Hiện nay, tình hình nhiễm vi bào tử trùng EHP trên tôm nước lợ ở một số vùng nuôi của tỉnh Kiên Giang đang có chiều hướng gia tăng. Bệnh do vi bào tử trùng EHP không gây chết hàng loạt và có ảnh hưởng rất lớn về kinh tế đối với nghề nuôi tôm vì mức độ phân cỡ và tiêu tốn nhiều thức ăn.
Trước những thực tế nêu trên, nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Thu Hằng đã tiến hành cuộc khảo sát nhằm đánh giá được tình hình, diễn biến của dịch bệnh, song song đó để hiểu rõ hơn về tác nhân gây bệnh này. Từ đó những biện pháp đối phó với dịch bệnh an toàn và hiệu quả được đưa ra trong nghiên cứu.
Mẫu tôm thẻ chân trắng được thu tại các ao nuôi tôm thâm canh, sau đó được vận chuyển sống về phòng thí nghiệm và phân tích mẫu trong ngày. Mẫu tôm để soi tươi và nhuộm Giemsa được phân tích tại phòng thí nghiệm Bệnh học Thủy sản – Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ.
Kết quả thu mẫu cho thấy tôm nuôi thâm canh phát hiện bệnh trong giai đoạn từ 30 ngày tuổi (tuần nuôi thứ 4). Các mẫu tôm đều không có dấu hiệu bệnh lý bên ngoài bất thường, màu sắc tôm tươi sáng, không bị đóng rong hay loét vỏ, ngoại trừ kích cỡ của tôm có sự suy giảm đáng kể so với các mẫu tôm không nhiễm bệnh. Một số mẫu tôm ở một số ao nuôi nhiễm nặng vẫn có một vài dấu hiệu bệnh lý đặc trưng như: Tôm giảm ăn, màu sắc tôm bệnh nhợt nhạt, vỏ sần sùi, nhám, ruột tôm ngắt quãng hoặc trống rỗng. Tôm bị nhiễm bệnh nặng có thể có biểu hiện phân trắng và mất màu ở gan tụy.
Bào tử EHP quan sát dưới kính hiển vi quang học (100x)
– A: Bào tử bên trong các ống gan tụy
– B: Bào tử tồn tại bên trong tế bào (mũi tên)
Bào tử EHP tồn tại tự do bên ngoài tế bào quan sát dưới kính hiển vi quang học (150x) (mũi tên)
Bào tử EHP nhuộm Giemsa (100x) (mũi tên)
Tỷ lệ nhiễm (%) bào tử EHP trên tôm thẻ chân trắng
Kết quả phân tích chiều dài và khối lượng các mẫu tôm cho thấy, đa số các mẫu tôm nhiễm EHP có chiều dài ngắn hơn và khối lượng nhỏ hơn đáng kể so với các mẫu tôm không nhiễm EHP và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Sau 12 tuần nuôi, tôm không nhiễm EHP có chiều dài và khối lượng trung bình (13,6cm, 20,2g) lớn hơn có ý nghĩa so với tôm nhiễm EHP (11,3cm, 11,0g).
Chiều dài trung bình của tôm nhiễm EHP và tôm không nhiễm EHP
Khối lượng trung bình của tôm nhiễm EHP và tôm không nhiễm EHP
Yang et al. (2021) đã chứng minh rằng tôm nhiễm EHP có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng. Kết quả cho thấy việc điều chỉnh giảm các gen quan trọng trong các con đường tổng hợp năng lượng đã góp phần rất lớn vào sự chậm phát triển của tôm. Ngoài ra, còn có sự điều chỉnh các gen liên quan đến miễn dịch giúp nâng cao sức đề kháng của tôm chống lại sự lây nhiễm EHP.
Đồng quan điểm này, báo cáo của Shen et al. (2022) cũng cho rằng, các hoạt động tiêu hóa đo được ở tôm bị nhiễm EHP thấp hơn đáng kể so với ở tôm khỏe mạnh, trong khi các hoạt động miễn dịch lại có xu hướng ngược lại. Nhiễm EHP trực tiếp làm thay đổi cộng đồng vi khuẩn đường ruột và các hoạt động của enzym, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các đặc điểm tăng trưởng của tôm.
Các enzym tiêu hóa α-amylase và lipase đã giảm đáng kể ở nhóm tôm nhiễm EHP. Nhiễm EHP ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch không đặc hiệu bằng cách giảm hoạt động của alkaline phosphatase, catalase, γ-glutamyl transferase, tổng khả năng chống oxy hóa, anion superoxide, phenoloxidase. Do đó, tổn thương nghiêm trọng do EHP gây ra ở gan tụy đã ảnh hưởng đến quá trình bài tiết, tiêu hóa, hấp thụ.
Những tác động này ảnh hưởng đến sinh lý, chuyển hóa lipid, chuyển hóa carbohydrate, hệthống miễn dịch và gây ra giảm tiêu thụ thức ăn, tăng FCR và chậm phát triển. Vì vậy, nhiễm EHP không gây chết hàng loạt nhưng làm chậm đáng kể sự tăng trưởng của tôm, làm tăng chi phí sản xuất và dẫn đến thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho các trang trại nuôi tôm.
Theo Tạp chí Trường Đại học Cần Thơ
Nguyễn Thị Thu Hằng1*, Nguyễn Thanh Tuyền2, Trương Quỳnh Như2 và Nguyễn Trọng Ngữ2