 kg đều ở mức 26.750 đồng/kg. Trong khi loại từ 1,2kg trở lên giảm trong suốt tháng 6, từ 28.720 đồng/kg xuống 27.250 đồng/kg.
Giá cổng trại cá tra Việt Nam
Cá tra có trọng lượng từ 1,2 kg trở lên được bán với giá cao nhất. Đây là kích cỡ được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, vốn là thị trường trọng yếu của ngành xuất khẩu cá tra nước ta. Cá tra thương phẩm có trọng lượng 800g – 1 kg là kích thước tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ.
Giá cổng trại cá tra loại 800 gr – 1kg
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, tín dụng và quy trình chế biến, sản xuất. Chi phí đầu vào không ngừng tăng cao, tình trạng nông dân bỏ ao trống dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu. Cả người nuôi và nhà chế biến đều rơi vào cảnh thiếu vốn duy trì sản xuất, kinh doanh.
Trong tháng 6/2023, tổng sản lượng cá tra đạt 110.00, tăng 10% so với tháng trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ doanh số bán hàng tăng lên tại thị trường Mỹ và Mexico, bù đắp cho sự sụt giảm ở khu vực ASEAN, EU và Trung Quốc, Hồng Kông.
Anh Thư