Trong 6 tháng đầu năm, thị trường Nhật Bản thu mua 236 triệu USD tôm từ Việt Nam, chiếm 23.7% thị phần trên toàn cầu. Trong đó, ưa chuộng nhất vẫn là tôm thẻ chân trắng và tôm sú.
Tính riêng trong năm 2022, Nhật Bản vẫn giữ vững “phong độ” là thị trường nhập khẩu tôm khá ổn định của Việt Nam. Đạt 617 triệu USD, tăng 16% so với năm 2021. Như vậy, khi tiếp tục bước sang năm 2023, tính tới thời điểm giữa tháng 7, xuất khẩu tôm sang thị trường này đã đạt 256 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ 2022.
Nửa đầu năm 2023, thị trường Nhật Bản mua 236 triệu USD tôm từ Việt Nam, giảm 29% so với cùng kỳ. Cũng trong tháng 6/2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản giảm 35% – Đây được xem là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 3 năm nay.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm này, là do đồng Yên bị mất giá. Số liệu mới nhất cho thấy, đến đầu tháng 7/2023, đồng Yên Nhật đã giảm 145 Yên/USD. Khiến cho việc tiêu thụ tôm vào thị trường này gặp nhiều khó khăn, do chúng ta phải theo bán theo giá giảm của đồng Yên.
Trong đó, có 3 nhóm sản phẩm tôm chính xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bao gồm: Tôm thẻ chân trắng chiếm 63.5%, tôm sú chiếm 17.9% và còn lại là những loại tôm khác chiếm 18.6%. So với những thị trường khác, thì tỷ trọng xuất khẩu tôm loại khác của Nhật Bản cao hơn tôm sú. Chỉ tính riêng nửa đầu 2023, giá trị xuất khẩu của tôm thẻ chân trắng đạt được 150 triệu USD giảm 26%, giá trị xuất khẩu tôm sú đạt 42%, giảm 45%. Đáng chú ý nhất vẫn là những loại tôm khác đạt 44 triệu USD, giảm 15%.
– Giá trung bình tôm thẻ chân trắng đông lạnh của Việt Nam, khi sang đến Nhật Bản dao động từ 6.5 – 10.3 USD/kg.
– Giá trung bình tôm sú đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản dao động từ 14.1 – 17.7 USD/kg.
Như vậy, có thể thấy rằng trong quý II/2023, giá trung bình xuất khẩu của tôm thẻ chân trắng và tôm sú đông lạnh, đã giảm nhẹ hơn so với quý I/2023.
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn ưu tiên xuất khẩu tôm chế biến sang Nhật Bản. Ảnh: fun-japan.jp
Dù giá trị xuất khẩu của các mặt hàng tôm Việt Nam đang ở chiều hướng giảm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào đất nước “Phù Tang”. Bởi, họ nhìn nhận được giá bán tại nước này đang ổn định, tỷ suất lợi nhuận cũng tốt hơn, do tỷ lệ hàng tinh chế, phối chế cao. Đồng thời, trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu trong nước giảm vì dịch bệnh trên tôm, thì các sản phẩm tôm Việt Nam chế biến, được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vẫn giữ được ưu thế hơn so với những thị trường khác.
Một số doanh nghiệp tiêu biểu xuất khẩu tôm lớn nhất sang Nhật Bản như: Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, Công ty CP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, Công ty CP Tập Đoàn Thủy Sản Minh Phú, Công ty CP Hải Việt,…
Trên “thương trường” dĩ nhiên nước ta cũng sẽ chịu sự cạnh tranh của các nước khác, như Ấn Độ và Ecuador. Theo số liệu ghi nhận được từ Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 5 tháng đầu năm 2023, trong khi tổng nhập khẩu tôm chung vào Nhật Bản giảm 11%, nhập khẩu từ nguồn cung lớn nhất Việt Nam cũng ghi nhận giảm thì Nhật Bản vẫn tăng mạnh nhập khẩu từ Ấn Độ và Ecuador, lần lượt là 43% và 20%. Cũng trong khoảng thời gian này, Nhật Bản tăng mạnh nhập khẩu tôm sú từ Ấn Độ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm thị phần 23,7%. Thái Lan xếp vị trí thứ 2 với thị phần 17,7%. Vị trí thứ 4 thuộc về Ấn Độ với 14,5% và Ecuador xếp thứ 10 với 2,1%.