3 ‘nhất’: Dễ làm, Bền vững, Lâu dài

Cận cảnh ngành thủy sản nhiều tỷ đô ở vùng mỏ

QUẢNG NINH Kết hợp mở rộng diện tích nuôi và chế biến sâu, giá trị thủy sản nói chung, con tôm nói riêng sẽ tăng gấp 3 – 4 lần, 10 năm tới sẽ đạt doanh thu tỷ đô.

nganh-de-lam-va-ben-vung-nhat-121336_688

Quảng Ninh đã hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Ảnh: Văn Nguyễn.

Thay đổi tư duy nuôi tôm

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang chuyển đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, kết hợp Nghị quyết 36 về phát triển kinh tế biển. Ngành thủy sản là một trong 6 ngành kinh tế biển quan trọng.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, ngành thủy sản được xem là ngành “dễ làm nhất và bền vững, lâu dài nhất” nhờ có không gian, dư địa lớn để phát triển.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, phân tích, tư duy về quản trị nước đóng vai trò quan trọng. Những đất nước có tư duy quản trị về nước khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, hiệu suất cao thì Quảng Ninh nên học tập theo.

"Điển hình như tại Israel, 1ha mặt nước nuôi tôm quy ra giá trị tiền Việt sẽ cho thu về khoảng 150 triệu đồng/tấn tôm bán tại trang trại nuôi. Mỗi năm, 1ha đó sẽ cho thu nhập khoảng 100 tỷ đồng, tương đương với 600 – 700 tấn tôm. So với Quảng Ninh hiện nay nuôi 2-3 vụ thu hoạch được khoảng gần 150 tấn/năm", ông Thắng cho biết.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, nuôi tôm cho thu nhập cao hơn nhưng chi phí sản xuất tại Israel cho 1kg tôm chỉ khoảng 90 nghìn đồng. Nguồn nước nuôi tôm ở quốc gia này được tái sử dụng, không thải ra môi trường nên chi phí xử lý môi trường gần như không có.

Còn tại Việt Nam nói chung và ở Quảng Ninh nói riêng, người nuôi tôm chỉ quan tâm đến chỉ số FCR (số kg thức ăn để cho ra 1kg tôm thịt) nhưng lại không chú trọng đến việc 1kg tôm phải sử dụng bao nhiêu lít nước và thải ra bao nhiêu nước?

“Từ đó đặt ra vấn đề là người nuôi tôm giúp tăng trưởng ngành tôm nhưng lại đang xả nước ra môi trường, gây ảnh hưởng đến ngành khác. Do nuôi tôm ở ven bờ nên nước thải ra cơ bản ở ven bờ, khiến đất canh tác nông nghiệp bị nhiễm mặn, cây trồng không phát triển được, thậm chí ô nhiễm nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Những khu vực quy hoạch nuôi kém lại lấy nước thải ra để làm nước đầu vào khiến cho dịch bệnh bùng phát, gây thiệt hại rất lớn cho chính người nuôi. Do đó, cần thay đổi về phương pháp xử lý nước để đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng năng suất vụ nuôi tôm hàng năm”, ông Thắng nhấn mạnh.

nganh-de-lam-va-ben-vung-nhat-123150_266

Giám sát, kiểm tra chất lượng nước trong quá trình nuôi tôm để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Văn Nguyễn.

Không gian sản xuất thủy sản ở Quảng Ninh hiện nay đang có khoảng trên 50 nghìn ha mặt nước nuôi trồng và đất ven bờ, đang sử dụng 32 nghìn ha, dung lượng diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2030 còn gần 20 nghìn ha.

"Trong nuôi tôm chỉ sử dụng 1/3 diện tích để nuôi, còn lại là các hạng mục phụ trợ như lọc nước, xử lý môi trường, tỉnh đang có hơn 4.000ha nuôi nhưng chỉ cần 2.000ha nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình Israel thì Quảng Ninh sẽ có từ 600 – 800 nghìn tấn tôm mỗi năm (với con số này, Quảng Ninh dự kiến đạt hơn 30% sản lượng tôm của cả nước).

Với giá tôm tươi sống trung bình khoảng 150 nghìn đồng/kg sẽ thu về hơn 10 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 500 triệu USD). Như vậy, Quảng Ninh có đủ điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất tôm lớn nhất của khu vực miền Bắc", ông Thắng nhấn mạnh.

“Tuy nhiên, đây mới chỉ riêng về con tôm, trong khi đó, Quảng Ninh còn có thế mạnh về cá biển, ốc biển, tu hài, hải sâm… Nếu kết hợp chế biến sâu sẽ tăng giá trị lên gấp 3 – 4 lần. Trong 10 năm nữa, chắc chắn ngành thủy sản Quảng Ninh sẽ đạt doanh thu nhiều tỷ đô”.

Chuyển đổi đất và quy hoạch nuôi biển

Theo dự báo của FAO, mức tiêu thụ bình quân đầu người thủy sản tỉnh Quảng Ninh sẽ đạt trên 35,4kg/người/năm, tiêu thụ khách du lịch bình quân khoảng 0,8kg/người/ngày thì tổng nhu cầu thủy sản toàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 cần khoảng trên 98 nghìn tấn. Trong đó, cung cấp cho dân số của tỉnh khoảng 57,7 nghìn tấn và cho khách du lịch khoảng trên 40 nghìn tấn.

Trong đó, khả năng cung cấp trong tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 55,8% tổng nhu cầu, còn lại phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh/thành phố khác trên toàn quốc.

Từ thực trạng trên, yêu cầu đặt ra là cần mở rộng diện tích nuôi, đưa khoa học kỹ thuật vào thâm canh. Quan trọng nhất, phải quy hoạch tốt việc nuôi biển để phát huy tối đa lợi thế của ngành.

