Ngành xuất khẩu chả cá và surimi Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề “thẻ vàng” IUU ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường EU.
Báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tháng 3/2024, xuất khẩu chả cá và surimi tiếp tục giảm mạnh. Giá trị xuất khẩu sản phẩm này chỉ đạt khoảng 20 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 3, hơn 67 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu chả cá và surimi.
Sản phẩm surimi. Ảnh: ST
Hiện nay, sản phẩm surimi của Việt Nam được xuất khẩu tới 30 thị trường quốc tế. Trong quý I/2024, mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực mở rộng sang các thị trường nhỏ hơn, nhưng cũng không thể bù đắp cho sự sụt giảm ở các thị trường xuất khẩu chính. Top 6 thị trường nhập khẩu lớn nhất chả cá và surimi của Việt Nam trong quý này bao gồm Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và Lithuania, chiếm 76% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này.
Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đồng loạt giảm so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu chả cá và surimi sang thị trường EU lại có kết quả tích cực, tăng 31% so với năm 2023. Lithuania và Italia dẫn đầu khối thị trường EU về nhập khẩu các sản phẩm chả cá và surimi từ Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp trong ngành, nhiều yếu tố đang gây sức ép lớn đến hoạt động xuất khẩu chả cá và surimi. Vấn đề thẻ vàng IUU đang gây khó khăn lớn cho việc xác nhận và chứng nhận thủy sản xuất khẩu sang EU, làm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu trong nước, và gặp khó khăn cả với nguyên liệu nhập khẩu do các quy định IUU. Những yếu tố này đã và đang làm chậm lại sự phục hồi của ngành.
Ngoài ra, các nhà sản xuất surimi Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ sản phẩm surimi cá minh thái trên thị trường quốc tế. Trong thời gian tới, có khả năng surimi cá minh thái sẽ chiếm lĩnh thị trường cá nhiệt đới trừ phi có sự tăng trưởng trong nhu cầu tiêu thụ hoặc sự mở rộng thêm của các thị trường mới.
Hương Thảo