Những năm qua, từ đề án chuyển diện tích vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân ở Quảng Ninh đã thực hiện và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, diện tích chuyển đổi trên toàn tỉnh ước đạt gần 3.000ha tại các địa phương Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Hải Hà, Móng Cái. Đặc biệt, thị xã Đông Triều đã chuyển đổi được gần 645ha tại 7 xã, phường (Hồng Phong, Kim Sơn, Yên Đức, Hồng Thái Tây, Hồng Thái Đông, Hoàng Quế, Tân Việt).

Việc đầu tư hạ tầng dùng chung tại các vùng chuyển đổi được thực hiện theo phương thức kết hợp giữa chính quyền và người dân cùng làm. Điển hình như các dự án đầu tư xây dựng vùng chuyển đổi đất hoang hóa và cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm tại phường Hải Hoà (Móng Cái); xã Sông Khoai, phường Nam Hòa (Quảng Yên),… đều đã được người dân đầu tư hạ tầng vùng nuôi đồng bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, bước đầu hình thành những vùng nuôi trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đấy là vùng nuôi trong nội địa, còn ngoài biển, việc giao mặt biển, quy hoạch vùng nuôi vẫn chưa thực sự được Quảng ninh chú trọng.

Anh Nguyễn Xuân Hạnh, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, bắt đầu nuôi biển từ năm 2008 mà giờ vẫn không có sổ đỏ dù vùng đó đã được nhà nước quy hoạch để nuôi. Theo anh Hạnh, địa phương có gần 100 hộ nuôi thủy sản nhưng chỉ khoảng 5% là có sổ đỏ mặt nước.

"Người dân chúng tôi hàng chục năm nay cứ ngóng chờ mãi chuyện này. Không có sổ đỏ bấp bênh lắm vì không được bảo vệ hợp pháp. Khi xảy ra chồng lấn với hộ khác, người ta kêu lên tới trưởng thôn cũng không thể giải quyết được vì cả hai đều không có căn cứ pháp lý gì, mà khi có thiên tai người nuôi cũng không nhận được sự hỗ trợ gì cả”, anh Hạnh bộc bạch.

Thống kê diện tích tiềm năng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh là 60.740ha. Trong đó, diện tích mặt nước, khu vực biển đã được cấp có thẩm quyền giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản là gần 2.800ha đối với 13 tổ chức và 329 hộ gia đình cá nhân.

Như vậy số diện tích khu vực biển do các hộ gia đình, cá nhân hiện đang sử dụng nuôi trồng thủy sản nhưng chưa được cấp có thẩm quyền giao, cho thuê còn khá lớn.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, hiện nay, quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ vẫn chưa hoàn thiện để trở thành các căn cứ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, giao khu vực biển tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo quy định, phạm vi mặt nước 3 hải lý tính từ đường triều kiệt ra biển sẽ do UBND cấp huyện thực hiện giao, cho thuê; phạm vi 3 – 6 hải lý do UBND tỉnh thực hiện; ngoài 6 hải lý do cấp trung ương quản lý. Hiện chưa có đường triều kiệt nên không thể phân định rõ về cấp thẩm quyền quản lý, thực hiện giao, cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức, cá nhân.

Ở Quảng Ninh hiện tồn tại khó khăn trong việc xác định từ bờ đến 3 hải lý, dùng đường triều kiệt thấp nhất trong nhiều năm để xác định nhưng tỉnh lại có chương trình lấn biển.

Đường triều kiệt phải ở ngoài bờ, tuy nhiên theo bản đồ của Bộ TN-MT có nhiều điểm ở bên trong. Hiện Quảng Ninh mới chỉ xác định được các đảo lớn thuộc tỉnh, riêng tại khu vực huyện Vân Đồn mới chỉ xác định được đối với khu đảo Cái Bầu, còn 5 xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Bản Sen chưa xác định được đường triều kiệt và đường 3 hải lý.

nganh-de-lam-va-ben-vung-nhat-123640_44

Việc giao, cho thuê diện tích mặt nước biển cụ thể đối với cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết. Ảnh: Nguyễn Thành.

Các xã đảo như Quan Lạn, Ngọc Vừng có cả ngàn người dân, có chính quyền nhưng lại nằm ngoài 6 hải lý, nếu muốn giao mặt nước cho dân lại phải thuộc thẩm quyền của Bộ, dù nó nằm ngay gần bờ của đảo. Giao cho dân để phát triển kinh tế hộ mà phải lên Bộ thì rất khó. Khi không giao được biển, người dân không thể đầu tư sản xuất.

Như vậy, việc tích hợp định hướng phát triển ngành thủy sản trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2023 – 2030 là căn cứ pháp lý của việc giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

“Việc giao, cho thuê diện tích mặt nước biển cụ thể đối với cá nhân, tổ chức NTTS là rất cần thiết, qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, chấm dứt hoạt động sử dụng tài nguyên biển trái phép, từng bước phát triển ổn định. Đồng thời, đảm bảo quản lý hiệu quả, thúc đẩy thủy sản phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường”, ông Minh nhấn mạnh.

Hiện nay, tổng diện tích tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 50% diện tích quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Các vùng nuôi tôm tập trung từ Tiên Yên đến Móng Cái với diện tích 4.500ha chiếm 56% tổng diện tích nuôi tôm. Quảng Ninh tiến tới đầu tư xây dựng Tiên Yên – Đầm Hà thành trung tâm tôm công nghiệp công nghệ cao của các tỉnh miền Bắc với quy mô diện tích đạt 2.000ha.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận